📞

Nhìn lại di sản đối ngoại của Tổng thống Obama

20:31 | 26/12/2016
Di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama được xác định không chỉ ở những gì ông đã làm được mà cả những gì ông chưa thể làm được.

Trong 8 năm qua, ông Obama đã mở ra một thời kỳ ngoại giao mới, tái xác lập nước Mỹ như một động lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giảm bớt mối đe dọa về vũ khí hạt nhân. Ông đã khôi phục sự thống nhất giữa Mỹ và các đồng minh sau những chia rẽ trong nhiệm kỳ của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và đã tránh đưa ra thêm những cam kết quân sự quy mô lớn ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, ông Obama cũng vấp phải những hạn chế với tư cách là một nhà ngoại giao quan trọng bậc nhất của thế giới. Cách tiếp cận thận trọng và có phần thực dụng trong các vấn đề thế giới rút cục đã khiến ông không hoàn thành được lời hứa cơ bản trong nhiệm kỳ tổng thống, đó là chấm dứt các cuộc chiến tranh. Vào tháng 1/2017, ông sẽ rời nhiệm sở mà chưa thể kết thúc các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, thay vào đó mới chỉ giảm đáng kể sự can dự của Mỹ trong các cuộc xung đột đó. 

Trong 8 năm qua, ông Obama đã làm được nhiều điều cho nền đối ngoại của nước Mỹ song vẫn có những điều còn dang dở. (Nguồn: CNN)

Các nhà sử học sẽ phải trăn trở xem liệu những thành tựu ngoại giao của ông Obama như thỏa thuận hạt nhân với Iran và việc tái lập quan hệ với Cuba có "nặng ký" hơn những thất bại của ông hay không. Nhận xét của họ sẽ phải dựa phần lớn vào cách thức Tổng thống kế nhiệm Donald Trump tiếp tục những nỗ lực đó ra sao. Nếu ông Trump thực hiện những lời hứa khi tranh cử - theo đó sẽ hủy các thỏa thuận về biến đổi khí hậu, thương mại và hạt nhân -  thì những di sản của ông Obama sẽ không còn được coi là tham vọng mà sẽ trở thành hạn chế - bất luận kết quả ra sao. 

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách tổng thống, ông Obama từng nói với kẻ thù của nước Mỹ rằng ông sẽ “ra tay nếu các ngươi định vung nắm đấm”. Ông đã thực hiện được phần lớn lời nói này. Hành động của ông Obama đã mang lại những đột phá ngoại giao mang tính lịch sử, song không phải không có những mức độ thỏa hiệp, khiến những người chỉ trích ông thuộc phe Cộng hòa phản đối mạnh mẽ. 

Nước Mỹ đã nhanh chóng từ bỏ những năm tháng thi hành các lệnh trừng phạt về dầu lửa, thương mại và kinh tế đối với Iran để đạt được những áp đặt nghiêm khắc mới về chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, mối đe dọa về vũ khí nguyên tử từ Iran vẫn được cho là không vĩnh viễn mất đi. 

Trong thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu hồi năm ngoái tại Paris, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã cam kết giảm lượng khí thải nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân gây tăng nhiệt độ và mực nước biển, làm các vụ hạn hán và đợt nắng nóng thêm trầm trọng. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục gia tăng lượng khí thải của mình tới năm 2030.

Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, rồi ủng hộ cuộc nổi dậy ở Đông Ukraine, ông Obama phản ứng bằng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các lệnh này chẳng mấy tác động tới tư duy chiến lược của Moscow và Nga đã không lui bước. 

Chưa hết, không có nơi nào mà chính sách ngoại giao của ông Obama lại kém hiệu quả, và sự phản đối can thiệp quân sự của ông lại gây mâu thuẫn như ở cuộc nội chiến Syria. Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria khiến nỗ lực cô lập Moscow của ông Obama sớm kết thúc. Ông nhanh chóng quay sang hợp tác với Moscow để chấm dứt cuộc chiến Syria bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, điều đó không đem lại kết quả khi một loạt lệnh ngừng bắn bị thất bại. Và có lẽ ông Obama sẽ vẫn còn phải tiếp tục phiền muộn về cuộc nội chiến ở Syria mà ông đã không thể chấm dứt được. 

Có thể nói, dù cách thức hành động của ông Obama mở ra những con đường ngoại giao mới song đôi khi nó cũng dẫn tới những ngõ cụt. 

(theo AP)