📞

Nhìn lại thế giới năm 2022: Xung đột, điểm nóng chiếm sóng (Kỳ I)

Minh Vương 06:00 | 17/12/2022
Năm 2022 đang dần khép lại. Đây là thời điểm để nhìn lại và hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh của thế giới trong năm vừa qua.
Các cuộc xung đột, điểm nóng là chủ đề xuyên suốt của thế giới trong năm 2022. Trong ảnh, một tòa nhà đổ nát tại thành phố Melitopol sau các đợt giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga hồi tháng 10. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Không sai nếu nói rằng “xung đột” là từ khóa “nóng” nhất trên các công cụ tìm kiếm, truyền thông chính thống, mạng xã hội, từ những cuộc thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao, quan chức ngoại giao, giới nghiên cứu tới câu chuyện bên ly cà phê của người dân trên toàn thế giới.

Bởi lẽ, những xung đột, điểm nóng ấy tác động tới lợi ích của họ, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Chúng không chỉ là chủ đề xuyên suốt trong thời sự quốc tế, mà còn tác động sâu sắc tới mối quan hệ giữa các nước lớn, góp phần củng cố hoặc giảm nhẹ các xu thế đã có cũng như thử thách vị thế, vai trò của các tổ chức đa phương khu vực và toàn cầu.

Bởi vậy, trước hết, cần nhìn lại những xung đột, điểm nóng đã “chiếm sóng” thời sự quốc tế thời gian qua.

Khi xung đột nổi trội

Xung đột Nga-Ukraine chắc chắc là sự kiện được nhiều người quan tâm hơn cả. Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với lý do chính quyền Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đe dọa an ninh nghiêm trọng Moscow.

Kể từ đó đến nay, xung đột này trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên (ngày 24/2/2022-tháng 4/2022), Moscow đã triển khai lực lượng nhanh chóng, sử dụng các đợt pháo kích và tên lửa tầm xa để sớm nắm quyền kiểm soát thủ đô Kiev. Tại giai đoạn thứ hai (tháng 4/2022 - 28/8/2022), Nga tập trung lực lượng ở miền Đông Ukraine và giành được quyền kiểm soát một số thành phố, trong đó có Severodonetsk hồi tháng Sáu.

Mặc dù vậy, sau khi Kiev điều động lực lượng, mở chiến dịch phản công lớn tại miền Nam và miền Đông, xung đột đã bước sang giai đoạn thứ ba (ngày 28/8/2022-nay).

Theo đó, Nga tích cực huy động lực lượng để củng cố quyền kiểm soát tại Donetsk và Lugansk, song song với các đợt không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong bối cảnh mùa Đông tới gần, qua đó tạo ưu thế trên thực địa một khi các bên nhất trí triển khai đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, tính đến nay, lập trường của Nga và Ukraine trong vấn đề đàm phán hòa bình vẫn còn khá xa nhau. Phát biểu ngày 5/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu ba điều kiện để đàm phán gồm trao lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine, đền bù thiệt hại do xung đột và xét xử các “tội ác chiến tranh”. Tuy nhiên, ngày 13/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ đề xuất này, đồng thời khẳng định Kiev cần “tính đến thực tế”.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định: “Xác suất chiến thắng của quân đội Ukraine, được định nghĩa là đẩy lùi quân Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ, là không cao”. Hiện mùa Đông đang đến, viện trợ của Mỹ, châu Âu và một số nước khác dành cho Ukraine đã chậm lại, còn Nga cũng phải hứng chịu tổn thất về người và kinh tế. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, đụng độ trên thực địa có thể diễn ra ít hơn, song vẫn sẽ tiếp diễn. Các bên cần sớm tìm được tiếng nói chung, ngồi vào bàn đàm phán, xây dựng giải pháp chính trị bền vững, bao trùm, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột.

