Đó là thắng lợi ngoại giao to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Năm năm chiến đấu trong vòng vây
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thế nhưng, các thế lực thực dân, đế quốc quyết không từ bỏ ý đồ xâm lược, thống trị nước ta. Thực dân Pháp ngay lập tức đã núp bóng quân Anh quay trở lại miền Nam, rồi sau đó thoả thuận với quân Tưởng để tiến ra Bắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù vậy, trong suốt năm năm, nước Việt Nam DCCH phải chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, tình thế vô cùng khó khăn. Chiến tranh mở rộng khắp nước, ta ở trong thế phòng ngự và cầm cự là chính, chiến trường bị chia cắt, căn cứ địa Việt Bắc cũng nằm trong vòng vây của quân Pháp. Các nhu cầu thiết yếu cho chiến tranh như vũ khí, lương thực, thuốc men… đều thiếu thốn.
Về đối ngoại, ta đã cố gắng thiết lập được một số cơ sở ở bên ngoài như văn phòng thông tin ở Bangkok nhưng hiệu quả rất thấp. Trong khi đó, các thư gửi Liên hợp quốc, gửi chính phủ Mỹ, gửi Liên Xô… của Bác Hồ đều không nhận được lời phúc đáp. Liên Xô chưa hiểu cuộc kháng chiến của ta. Có thể nói, đó là giai đoạn ta kháng chiến trong tình thế vô cùng khó khăn, không có đồng minh, không có viện trợ nước ngoài.
Bước chuẩn bị và nắm thời cơ
Năm năm chiến đấu trong vòng vây, cũng là năm năm Trung ương Đảng và Bác Hồ suy tính ngày đêm, có những bước chuẩn bị cần thiết để nắm thời cơ, xoay chuyển tình thế của cuộc kháng chiến.
Tuy nhiên, từ trước đó, ngay từ những hoạt động cách mạng quốc tế trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được những nền tảng hết sức vững chắc cho cách mạng Việt Nam cũng như cho quan hệ ngoại giao của nước ta sau này. Đó là các mối quan hệ của Người với các đồng chí cùng hoạt động trong phong trào cách mạng quốc tế, hay như quá trình Người tham gia Bát lộ quân, trực tiếp giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Trong suốt thời gian đầu kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã luôn theo dõi sát sao sự phát triển của cách mạng Trung Quốc.
Từ những ngày đầu kháng chiến, ta đã có liên hệ với Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc ở Hoa Nam và Bộ Tư lệnh biên khu Điền Quế gần biên giới Việt - Trung. Đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ trung ương đã tiếp các phái viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Bắc nhằm trao đổi tình hình và bàn bạc phối hợp chiến đấu ở vùng biên giới. Từ tháng 6 đến tháng 10/1949, theo đề nghị của Trung Quốc, ta đã cử một số đơn vị quân đội phối hợp với bạn tiến công quân Tưởng, mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Ung Châu và Thập Vạn Đại Sơn.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa ra đời ngày 1/10/1949 đã tạo ra một bước ngoặt trong tình hình châu Á và thế giới, làm thay đổi cán cân lực lượng giữa hai phe Tư bản Chủ nghĩa và Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), tác động tích cực đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Ngày 15/1/1950, Việt Nam DCCH ra tuyên bố công nhận CHND Trung Hoa. Ngày 18/1/1950, CHND Trung Hoa ra tuyên bố công nhận Việt Nam DCCH. Ngày 30/1/1950, Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam DCCH. Tiếp đó, một loạt nước XHCN khác ra tuyên bố công nhận nước ta: Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên ngày 31/1/1950, Tiệp Khắc ngày 2/2, Cộng hoà Dân chủ Đức ngày 2/2, Romania ngày 3/2, Ba Lan ngày 4/2, Hungary ngày 4/2, Bulgaria ngày 8/2, Albania ngày 13/3.
