📞

Những câu chuyện về gia đình bình đẳng ở Việt Nam

08:30 | 23/06/2017
Họ chỉ xuất hiện trong một triển lãm nhỏ vừa diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhưng đó lại là những thành viên trong những gia đình kiểu mẫu  - nơi trách nhiệm và tình yêu thương luôn được lan tỏa.

Ngày 21/6 tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức trao giải Cuộc thi ảnh toàn quốc “Những gia đình bình đẳng Việt Nam”.  

Được phát động từ ngày 8/3, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo tác giả trên mọi miền đất nước với hàng nghìn tác phẩm dự thi. Qua bình chọn của công chúng và chấm chọn của giám khảo, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất, Nhì, Ba và triển lãm gần 20 bức ảnh đẹp. Đặc biệt, mỗi bức ảnh tại đây như kể với người xem một câu chuyện ý nghĩa trong đời thường cùng những khoảnh khắc hạnh phúc nhất về gia đình.

Ban Tổ chức trao bằng khen cho các tác giả. (Ảnh: T.T)

Thông điệp của sự sẻ chia

Cuộc thi “Những gia đình bình đẳng Việt Nam” được tổ chức nhằm khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, phân chia công việc gia đình giữa những người bạn đời, đồng thời cùng phấn đấu cho công việc hoặc sự nghiệp riêng...

Theo ông Gustav Dahlin - Trưởng ban Chính trị và Thương mại của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, bình đẳng là một chủ đề rất quan trọng, và nó có ý nghĩa ở Thụy Điển, Việt Nam và ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Đối với kinh nghiệm của Thụy Điển, bình đẳng bắt đầu từ chính những mái ấm gia đình và chính điều đó tạo một nền tảng vững chắc cho một xã hội hiện đại, sáng tạo và thịnh vượng.

"Chúng tôi rất hoan nghênh các tác phẩm đến từ nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam. Các tác phẩm có thể đến từ miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, các tác giả có thể là phụ nữ, nam giới và các bạn trẻ, nhưng các tác phẩm đều có một điểm chung, đó là minh họa những khía cạnh bình đẳng thú vị trong xã hội Việt Nam", ông Gustav Dahlin nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, vấn đề bình đẳng giới nói chung, sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Vì vậy, cuộc thi và triển lãm ảnh này có ý nghĩa thiết thực trong việc khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển của xã hội. Các tác phẩm mang đến công chúng một cái nhìn đa dạng về sự bình đẳng trong các gia đình Việt Nam.

Bức ảnh "Tất cả cho con" của tác giả Nguyễn Khoa Huy. (Nguồn: BTC)

Là thành viên Giám khảo, đạo diễn Trần Lực cho biết cuộc thi năm nay mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh sự bình đẳng giới trong gia đình. Ban Giám khảo đã lựa chọn các tác phẩm làm toát lên được sự đoàn kết, chia sẻ công việc trong gia đình. Là một ông bố kiểu mẫu trong gia đình, anh cho biết khi xem các bức ảnh Những hình ảnh mang tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình tạo cho người xem một cảm xúc rất mạnh.

Và những khoảnh khắc chân thật

Không cần đòi hỏi kỹ thuật cao về nhiếp ảnh, dường như những bức ảnh đoạt giải cao của cuộc thi này hầu hết đều dung dị, tự nhiên và mang đến một cảm xúc chân thật cho người xem. Đó là tác phẩm “Chung Sức” của tác giả Trần Phúc Thạch đoạt giải Ba với sự sẻ chia của các thành viên trong gia đình trong công việc ngày mùa. Bức ảnh đánh thức sự sẻ chia của cộng đồng – gia đình lớn tới trẻ em, các thành viên của gia đình nhỏ để họ có thể cùng nhau vượt khó.

Tác giả Nguyễn Khoa Huy - người có tác phẩm "Tất cả cho con" đoạt giải Nhì và cũng được bình chọn nhiều nhất trên trang Facebook của Đại sứ quán Thụy Điển cho biết, anh đến với cuộc thi là một sự tình cờ khi được một người bạn giới thiệu trên Facebook. Và rồi, cơ hội đã đến với anh khi tới thăm nhà một người cháu và thấy hai vợ chồng đang tìm mọi cách dỗ dành để cho con ăn. Khoảng khắc hạnh phúc đơn sơ trong gia đình bé nhỏ ấy đã được bấm máy và lưu lại mãi cho người xem.

Tác phẩm đoạt giải Nhất "Sự sẻ chia công việc" của tác giả Nguyễn Hữu Thông. (Nguồn: BTC)

Đặc biệt nhất chính là tác phẩm “Sự sẻ chia công việc” của tác giả Nguyễn Hữu Thông. Là một cán bộ dự án cộng đồng, tác phẩm của anh chụp lại một khoảnh khắc trong một chuyến công tác Quảng Bình.

Anh Thông tâm sự: "Bức ảnh này kể về người chồng là người bị khuyết tật vận động, anh bị gẫy một chân do tai nạn bom mìn và trên lưng anh có một khối u. Anh đã từng sống một thời gian dài trong mặc cảm và cuối cùng đã tìm được người bạn đời rất yêu thương và chăm sóc anh. Hai người cùng sống trong một ngôi nhà và hàng ngày họ cùng chia sẻ công việc với nhau. Ngôi nhà nhỏ bên cạnh cánh đồng lúa và hàng cây bạch đàn giờ đây luôn tràn ngập hạnh phúc".

Tham gia cuộc thi, những tác giả như anh Nguyễn Hữu Thông đều muốn đóng góp công sức để truyền đi hình ảnh về các gia đình bình đẳng và hạnh phúc trên khắp đất nước.

Triển lãm còn kéo dài đến cuối tháng 7 để khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng những khoảng khắc tuyệt vời này.