📞

Nhìn về Thủ đô văn hóa của châu Âu

10:12 | 24/08/2014
Được chọn là Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2014, nhưng cái tên Umea và Riga dường như còn xa lạ với nhiều người.
Dù thời tiết lạnh nhưng nhịp sống ở Umea luôn sôi động và trẻ trung.

"Thủ đô văn hóa châu Âu" là biệt danh hàng năm được Liên minh châu Âu (EU) dành cho hai thành phố thông qua một quy trình đăng ký và lựa chọn chặt chẽ nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của các thành phố ấy và thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước thành viên EU. Không phải vô cớ mà thành phố Umea (Thụy Điển) và Thủ đô Riga (Latvia) lại được lựa chọn…

Nhịp sống luôn tươi trẻ

Nếu không được trao tặng danh hiệu này thì không ít người trên thế giới vẫn chưa biết đến Umea, thành phố nằm ở gần như cực Bắc của Thụy Điển. Thậm chí, ngay cả trên các trang truyền thông và giới thiệu du lịch, thông tin về Umea cũng rất hạn chế. Điều thú vị là Umea được thành lập từ năm 1622, nhưng lại được mọi người cảm nhận là một thành phố rất trẻ.

Lý do đầu tiên là gần 1/3 số dân hiện tại (khoảng 120.000 người) của Umea là sinh viên. Được thành lập vào năm 1965, Đại học Umea đứng thứ năm trong số các trường đại học được thành lập sớm nhất tại Thụy Điển. Với 36.700 sinh viên và hơn 4.000 nhân viên, ngôi trường này cung cấp một môi trường quốc tế và đa văn hóa trong cộng đồng sinh viên tại đây với nhiều khóa học về kinh doanh, khoa học đời sống cho các bậc học khác nhau.

Lý do thứ hai là nhịp sống luôn tươi trẻ mà thành phố này mang lại cho bất kỳ ai đặt chân đến. Có lẽ, Umea là một trong những thành phố có nhiều lễ hội văn hóa đa dạng nhất châu Âu hiện nay. Bên cạnh những liên hoan âm nhạc phong phú thể loại, thành phố này còn có cả những rạp chiếu bóng hiện đại cùng rất nhiều thư viện và viện bảo tàng…

Đặc biệt, phong cách sống của người dân ở đây cũng luôn sôi động. Dù thời tiết nơi đây thường rất lạnh, nhiều tuyết và kéo dài khoảng sáu tháng, nhưng các hoạt động công cộng ngoài trời vẫn diễn ra sôi động. Umea còn là thành phố xanh sạch, xe đạp được sử dụng nhiều hơn ô tô. Chính vì vậy, thành phố này đã được đề cử vào danh sách 12 thành phố sẽ tranh giải Thành phố Xanh châu Âu năm 2016.

Đậm nét văn hóa Tây Âu

Riga là Thủ đô của Latvia và là thành phố lớn nhất trong số tất cả các nước vùng Baltic với dân số hơn 699.000 người (theo thống kê năm 2012) chiếm hơn 1/3 dân số Latvia. Tọa lạc bên cạnh bờ sông Daugava thơ mộng, Riga nằm trên một đồng bằng cát với độ cao 10m so với mực nước biển.

Thành lập từ năm 1201, Thủ đô Riga chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Tây Âu với những dấu ấn in đậm trên các công trình kiến trúc và các kiến trúc nghệ thuật. Khu trung tâm phố cổ của Riga cũng đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vì sở hữu nhiều tòa nhà mang phong cách Art Nouveau (phong cách nghệ thuật, kiến trúc phổ biến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) nhất châu Âu.

Kiến trúc Art Nouveau ở Riga đặc biệt bởi các họa tiết cách điệu hóa và các đường cong uyển chuyển, tinh tế. Tiêu biểu nhất trong các công trình ấy là nhà thờ St. Peter, nơi thể hiện rõ nhất những tinh hoa của lối kiến trúc Art Nouveau. Sử dụng những đường cong uốn lượn với những ô cửa mái vòm cao cùng lối bài trí cầu kỳ, nhà thờ St. Peter ở Riga đã trở thành nhà thờ đẹp nhất, ấn tượng nhất ở vùng Baltic. Nếu muốn ngắm nhìn thủ đô cổ kính này, khách du lịch chỉ cần lên tháp chuông nhà thờ để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của những công trình kiến trúc xinh đẹp chạy dài bên dòng sông Daugava.

Thời gian hoàng kim nhất của Riga có lẽ là khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15. Những thế kỷ sau đó, dù Riga liên tục phải hứng chịu chiến tranh, nhưng nhiều kiến trúc cổ vẫn được gìn giữ. Từ thế kỷ thứ 19, Riga lại trở nên thịnh vượng và trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Một số công trình kiến trúc đẹp cũng được xây thêm vào thời gian này như: Bảo tàng quốc gia, Nhà hát nghệ thuật quốc gia Latvia… Tính đến nay, Riga là thành phố có bộ sưu tập các công trình nghệ thuật theo phong cách kiến trúc Art Nouveau lớn nhất ở châu Âu.

HÀ ANH (tổng hợp)