Ngày 19/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt biên giới Cao Bằng sang Trung Quốc, bắt đầu chuyến hành trình thăm không chính thức Trung Quốc và Liên Xô cho tới ngày 11/3/1950. Qua chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đã hiểu hơn về tình hình cách mạng Việt Nam, khẳng định sẽ giúp đỡ cách mạng Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam vũ khí, trang bị quân sự, lương thực và thuốc men… phục vụ kháng chiến.
Như vậy, bằng sự chuẩn bị tích cực và tận dụng thời cơ thành công của cách mạng Trung Quốc và khối XHCN, ngoại giao nước ta đã mở ra bước đột phá to lớn: đạt được sự công nhận về ngoại giao của các nước XHCN, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc, đồng thời nhận được sự giúp đỡ trên thực tế các điều kiện về vật chất để phục vụ cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Trong lời kêu gọi ngày 19/8/1950 nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã nêu rõ: "Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam DCCH là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới".
Những bài học để lại
Thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950 có ý nghĩa hết sức quan trọng, chấm dứt giai đoạn chiến đấu trong vòng vây, mở ra các mối quan hệ quốc tế rộng mở cho đất nước ta, góp phần đưa đến những thắng lợi của cách mạng sau này. Thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950 cũng để lại những bài học hết sức quý báu đối với ngoại giao nói riêng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung.
Trước hết, đó là bài học chủ động, tích cực chuẩn bị, nắm bắt thời cơ. Ta sẽ không thể đạt được sự công nhận của các nước Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác nếu như không có quá trình tích cực chuẩn bị, chủ động phối hợp với cách mạng Trung Quốc và phong trào cách mạng quốc tế trong các giai đoạn trước, trong đó phải nói đến hoạt động quốc tế hết sức tích cực và quan trọng của Bác Hồ. Để khi thời cơ cách mạng Trung Quốc thành công đến, ta đã nắm bắt cơ hội, chủ động ra tuyên bố, công nhận nước CHND Trung Hoa, từ đó các nước bạn đã ra tuyên bố công nhận nước ta.
Thứ hai, đó là bài học về ngoại giao và tuyên truyền đối ngoại, làm cho các nước hiểu rõ, hiểu đúng hơn về chính sách của ta. Sở dĩ Liên Xô, "anh cả" trong khối XHCN đến năm 1950 mới công nhận nước ta là do ban lãnh đạo Liên Xô trước đó chưa hiểu đúng về cách mạng nước ta. Cuộc gặp của Bác Hồ với Stalin trong chuyến thăm của Người đã giúp Stalin thay đổi nhận thức về cách mạng Việt Nam. Sau khi nghe Bác Hồ giải thích về chính sách của cách mạng Việt Nam, Stalin đã đồng tình với đường lối của Đảng ta, khẳng định sẽ cùng các nước XHCN công nhận Việt Nam DCCH và tích cực viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến và đào tạo cán bộ cho xây dựng hoà bình… Điều đó cho thấy, vai trò của ngoại giao, của thông tin đối ngoại hết sức quan trọng.
Thứ ba, đó là bài học về độc lập tự chủ. Thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950 đã giúp tạo nên bầu không khí mới trong quân và dân toàn quốc. Tuy nhiên, ngay lúc đó, Trung ương Đảng ta và Bác Hồ đã kịp thời uốn nắn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào bên ngoài của cán bộ, chiến sỹ. Trong Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại, sau chuyến công tác nước ngoài trở về, Bác đã nhắc nhở: "Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định". Đến Lời kêu gọi nhân ngày Độc lập năm 1952, Bác tiếp tục nhấn mạnh: "Nhân dân, bộ đội và cán bộ thấm nhuần tư tưởng: kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ và phải tự lực cánh sinh". Thực tế cách mạng Việt Nam sau này đã chứng tỏ tầm nhìn của Người: Ta vận dụng sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè nhưng phải giữ được độc lập, tự chủ thì sẽ giành được thắng lợi lớn nhất; ngược lại nếu ta phụ thuộc vào bạn thì sẽ hạn chế thắng lợi đáng có của ta.
Hơn 60 năm đã trôi qua, thắng lợi của ngoại giao phá vây mùa Xuân năm 1950 cũng như những bài học để lại vẫn còn nguyên giá trị.