Sau gần 10 tháng, xung đột Nga-Ukraine đã khiến hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người mất nhà cửa, đồng thời dẫn đến làn sóng di cư mới trên toàn châu Âu. Đồng thời, nó cũng mang đến chuyển biến đáng kể trong quan hệ nước lớn, đặt Nga ở thế đối đầu với Ukraine, Mỹ cùng châu Âu, tạo nên bầu không khí căng thẳng trong nhiều mối quan hệ song phương, diễn đàn khu vực và đa phương. Nghiêm trọng hơn, xung đột cùng các lệnh trừng phạt từ cả hai phía đã đẩy giá năng lượng lên cao tại nhiều nước, gây mất an ninh lương thực tại một số nước đang phát triển, làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và cản trở nỗ lực hồi phục của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

Đụng độ vũ trang tại biên giới Armenia-Azerbaijan tháng 9/2022 hay dọc biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan thời gian qua cũng để lại hệ quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới tình hình an ninh Trung Á nói riêng và thế giới nói chung. Quan trọng hơn, nó cho thấy tình trạng bất ổn giữa các nước láng giềng, đặc biệt là tại khu vực biên giới, sẽ dễ dàng bùng phát thành đối đầu, thậm chí xung đột vũ trang. Điều này không chỉ cần thiện chí của các bên trong kiểm soát sự cố trên thực địa, duy trì đường dây nóng, mà còn đòi hỏi đối thoại thẳng thắn, nhằm tìm kiếm giải pháp cho nguyên nhân sâu xa, bản chất vấn đề, vì hòa bình bền vững.

Điểm nóng chiếm sóng

Năm 2022 cũng chứng kiến sự nổi lên của nhiều điểm nóng cũ.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và phản ứng gay gắt từ Trung Quốc đã khiến eo biển Đài Loan căng thẳng hơn bao giờ hết. Bắc Kinh đã tăng tần suất hoạt động tuần tra và xâm nhập của các máy bay chiến đấu, ném bom cũng như tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đáng chú ý, hành động của chính trị gia quyền lực thứ ba của nước Mỹ đã kéo theo nhiều chuyến thăm của quan chức hành pháp, lập pháp của một số nước.

Dù Mỹ cam kết tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, song việc Dự luật ngân sách quốc phòng hàng năm 2023 (NDAA) dành 10 tỷ USD hỗ trợ đảo Đài Loan cùng hoạt động của Hạm đội Bảy tại eo biển này đồng nghĩa rằng luôn tồn tại sự đối đầu chính trị và nguy cơ đụng độ trên thực địa giữa Washington và Bắc Kinh.

Bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên, Bình Nhưỡng liên tục bắn đạn pháo, thử tên lửa đạn đạo với tần suất cao chưa thấy trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, trong vụ phóng đầu tháng 11, tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 đã bay ngang qua không phận Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Ở phía bên kia, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đáp lại bằng thúc đẩy năng lực quốc phòng, tăng cường hợp tác ba bên và triển khai một số cuộc tập trận chung trên không và trên biển.

Trong khi đó, một số điểm nóng khác vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vấn đề Myanmar, tình hình Biển Đông, khu vực các quốc gia Đông Nam Á vẫn thu hút sự quan tâm. Ngày 18/10, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết ASEAN-Trung Quốc đã hoàn thiện bản dự thảo đầu tiên và đang hướng tới hoàn tất vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (DOC). Trong khi đó, sau phiên họp đặc biệt của Ngoại trưởng ASEAN ngày 27/10, đại diện các nước đã đánh giá tình hình đang rất phức tạp và kêu gọi các bên tại Myanmar nghiêm túc thực hiện Đồng thuận năm điểm. Trong tuyên bố sau Hội nghị cấp cao ASEAN và hội nghị liên quan ngày 11/11, lãnh đạo các nước ASEAN cũng kêu gọi thiết lập mốc thời gian cụ thể để triển khai Đồng thuận này.

Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, bất chấp hàng loạt vòng đàm phán giữa quân đội hai nước, vẫn tiềm ẩn bất ổn, thể hiện rõ nét qua cuộc đụng độ giữa binh sỹ hai nước gần khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya ngày 9/12 vừa qua.

Đụng độ giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Palestine tiếp tục nổ ra, gây nhiều thương vong.

Tình hình an ninh tại Afghanistan dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban vẫn là một dấu hỏi, nhất là sau vụ tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 12/12, vào khách sạn ở trung tâm thủ đô Kabul, nơi có sự hiện diện của nhiều công dân Trung Quốc.

Chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Syria cũng khiến Mỹ và phương Tây quan ngại. Bất chấp tiến triển mới giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi, thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen vẫn đứng trước nguy cơ đổ vỡ do nỗ lực phá hoại của một số tổ chức khủng bố.

Có thể thấy, xung đột bùng phát cùng sự căng thẳng trở lại của nhiều điểm nóng cũ là chủ đề xuyên suốt và nổi bật, song không phải là duy nhất của tình hình thế giới trong năm 2022.

[Còn tiếp]