📞

Những câu chuyện chấn động thế giới của các gia đình Hoàng gia

Kha Ninh 12:32 | 13/05/2021
Hoàng gia luôn là tâm điểm chú ý của công chúng, những vụ bê bối hay tin đồn của các thành viên trong nhiều năm qua lại càng là tin tức 'nóng bỏng tay' đối với giới truyền thông.
Hoàng tử Michael xứ Kent là một trong những thành viên của gia đình Hoàng gia Anh. Ông bị cáo buộc móc nối doanh nghiệp với Điện Kremlin. (Nguồn: Getty Images)

Tin đồn của Hoàng tử Michael xứ Kent

Hồi đầu tháng 5/2021, giới truyền thông rầm rộ đưa tin Hoàng tử Michael xứ Kent đã sử dụng lợi thế là thành viên hoàng gia tạo hình ảnh quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin để kiếm lợi.

Tạp chí The Time cho biết, trong một hội nghị trực tuyến, em họ của Nữ hoàng Elizabeth II dường như đã đề xuất cung cấp dịch vụ "Kết nối với Điện Kremlin" với các nhà đầu tư từ Hàn Quốc (do các phóng viên bí mật đóng giả).

Theo đó, Hoàng tử Michael có thể giúp các doanh nghiệp kết nối và làm việc với đại diện Điện Kremlin để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Nga với mức thù lao là 10.000 bảng Anh (tương đương 14.152 USD) mỗi ngày.

Đáp trả các thông tin trên, văn phòng của Hoàng tử Michael cho hay, ông không nhận bất cứ khoản tiền nào khác và ngoài thu nhập từ một công ty tư vấn do ông điều hành hơn 40 năm qua.

Bên cạnh đó, văn phòng này còn khẳng định, Hoàng tử Michael không có mối "quan hệ đặc biệt" với Tổng thống Putin. Họ gặp nhau vào tháng 6/2003 và hai bên không hề liên lạc với nhau kể từ đó. Thế nên, hoàn toàn không có chuyện Hoàng tử Michael là đại diện "bí mật" cho ông Putin.

Ngoài ra, văn phòng của Hoàng tử Michael nhấn mạnh rằng, những lời cáo buộc trên là vô căn cứ bởi những cuộc gặp như vậy không thể xảy ra nếu thiếu sự đồng ý của Đại sứ quán Anh và sự hỗ trợ của Phòng Thương mại Anh-Nga.

Bê bối rời khỏi Hoàng gia của vợ chồng Hoàng tử Harry và Meghan Markle

Cuộc phỏng vấn của vợ chồng Công tước xứ Sussex với Oprah Winfrey. (Nguồn: Hello Magazine)

Đầu tháng 1/2020, trên tài khoản instagram chính thức, vợ chồng Hoàng tử Harry và Meghan Markle thông báo rằng họ quyết định từ bỏ vai trò là thành viên Hoàng gia.

Sau cuộc đàm phán với Nữ hoàng, Thái tử Charles và Hoàng tử William ở dinh thự Sandringham, bốn bên nhất trí rằng gia đình Công tước xứ Sussex sẽ mất đi những quyền bảo trợ hoàng gia quý giá và không được sử dụng danh hiệu Hoàng gia (HRH). Tuy nhiên, cặp đôi sẽ giữ lại dinh thự Frogmore Cottage như ngôi nhà ở Anh của họ.

Chưa dừng lại ở đó, nếu thông tin rời Hoàng gia của Harry và Meghan Markle khiến nước Anh xôn xao thì cuộc phỏng vấn của vợ chồng Công tước xứ Sussex với Oprah Winfrey vào tháng 3/2021 như một "quả bom nguyên tử" gây chấn động thế giới.

Cặp đôi đã có nhiều chia sẻ về cuộc sống ngột ngạt tại hoàng gia Anh, về mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

Meghan Markle chia sẻ, sau khi trở thành thành viên hoàng gia, áp lực nặng nề đã khiến cô gặp nhiều cảm xúc tiêu cực, thậm chí những điều này đã khiến cô có ý định tự tử trong lần mang thai đầu tiên.

Sau cuộc phỏng vấn "nóng hổi" trên, Nữ hoàng đã đưa ra một tuyên bố: “Cả gia đình đều rất buồn khi biết về những thử thách trong vài năm qua đối với Harry và Meghan. Các vấn đề được nêu ra, đặc biệt là vấn đề chủng tộc, đang rất được quan tâm.

