Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý chủ trì và là diễn giả chính của Hội nghị. |
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý đã chủ trì và là diễn giả chính của Hội nghị. Tới dự Hội nghị có đại diện cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo các đảng viên trong Bộ.
Sau khi giải thích những thuật ngữ chính được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng cũng như nhận thức của Đảng về các thuật ngữ này, Thứ trưởng Đặng Đình Quý đã đi sâu phân tích về những điểm mới cũng như những điểm cốt lõi về đối ngoại được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII so với Văn kiện Đại hội XI.
Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, Văn kiện đã dành phần riêng để nói về nhiệm vụ đối ngoại. Trong phần đánh giá về thành tựu đối ngoại, Văn kiện nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, cùng với những thành tựu vượt bậc của công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được 4 kết quả quan trọng. Đó là: Môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại; thiết lập đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Và đối ngoại các kênh đều có bước phát triển.
Văn kiện cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhiệm kỳ vừa qua. Một là hiệu quả chưa cao. Hai là chưa hạn chế được tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế. Ba là, nhận thức và chỉ đạo chưa theo kịp tình hình. Bốn là công tác phối hợp chưa tốt. Năm là công tác nghiên cứu còn hạn chế.
Về mục tiêu đối ngoại, Thứ trưởng cho biết, Văn kiện Đại hội XII khẳng định “Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Khác với Đại hội XI là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, mục tiêu đối ngoại được đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất. Qua đó, Đảng ta khẳng định: lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất; lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại và; mục tiêu của mọi hoạt động đối ngoại là phải bảo đảm một cách tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc.
“Phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại cũng được Văn kiện nêu rõ hơn”, Thứ trưởng nói. Theo đó, Đảng ta khẳng định, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, phải thấy rõ tính chất hai mặt trong quan hệ với mọi đối tác, trong xử lý mọi sự việc nảy sinh để không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội hợp tác nào nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác.
Đại diện cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo các đảng viên trong Bộ tham dự Hội nghị. |
Quan điểm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu cụ thể hơn. Văn kiện nêu: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”… Văn kiện nêu rõ những quan điểm chỉ đạo cụ thể; những định hướng lớn đối với hội nhập trong từng lĩnh vực. Theo đó, trong năm năm tới: Hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào triển khai các cam kết đã ký kết; Hội nhập trong lĩnh vực chính trị tập trung vào việc đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ, đưa khuôn khổ đã xác lập đi vào thực chất; Hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như: PKO, diễn tập chung và các hoạt động khác.
Thứ trưởng cũng khẳng định, công tác đối ngoại đa phương được Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh. Đó là “Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”; “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”. Chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” định hình các thể chế, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Phát huy vai trò tức là phải nâng cao được vị thế, vai trò và tận dụng hiệu quả vị thế, vai trò tại các cơ chế đa phương để bảo đảm các lợi ích phát triển và an ninh của đất nước. “Định hướng này cũng chỉ rõ các cơ chế đa phương được ưu tiên trong năm năm tới là ASEAN và Liên hợp quốc”, Thứ trưởng nói.
Về công tác đối ngoại nhân dân, Văn kiện Đại hội đã tiếp cận theo phương cách mới, chuyển thuật ngữ “ngoại giao nhân dân” thành “đối ngoại nhân dân”. Theo Thứ trưởng, đó là sự mở rộng phạm vi: Đối ngoại nhân dân bao hàm tất cả các hoạt động đối ngoại của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể. Cách tiếp cận này cũng đề cao vai trò của đối ngoại nhân dân trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của đất nước.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Đình Quý đã giải đáp một số câu hỏi của các đảng viên để làm rõ hơn những nội dung trong Văn kiện Đại hội.
Qua Hội nghị, các đảng viên, cán bộ ngoại giao được quán triệt sâu sắc, hiểu rõ hơn những nội dung về đường lối, chính sách đối ngoại được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII. Từ Hội nghị này, các cấp ủy sẽ tổ chức phổ biến đến từng đảng viên trong chi bộ, tạo nên sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động của mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ.