Điều đặc biệt là những anh hùng Việt Nam đều là những con người bình dị, xuất thân từ anh công nhân, chị nông dân, o du kích nhỏ... Xuất phát từ lòng yêu nước họ đã chiến đấu chống giặc ngoại xâm với tinh thần anh dũng, gan dạ, mưu trí. Và khi trở lại đời thường, họ không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội và nền quốc phòng toàn dân mà còn khích lệ những thế hệ trẻ tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần ái quốc...
Những dấu son còn mãi
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Tân là một trong những thủy thủ đầu tiên của 4 tỉnh miền Nam vượt biển ra Bắc xin vũ khí, rồi đi tàu Phương Đông 1 chở vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) những năm 60 của thế kỷ trước. Nhớ lại lần đầu đi biển và được giao nhiệm vụ đặc biệt bí mật ấy, Đại úy Tân cho biết ông là người nhỏ tuổi nhất, được thử thách và kết nạp Đảng ngay trên tàu. Thậm chí, ông còn xung phong lặn xuống sửa chân vịt khi tàu trục trặc.
Đại úy Tân cho rằng, động lực thôi thúc ông lớn nhất là chiến trường miền Nam phải có vũ khí mới đánh giặc được. Kỳ diệu hơn chính con tàu Phương Đông 1 đã mở ra một phương thức vận chuyển mới trên con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đại úy Ngô Văn Tân chia sẻ lại cuộc gặp mặt. (Ảnh: An Bình) |
Thời gian sau này khi chuyển ngành, Đại úy Tân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn khiêm nhường, giản dị, không khoa trương hay đề cao công trạng. Dù được giao nhiều trọng trách và nhận được nhiều thành tích trong lao động nhưng ông đã hai lần từ chối danh hiệu Anh hùng sau giải phóng và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Còn với nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Tám, sự tích "đòn gánh đánh Tây" gắn liền với tên tuổi của bà vẫn là bài ca được truyền tụng. Là người vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, nữ du kích Tám đã vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn để tham gia cách mạng. Sự thông minh và dũng cảm của bà khiến quân giặc khiếp sợ.
Tham gia vào đội du kích Hoàng Ngân (tỉnh Hưng Yên) khi 18 tuổi, ước mơ lớn nhất của Trương Thị Tám là ước mơ độc lập tự do, không bị thực dân đế quốc áp bức. Bà mong chiến thắng trong từng trận đánh, diệt được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí, lương thực và hy vọng quê hương mình được bình yên, no ấm, không còn chịu cảnh bom đạn.
Người phụ nữ ấy luôn sôi nổi trong công tác phụ nữ, đảm đang nuôi con thơ và còn động viên chồng mình tái ngũ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất năm 1968 và ông đã hy sinh. Trở về thời bình, nay gần 90 tuổi, bà Tám vẫn tham gia vào công việc của xóm làng, vẫn đạp xe thong dong, vẫn cuốc đất làm vườn, chăm sóc cây trái và truyền lòng yêu nước cho thế hệ sau.
Trang sử mới trong thời bình
Quá khứ đã khép lại nhưng lịch sử lại tiếp tục mở ra câu chuyện về những anh hùng thời kỳ đổi mới. Hiện tại, các cán bộ lực lượng hải quân, phòng không không quân, biên phòng và cảnh sát biển Việt Nam cũng đang tiếp nối truyền thống cha anh như Đại úy Ngô Văn Tân năm xưa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Thiếu tá Danh Kim Huôl giúp đỡ các em nhỏ gặp khó khăn. (Ảnh: Thanh Niên) |
Trung tá Ngô Hồng Sơn tại Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-không quân đã trực tiếp tham gia lái chính nhiều chuyến bay cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảo. Theo anh, bản lĩnh đó đã được tôi luyện qua quá trình bền bỉ, gian khổ, phải làm quen với nhiều điều kiện khí tượng và huấn luyện hiệp đồng quân binh chủng. Chia sẻ về cảm giác làm chủ buồng lái, làm chủ vùng trời, mặt biển của Tổ quốc từ trên cao, trung tá Sơn cho biết lúc ấy các anh thường nghĩ bay là để khẳng định chủ quyền, làm chỗ dựa niềm tin cho ngư dân, làm chủ trang thiết bị hiện đại mà đất nước và quân đội đã tin tưởng giao phó cho mình.
Đại úy Nguyễn Thái Dũng - Thuyền trưởng Tàu CSB 9001, Hải đội 301, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ tu lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng kể về câu chuyện cứu 12 ngư dân trên đảo Phú Quý những ngày giáp Tết 2017. Khi ấy, cả đảo tập trung ở đồn biên phòng Phú Quý đón tin tức, tàu CSB chỉ xác định vị trí tàu cá bị nạn bằng phán đoán hướng gió, tốc độ sóng nhưng đã phán đoán chuẩn xác kịp thời. Và niềm hạnh phúc của các anh chính là niềm vui vỡ òa của ngư dân Phú Quý được an toàn trở về bên gia đình.
Những anh hùng còn là những anh bộ đội Cụ Hồ luôn gần gũi tận tụy với nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vận động đưa trẻ em đến trường... Thiếu tá Danh Kim Huôl, người Khmer, nguyên Chính trị viên phó Đồn biên phòng Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) là một tấm gương điển hình như vậy khi chương trình “Nâng bước em đến trường” do anh khởi xướng đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân rộng trong toàn lực lượng.
Ở địa phương, người dân thường gọi Thiếu tá Danh Kim Huôl bằng cái tên giản dị là “biên phòng Huôl” và luôn tỏ lòng biết ơn vì sáng kiến của anh đã giúp cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quay trở lại trường lớp, được chăm sóc, chữa bệnh và có tương lại tốt đẹp hơn. “Nâng bước em đến trường” còn giúp cả trẻ em nước bạn Campuchia và làm tô đẹp thêm tình hữu nghị giữa hai nước. Ngoài chương trình này, Thiếu tá Danh Kim Huôl còn là tác giả của mô hình “Bến xuồng không buôn lậu” hỗ trợ người dân Kiên Giang cải tạo cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.