Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. |
Nhìn lại 30 năm trước, tôi muốn kể lại đôi nét về tình hình khi đó để thấy được tờ báo ra đời vào một giai đoạn chuyển đổi rất quan trọng của đất nước. Sau khi bước vào giai đoạn Đổi mới toàn diện từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị do Bộ Ngoại giao kiến nghị và khởi thảo chính thức ra đời năm 1988, đã đặt ra yêu cầu cấp bách là xây dựng Giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với các nước và đối tác quan trọng, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận để tập trung cho sự nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, tư tưởng Đổi mới và chính sách mở cửa của Đảng vẫn còn quá mới mẻ, chưa thực sự thấm vào tiềm thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, sự phối hợp giữa các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức... còn nhiều trục trặc, ảnh hưởng đến việc triển khai các đường lối Đổi mới, cả về đối nội và đối ngoại.
Tôi còn nhớ, thời điểm đó, việc giao lưu với nước ngoài còn khá hạn chế, các đoàn ra nước ngoài phải qua đường hàng không Hà Nội - Moscow nếu đi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, còn đi các nước khác phải xin visa quá cảnh Bangkok. Nhưng một sự cố đã xảy ra sau khi một quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Thái Lan khi hết hạn về nước đã bị giữ hành lý tại cửa khẩu vì bị nghi mang đồ cổ Việt Nam bất hợp pháp về nước. Hậu quả là các đoàn của ta quá cảnh Bangkok đều không được cấp visa, trừ một số ít trường hợp có công hàm chính thức của Bộ ngoại giao ta. Việc này cũng phải mất vài tháng mới giải quyết được.
Hay như một trường hợp khác. Khi đó mỗi năm chỉ có vài nghìn kiều bào ta ở nước ngoài về thăm đất nước, nhưng thỉnh thoảng có trường hợp, công dân Mỹ gốc Việt bị giữ hộ chiếu do một lý do nào đó, không thể xuất cảnh. Lập tức, phía Mỹ phản ứng rất gay gắt thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao ta tại Liên hợp quốc và một số địa bàn khác, rằng giữ hộ chiếu của công dân họ là xâm phạm tài sản quốc gia của họ, ảnh hưởng đến những cố gắng bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Những ví dụ như vậy nhiều lắm. Tôi chỉ nêu một vài trường hợp để thấy tình trạng phổ biến đó là thiếu nhận thức chung và sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành khi xử lý các vấn đề liên quan đến đối ngoại. Để xử lý ổn thoả các vấn đề nảy sinh, chúng ta đã phải tốn nhiều thời gian và công sức làm việc với các cơ quan bạn.
Tình hình quốc tế khi đó khá phức tạp, nhất là khi chính sách cải tổ của Liên Xô (Prestroika) xuất hiện nhiều mặt trái và rơi vào bế tắc, tác động nhiều đến tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dư luận lo ngại nguy cơ “Đổi mới” dễ thành “Đổi màu”, “hoà nhập” dễ thành “hoà tan” (sau này, chúng ta đã đổi thuật ngữ “hội nhập” thay cho “hoà nhập”).
Trong bối cảnh tình hình đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ thị Bộ Ngoại giao phải tăng cường công tác thông tin và truyền thông về đối ngoại để tạo nên sự thống nhất về nhận thức chung đối với đường lối đối ngoại của Đảng trong các Bộ, ngành, địa phương, cũng như trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Từ chủ trương đó, Lãnh đạo Bộ đã chủ động tăng cường trao đổi với các Bộ, ngành, trước hết là các cơ quan trực tiếp liên quan đến đối ngoại về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại của ta. Thấy được lợi ích của hoạt động này, nhiều cơ quan, bộ ngành đã thường xuyên liên hệ với Bộ ta, yêu cầu cử báo cáo viên của Bộ đến thuyết trình tại các hội nghị, diễn đàn, sự kiện.
Với cương vị Lãnh đạo Văn phòng Bộ, tôi đóng vai trò tiếp nhận và đáp ứng các yêu cầu đó: mời các đồng chí Thứ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng đến nói chuyện tại các diễn đàn quan trọng của các cơ quan đó, thu xếp cán bộ cấp Vụ đến trình bày tại các diễn đàn “đại trà” hơn, cá nhân tôi cũng rất hào hứng mỗi khi được trực tiếp làm công việc này. Từ đó, mối quan hệ giữa Bộ ta với các Bộ ngành ngày càng mật thiết, sự phối hợp trong các chủ trương và hoạt động đối ngoại ngày càng thuận lợi, ít xảy ra sự cố hơn.
Mặc dù vậy, những câu chuyện thực chất về tình hình thế giới và hoạt động ngoại giao vẫn chỉ giới hạn ở một số Bộ, ngành ở trung ương và một số tỉnh lân cận. Vì vậy, anh Bùi Hồng Phúc, khi ấy là Chánh Văn phòng, Thủ trưởng trực tiếp của tôi, đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: “Cần sớm có một tờ báo của Bộ Ngoại giao để đưa thông tin và quan điểm chính thống về đối ngoại đến với đông đảo độc giả trong nước”.
Ngay sau đó, anh Bùi Hồng Phúc cùng tôi nhận trách nhiệm gặp gỡ, trao đổi, thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chấp nhận kiến nghị của Bộ ta. Sau này, khi anh Phúc được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng, tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ này và tham gia một phần vào công tác chuẩn bị cho đến khi Tạp chí Quan hệ Quốc tế - tiền thân của báo Thế giới & Việt Nam chính thức ra đời vào cuối năm 1989.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, báo Thế giới & Việt Nam đã thực sự trưởng thành và phát triển, trở thành một phần không thể thiếu của Bộ Ngoại giao, đóng vai trò nòng cốt trong công tác thông tin - truyền thông của đất nước. Tuy không trực tiếp và thường xuyên tham gia hoạt động của Báo, tôi vẫn luôn dành tình cảm thân thiết và tự hào khi được đóng góp một phần bé nhỏ của mình vào sự ra đời và phát triển của tờ báo.