TIN LIÊN QUAN | |
Tổng Bí thư thăm Đại sứ quán và đại diện kiều bào, lưu học sinh | |
Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh hướng về biển đảo |
Ngày 30/7, trước khi lên đường, chúng tôi được phát hành trang là chiếc vali, bên trong có một bộ comple, hai áo sơ-mi trắng, một áo len, một đôi giầy, một đôi tất và một chiếc khăn len Trung Quốc. Chúng tôi gọi đùa đó là “vali bác Bửu” (khi đó, ông Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học). Hãy hình dung xem! Đó là thời điểm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh. Hành trang ấy đối với chúng tôi thực sự là một gia tài.
Chia tay Hà Nội
Ngày 2/8, chúng tôi tập trung ở trường Đại học Ngoại ngữ (quận Thanh Xuân) từ chiều. Tại đây, không khí vô cùng náo nhiệt vì nhiều bạn ở quê xa có cả người nhà lên tiễn. Lần này, 500 sinh viên Việt Nam lên cùng một chuyến tàu đi cả Liên Xô, Đông Âu và Mông Cổ. Trong số đó, chỉ có 50 người đi Đức.
Tối muộn, những chiếc xe ca hiệu “Hải Âu” của Liên Xô đón chúng tôi ra ga Hàng Cỏ. Khi xe lăn bánh, tôi ngoái lại nhìn con đường đất đi vào cổng trường với hai bên bờ ruộng lúa xanh tươi và khu trường học, khu ký túc xá ẩn sau những cây xà cừ to lớn... để ghi lại ký ức về ngôi trường mình đã theo học suốt một năm ròng.
Các sinh viên Việt Nam chụp ảnh lưu niệm trước chuyến đi. |
Quá nửa đêm, đoàn tàu với toàn bộ hành khách là các lưu học sinh chúng tôi mới gióng lên hồi còi ủ dài rồi chậm chạp rời ga, nhằm hướng Bắc lao vào trong đêm. Tôi còn nhớ khi đó, bọn con gái đồng loạt khóc òa lên, trong khi bọn con trai lặng im ngẫm nghĩ về hành trình dài, mới mẻ phía trước. Cả tiếng đồng hồ kể từ lúc tàu rời ga, chẳng thấy ai nói chuyện hay cười đùa gì. Mọi người chìm đắm trong kỷ niệm mới nguyên của cuộc chia tay trên sân ga hoặc gặm nhấm nỗi nhớ gia đình, bố mẹ, bạn bè và những người thân... Còn con tàu cứ lầm lũi lao đi trong đêm.
Chúng tôi thiếp đi và khi tỉnh dậy là lúc trời đã bắt đầu sáng rõ mặt người. Tàu đã đến ga Lạng Sơn và nhà tàu chuẩn bị cho chuyến qua biên giới Việt - Trung. Chúng tôi ào xuống sân ga, mặt đứa nào cũng đen thui vì khói bụi than của tàu phả vào. Hồi đó, tàu Việt Nam chạy bằng động cơ hơi nước đốt than. Khói từ đầu tàu phả theo đoàn tàu xình xịch đen như đám cháy và những ai ngồi gần cửa sổ đều thành da nâu hết.
Chuyến tàu liên vận cuối cùng
Tôi không có cảm nhận nào rõ rệt ở Lạng Sơn trong chuyến đi ấy, chỉ nhớ đó là một cái sân ga be bé và cảm giác yên bình với vài con đường nhỏ, có những ngôi nhà quét ve vàng. Chính vì thế mà đến khu vực biên giới Việt – Trung, địa hình hai bên tương đối giống nhau nên chỉ đến khi nhìn thấy những dòng chữ tiếng Trung hay những ngôi nhà mái cong truyền thống hiện ra qua ô cửa tàu, chúng tôi mới biết mình đã ra nước ngoài.
Đoàn tàu dừng ở ga Bằng Tường (Trung Quốc) và chúng tôi phải chuyển tàu ở đây. Đây là ga liên vận quốc tế nên người Trung Quốc không được vào, chỉ toàn khách nước ngoài trên sân ga. 500 sinh viên Việt Nam tràn ra nhà ga với đủ thứ đồ lỉnh kỉnh. Chúng tôi mua vài thứ đồ lưu niệm, đổi tiền trong suốt mấy tiếng chờ đợi tại đây.
Tôi còn nhớ rõ cảm giác khi lên tàu liên vận quốc tế tại Bằng Tường năm ấy. Thật sung sướng vì nó quá sạch sẽ, tiện nghi trong mắt lũ học sinh chúng tôi. Một đoàn tàu hiện đại với cabin bốn giường, đệm trắng muốt. Tôi giữ mãi ấn tượng ấy, dù sau này đã có lần đi tàu nội địa ở Côn Minh và thấy không được như tàu liên vận quốc tế khi xưa.
Trong suốt mấy ngày liền trên tàu liên vận, chúng tôi thay nhau “tắm khan” trong khoang vệ sinh và cứ đến bữa ăn, nhân viên nhà tàu lại đi từ toa dưới đến toa trên gọi “ăn cơm, ăn cơm” bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Buổi tối, thỉnh thoảng có nhân viên y tế đi dọc hành lang hỏi ai có bị làm sao không. Mỗi cabin đều có phích nước nóng và ấm pha trà. Hàng ngày, nhân viên mang phích nước nóng đến, uống hết lại thay phích mới. Cứ thế, chúng tôi ngắm nhìn cuộc sống trôi qua vùn vụt bên ngoài. Chuyến tàu liên vận của chúng tôi là chuyến cuối cùng của Trung Quốc đưa lưu học sinh Việt Nam sang châu Âu và Liên Xô. Sau thời gian đó, các lưu học sinh được đi bằng máy bay qua Liên Xô và CHDC Đức.