Mặc dù một số ký ức có thể khác nhau, chúng đều đang được xem xét nghiêm túc và sẽ được gia đình giải quyết một cách riêng tư. Harry, Meghan và Archie sẽ luôn là những thành viên được yêu mến rất nhiều trong gia đình”.

Công tước xứ York và mối quan hệ với tội phạm tình dục

Hoàng tử Andrew trong cuộc phỏng vấn với đài BBC. (Nguồn: PA)

Tháng 11/2019, Hoàng tử Andrew - con trai thứ hai của Nữ hoàng Elizabeth II, đã rút lui khỏi nhiệm vụ hoàng gia vài ngày sau cuộc phỏng vấn trên truyền hình với BBC Newsnight về quan hệ của ông với tội phạm tình dục bị kết án Jeffrey Epstein.

Tuyên bố của Công tước xứ York vào thời điểm đó có đoạn: "Trong những ngày qua, mối quan hệ với Epstein rõ ràng đã gây gián đoạn lớn đến công việc của gia đình tôi và những kế hoạch quan trọng đang diễn ra trong nhiều tổ chức và hoạt động từ thiện mà tôi tự hào hỗ trợ.

Vì vậy, tôi đã hỏi Nữ hoàng Elizabeth II rằng liệu tôi có thể rút khỏi các nhiệm vụ công trong tương lai gần hay không và Nữ hoàng đã cho phép".

Hoàng tử Andrew cho biết, ông vô cùng lấy làm tiếc về mối quan hệ giữa mình với nhà tài chính Mỹ bị kết án và sẵn sàng hỗ trợ trong bất kỳ cuộc điều tra nào.

Ảnh "nóng" của nữ công tước xứ Cambridge

Nữ Công tước xứ Cambridge đã bị tạp chí của Pháp phát tán ảnh nhạy cảm. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2017, Hoàng tử William và Kate Middleton đã được bồi thường 92.000 bảng Anh (hơn 130 nghìn USD) khi thắng vụ kiện tạp chí Closer của Pháp. Cơ quan truyền thông này đã đăng ảnh nhạy cảm của Kate trong một kỳ nghỉ riêng tư ở Provence vào năm 2012.

Sau thời gian điều tra và xét xử, tòa án ở Nanterre (Pháp) đã phán quyết rằng, những bức ảnh của phóng viên săn tin (paparazzi) đã xâm phạm quyền riêng tư của vợ chồng Hoàng tử William.

Vào thời điểm đó, tuyên bố của Cung điện Kensington đã đưa ra có đoạn: "Vụ việc này là một sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng, Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge cảm thấy cần sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý để theo đuổi đến cùng. Họ muốn đưa ra quan điểm mạnh mẽ rằng, hành động phi pháp này không được phép xảy ra”.

Đại diện của vợ chồng Công tước xứ Cambridge khẳng định, những bức ảnh chụp cả hai khi đang đi nghỉ ở Provence, Pháp hồi tháng 9/2012 không những ảnh hưởng đến hình ảnh và tâm lý của Kate Middleton, mà còn "gợi nhớ lại sự tồi tệ nhất của báo chí và paparazzi trong suốt cuộc đời của Diana, Công nương xứ Wales". Hoàng tử William tin rằng, chính cánh phóng viên săn tin là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ anh.

Diana, Công nương xứ Wales

Công nương Diana trả lời phỏng vấn với phóng viên Martin Bashir của đài BBC. (Nguồn: Getty Images)

Công nương Diana đã gây chấn động thế giới khi tham gia một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào tháng 11/1995. Trong cuộc phỏng vấn, bà thẳng thắn chia sẻ về nguyên nhân sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân với Thái tử Charles, cuộc chiến của bà với chứng cuồng ăn và cuộc sống đằng sau những bức tường cung điện.

Công nương Diana cũng nói về những lần bà tự làm tổn thương mình chỉ để tìm cách níu kéo tình yêu của chồng. Thậm chí, bà còn từng tìm đến cái chết vì bị trầm cảm sau sinh.

Cuộc phỏng vấn bom tấn này đã cho thấy cuộc sống "không như mơ" khi kết hôn với thành viên Hoàng gia.

Vua Edward VIII thoái vị

Vua Edward VIII, bác của Nữ hoàng Elizabeth II cùng người vợ quốc tịch Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Năm 1936, Nhà vua Edward VIII đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi ông đề nghị kết hôn với Wallis Simpson, một người Mỹ đã ly hôn.

