Các cách hiểu khác nhau tạo ra một vùng chồng lấn đòi hỏi Việt Nam và Indonesia tiếp tục đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các nguyên tắc của UNCLOS 1982. (Nguồn: TTXVN) |
Quan điểm đường trung tuyến
Năm 1972, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành đàm phán với Indonesia về phân định thềm lục địa. Indonesia đưa ra yêu sách là đường trung tuyến giữa đảo Natuna Bắc (Indonesia) và Côn Đảo (Việt Nam), được gọi là trung tuyến đảo-đảo.
Chính quyền Sài Gòn đưa ra đường trung tuyến giữa đường bờ biển của đất liền Việt Nam và bờ biển của đảo lớn Borneo (Indonesia) với lập luận Natuna Bắc quá bé và cách Borneo một khoảng cách gấp ba lần Côn Đảo, được gọi là trung tuyến bờ-bờ.
Hai đường yêu sách này đã tạo thành vùng chồng lấn khoảng 40.000 km2. Trong đàm phán, chính quyền Sài Gòn thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn khoảng 37.600 km2 và chủ động đề nghị chia đôi vùng chồng lấn này. Phía Indonesia chưa chấp nhận đề nghị này và đàm phán chấm dứt khi miền Nam Việt Nam được giải phóng.
Năm 1978, Việt Nam và Indonesia tiếp tục nối lại đàm phán phân định thềm lục địa. Lập trường pháp lý của Việt Nam là theo nguyên tắc thoả thuận, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với xu thế phát triển của luật biển quốc tế.
Giải pháp Việt Nam đưa ra lấy căn cứ thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển, nên ranh giới là rãnh ngầm phân chia thềm lục địa của hai nước nằm rất gần nhóm đảo Natuna Bắc của Indonesia.
Đây là một trong những giải pháp mà Toà án quốc tế đã đưa ra trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc và đã được một số quốc gia áp dụng. Đường đề nghị này tạo với đường yêu sách của Indonesia thành vùng chồng lấn khoảng 98.000 km2.
Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) công nhận quy chế quốc gia quần đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho Indonesia và bất lợi cho Việt Nam.
Tận dụng quy chế quốc gia quần đảo, Indonesia đã sử dụng đường cơ sở quần đảo để mở rộng tối đa các vùng biển và thềm lục địa của mình. Indonesia cũng chính thức ban bố luật quốc gia, khẳng định nguyên tắc quốc gia quần đảo và nguyên tắc sử dụng đường trung tuyến để phân định thềm lục địa với các nước khác có liên quan.
Thế nhưng, phương pháp đường trung tuyến thuần tuý này không phải là nguyên tắc bắt buộc đối với Việt Nam. Phương pháp trung tuyến có thể được sử dụng như nhiều phương pháp khác, nhưng điều quan trọng là việc chọn điểm cơ sở hai bên như thế nào để đường trung tuyến khi được vạch ra đem lại một kết quả tương đối khách quan, dễ sử dụng để điều chỉnh đi tới một giải pháp phân định công bằng.
Việc Indonesia sử dụng đường cơ sở quần đảo vạch cả tới những đảo rất nhỏ (Natuna Bắc) nằm cách xa đảo lớn Kalimantan tới 178 hải lý để vạch đường trung tuyến với các đảo của Việt Nam chỉ nằm cách bờ chưa tới 48 hải lý đã tạo ra hoàn cảnh đặc biệt dẫn tới một kết quả không công bằng.
Nguyên tắc thỏa thuận
Các vòng đàm phán tiếp theo đã được tiến hành theo nguyên tắc thoả thuận, thu hẹp dần diện tích vùng còn lại để đi đến một giải pháp công bằng mà hai bên chấp nhận.
Tháng 10/1991, nhân chuyến đi thăm Indonesia của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai bên đã thoả thuận chia đôi vùng còn lại. Song do tình hình Indonesia không ổn định nên thoả thuận này đã không được thực hiện.
Trong quá trình đàm phán Việt Nam và Indonesia thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc thoả thuận và công bằng được nêu trong Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển trong khi UNCLOS 1982 chưa có hiệu lực.
Nguyên tắc này cũng là nguyên tắc chủ đạo của UNCLOS 1982. Ngoài ra, cơ sở pháp lý của đàm phán còn được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.
Trong các vòng đàm phán cuối cùng, Việt Nam cũng chủ động đề xuất sử dụng chung một đường phân định cho cả thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Tuy nhiên phía Indonesia chỉ muốn giải quyết vấn đề thềm lục địa do theo truyền thống Indonesia chỉ mới đàm phán phân định thềm lục địa với các nước láng giềng mà chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế, khái niệm mới xuất hiện trong khuôn khổ Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba.
Ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia được ký kết và có hiệu lực từ tháng 6/2007 sau khi hai nước trao đổi thư phê chuẩn.
Đây là hiệp định đầu tiên giữa Việt Nam với các nước láng giềng chỉ giải quyết vấn đề thềm lục địa. Hiệp định Phân định biển Việt Nam và Indonesia cũng là trường hợp duy nhất mà phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh không được áp dụng trực tiếp.
Tuy nhiên, kết quả phân định hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc thoả thuận và công bằng của UNCLOS 1982.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, nổi lên vấn đề về cách hiểu khác nhau vùng đặc quyền kinh tế của mỗi bên. Ngư dân Việt Nam cho rằng ranh giới thềm lục địa cũng là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được phép đánh bắt.
Lực lượng chấp pháp biển của Indonesia lại cho rằng ranh giới đặc quyền kinh tế của nước mình là đường trung tuyến giữa đảo Natuna và Côn Đảo, phù hợp với UNCLOS 1982. Các cách hiểu khác nhau tạo ra một vùng chồng lấn và các xung đột nghề cá đòi hỏi hai nước tiếp tục đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các nguyên tắc của UNCLOS 1982.