Du lịch miễn phí ở Moscow
Đến ga quốc tế Mãn Châu Lý ở biên giới Trung Quốc và Liên Xô, chúng tôi lại chuyển sang tàu Liên Xô. Ngược lại với tàu Trung Quốc, tàu Liên Xô chạy bằng điện, cũng khổ đường sắt rộng, nhưng thiếu hẳn sự sang trọng mà chúng tôi vừa quen được mấy hôm. Vào cabin, chăn ga gối đệm để trên giường, chúng tôi phải tự trải, nước phải tự ra cuối toa để lấy và khổ nhất là việc phải chuyển sang ăn súp với bánh mì đen khô khốc... Nhưng bù lại, phong cảnh nước Nga quá đẹp. Chạy vun vút qua cửa sổ là những ngôi nhà gỗ sơn nhiều màu khác nhau, là những cô gái Nga da trắng, tóc vàng, là hồ Baikal nước xanh thăm thẳm...
Tác giả Nguyễn Hữu Tráng, thời còn là du học sinh. |
Đến Iskutsk thuộc Siberia, một số sinh viên học ở đấy xuống tàu. Từ sân ga nhìn vào thành phố cũng thấy nơi đó khá đẹp và hiền hòa. Chúng tôi đi vào đúng dịp giữa Thu nên thời tiết tương đối đẹp và ấm. Do cứ thay đổi múi giờ và thời tiết liên tục nên nhiều lúc chúng tôi chẳng ngủ được hoặc đêm lại tỉnh giấc. Những lúc tỉnh dậy giữa đêm tôi lại vén rèm nhìn ra bên ngoài. Nhiều khi, dù tàu phải chuyển đầu kéo nhiều lần, chúng tôi vẫn nằm nguyên trên con tàu đó trong suốt mấy ngày băng qua đất nước Liên Xô mênh mông.
Sau một tuần lắc lư qua Trung Quốc và Liên Xô, lúc thì rét run, lúc thì nắng nóng, chúng tôi đã đến Moscow - thủ đô kiêu hãnh của Liên Xô, thành trì của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản thế giới. Khó mà diễn tả tâm trạng của tôi lúc đó.
Tại Moscow, chúng tôi tách đoàn. Những người học ở Liên Xô được đón ngay về các trường, còn những lưu học sinh Đông Âu như tôi được đưa về khách sạn và đi theo lịch tàu của mỗi nước khác nhau. Theo dự kiến, chúng tôi chờ ở đó một ngày rồi lên tàu đi Berlin ngay, nhưng sau đó lại được báo là đợi thêm vài ngày nữa. Thế là tôi có một chuyến du lịch Moscow ngoài dự định.
Những ngày ở thủ đô Xô Viết thật sự là kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được đến nơi mà mình hằng mơ ước và luôn mường tượng về. Đó là hệ thống metro (tàu điện ngầm) hoành tráng nhất mà tôi biết cho đến nay với sự dày đặc của các tuyến đường hay độ sâu hun hút của hệ thống thang cuốn. Đó là mỗi nhà ga tàu điện ngầm giống như một cung điện lộng lẫy, tường ốp đá cẩm thạch, trên trần nhà là những bức tranh rất đẹp và đặc biệt là hệ thống đèn chùm pha lê...
* * *
Ở Moscow gần một tuần, đoàn lưu học sinh đi Đức chúng tôi lên tàu sang Berlin. Chuyến đi chỉ mất gần hai ngày nhưng suốt chặng đường, trong tôi luôn sống lại những kỷ niệm đáng nhớ Moscow.
Ga cuối của chuyến tàu là Ostbahnhof. Khi chúng tôi đến, trời đã sáng rõ mặt người nhưng sân ga vắng lặng, ít người qua lại. Đại sứ quán và nhà trường đưa chúng tôi về Leipzig - nơi tất cả sẽ học tiếng Đức trong năm đầu tiên. Tôi còn nhớ, mỗi đứa được phát một túi giấy ghi dòng chữ Mitropa, bên trong có một cái bánh mỳ con kẹp thịt nguội, một quả chuối và một chai Klub Cola, là loại nước uống có ga...
Hành trình đến chân trời tri thức mới của chúng tôi thực sự bắt đầu!...
Sinh viên Việt Nam tại Lào hướng về biển đảo thân yêu Tối 27/5 tại Vientiane, hơn 200 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Quốc gia Lào đã tham dự buổi ... |
Tuổi trẻ Việt Nam tại Thượng Hải hướng về Tổ quốc Tối 22/03/2014 tại trường Đại học Đông Hoa, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), hàng trăm lưu học sinh (LHS) Việt Nam và cộng đồng ... |
Nền tảng kết nối lưu học sinh Việt ở Tây Australia Ngày 26/3, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth, bang Tây Australia đã phối hợp với đại diện lưu học sinh Việt Nam thành ... |