Giáo hội Anh và các bộ trưởng trong chính phủ đã phản đối việc ly hôn vào thời điểm đó nên ý nguyện kết hôn với Wallis Simpson của Nhà vua đã bị ngăn cản. Tuy nhiên, để chạy theo "tiếng gọi của tình yêu", Vua Edward VIII đã chọn cách thoái vị để kết hôn với người bạn đời mà ông đã chọn.

Ngay sau Vua Edward VIII khi thoái vị, em trai của ông là George VI - cha của Nữ hoàng Elizabeth II trong tương lai, đã lên ngôi.

Edward và Wallis kết hôn ở Pháp thời gian sau đó và dành phần còn lại của cuộc đời ở đất nước này.

Vua Albert II của Bỉ

Cựu Quốc vương Bỉ Albert II và con gái Delphine Boël. (Nguồn: Getty Images)

Vào tháng 1/2020, cựu Quốc vương Bỉ Albert II, thừa nhận rằng ông có một đứa con gái ngoài giá thú, là "kết quả" của cuộc tình giữa ông với Nữ Nam tước Sybille de Selys Longchamps.

Vụ việc bắt nguồn từ Delphine Boël, một nghệ sĩ nổi tiếng và tài năng của Bỉ, đệ đơn kiện Vua Albert, trong đó yêu cầu ông công khai công nhận bà là con gái của mình.

Vụ kiện đã gặp nhiều khó khăn do Vua Albert đã tìm mọi cách để ngăn chặn hoặc kéo dài thời gian, nhất là ông luôn từ chối tham gia xét nghiệm ADN.

Đến ngày 1/10/2020, Tòa thượng thẩm ra phán quyết xác nhận Delphine là con gái hợp pháp của cựu Quốc vương Bỉ. Vì thế, bà được đổi họ từ Boël sang họ cha: Saxe-Cobourg và được công nhận là Công chúa nước Bỉ.

Với Delphine Saxe-Cobourg, đây là chiến thắng của một cuộc đấu tranh rất dài về pháp lý, tình cảm, khiến bà và gia đình chịu nhiều tốn kém và khó khăn trong suốt 10 năm trời tìm lại nguồn gốc của mình.

Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha thoái vị

Cựu Vương Juan Carlos I (trái) và con trai, Vua Felipe IV . (Nguồn: Getty Images)

Năm 2014, Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha đã tuyên bố thoái vị sau 39 năm trị vì nhằm "giải cứu" Hoàng gia đang ngập chìm trong khủng hoảng ở nước này.

Quyết định thoái vị của Vua Juan Carlos I có lý do vì sức khỏe, nhưng một phần cũng vì suy giảm uy tín của Hoàng gia Tây Ban Nha, đặc biệt là vụ bê bối ngoại tình hay các cáo buộc tham nhũng liên quan tới con rể của ông.

Không những thế, thông tin đời sống vô cảm, xa hoa của Hoàng gia trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp ở mức kỷ lục tại "xứ sở bò tót" cũng tạo nên làn sóng phẫn nộ từ người dân, khiến dư luận sôi sục.

Sau thông báo, ông đã ngường ngôi cho con trai là thái tử Felipe IV vào tháng 6/2014.

Tháng 8/2020, Vựu vương Juan Carlos I (82 tuổi) đã quyết định rời khỏi Tây Ban Nha để ra nước ngoài sinh sống nhằm giúp con trai ông là vua Felipe VI "thực hiện trách nhiệm của một vị vua".

Cáo buộc tham nhũng của anh rể Vua Felipe IV

Vợ chồng Nữ công tước xứ Palma Infanta Cristina và Iñaki Urdangarin. (Nguồn: Getty Images)

Tháng 6/2018, Iñaki Urdangarin - anh rể của Vua Tây Ban Nha Felipe IV, đã bị kết án 5 năm 10 tháng tù giam vào sau các cáo buộc tham ô và rửa tiền hơn 4,5 triệu bảng Anh (gần 6,4 triệu USD) thông qua Viện Noos - tổ chức phi lợi nhuận của ông.

Công chúa Infanta Cristina - vợ của Iñaki đồng thời cũng là chị gái của Vua Felipe IV, cũng bị điều tra nhưng không bị kết án. Tuy nhiên, trong nỗ lực bảo vệ danh tiếng Hoàng gia, Vua Felipe IV đã ban hành sắc lệnh tước danh hiệu Nữ công tước xứ Palma của chị gái mình vào năm 2015.

(theo Hello Magazine)