📞

Những chiếc xe... vô chủ!

09:49 | 30/05/2008
Đến bệnh viện Bạch Mai, đưa xe đến nhà gửi xe ai ai cũng chỉ nhanh chóng muốn kiếm một chỗ dựng hợp lý rồi chuyên chú vào mục đích của mình, ít ai để ý rằng, ở góc nhà để xe ở các bệnh biện, có những chiếc xe ở các bệnh viện, có những chiếc xe vô chủ, dựng đó từ bao giờ chẳng ai biết.

Có khoảng hơn chục chiếc với nhiều chủng loại, nhưng đa phần là các loại xe số với các nhãn hiệu như Dream, Wave... xe của Trung Quốc, xe Thái Lan... dựng ngổn ngang với một lớp bụi phủ, với mạng nhện chăng bám. "Lịch sử" của những chiếc xe đó cũng đơn giản, Thường mỗi ngày, những người bảo vệ ở đây gần như phải làm việc hết công xuất để nhận xe, trả xe. Nhà xe rộng mênh mông của bệnh viện đôi khi còn thiếu do nhu cầu của người đến.

Chính thế nên mới đầu, những chiếc xe ấy cũng gọn ghẽ đứng trong hàng lớp những chiếc xe đang chờ chủ đến lấy, Nhưng rồi 1 ngày, 2 ngày, rồi 3 ngày...Chẳng ai nhìn đến chúng, chủ nhân bằn bặt. Có nhiều lý do để lí giải. Chủ nhân bận, chủ nhân còn đang trên giường bệnh....Và thế là chúng cứ đứng đó.

Thường thì để đỡ tốn diện tích những người làm nhiệm vụ trông giữ xe ở đây đã dồn chúng vào một góc. Những chiếc xe ấy lại im lặng chờ bàn tay chủ, 4 ngày, 5 ngày, rồi 1 tuần, 2 tuần....từng lớp, từng lớp bụi thời gian phủ dày trên chiếc  xe, những người chủ vẫn bặt vô âm tín. "Biết được xe của ai đâu". đó là câu trả lời chung khi được hỏi về chủ nhân những chiếc xe.

Đây là cảnh tượng thường thấy tại các bãi gửi xe trong bệnh viện

Những chiếc xe được đưa đến trong trường hợp nào? Nó được đưa đến khi chủ nhân nó bị tại nạn giao thông, đang trong tình trạng bệnh hiểm nghèo... hoặc muôn vạn lí do mà cái bến cuối cùng của chủ nhân nó là ... nhà xác! Cũng có những lí do đặc biệt hơn, bởi đôi khi bãi gửi xe của các bệnh viện cũng là địa chỉ... gửi của các cửa hiệu... cầm đồ, xong vì một lí do nào đó, những chiếc xe đó cũng chịu chung số phần với những chiếc xe kia, nằm im, chờ một bàn tay đến dắt đi.

Vậy đó được coi là tài sản... vô chủ? Có lẽ chính thế nên sau một thời gian không thấy có người đến nhận, những chiếc xe đó lần lượt bị... "luộc" dần các đồ. Một chiếc mặt nạ xe còn tốt, một chiếc yếm còn mới, máy móc... tất cả những gì sử dụng được tận dụng một cách tối đa. Có chiếc xe bị mất yếm, có chiếc dỡ mặt nạ, có chiếc xe bị tháo bánh... Cũng có những chiếc xe chỉ còn cái khung... Và những biển số câm lặng, không hề nói lên điều gì.

Có ai đã từng thử để kiếm tìm chủ nhân của những chiếc xe? "Thời buổi này ai thực tế cũng khó để trách những người đang làm công việc trông xe kia khi mà đến cả cảnh sát giao thông cũng không mấy dễ dàng để kiếm tìm một chiếc xe chính xác với chủ nhân người đang sở hữu nó. Vì bấy lâu nay, người dân Việt Nam quen với việc giao bán, trao tay chỉ bằng miệng hoặc những tờ giấy bán mà ít ai nghĩ đến chuyện đi làm thủ tục đổi chủ...

Hơn nữa, cái công việc đi kiếm tìm một chủ nhân cho chính những chiếc xe của họ đối với những người bảo vệ khó hơn... lên trời. Có lẽ chính vì ý thức được điều đó, nên hàng ngày, những chiếc xe không chủ đó vẫn lần lượt bị mất các phụ kiện... Và có những chiếc xe chỉ còn trơ chiếc khung xe. Những chiếc xe là cả một gia tài. Những ở đây, nó hoàn toàn vô chủ.

Những sự việc đôi khi không mấy người để ý, quan tâm, nhưng nếu suy nghĩ ở một góc độ nào đó, thì bỗng nó trở thành một dấu lặng buồn! Những chiếc xe không chủ trong bệnh viện có thể làm biểu tượng cho điều gì? Và sự mất dần những phụ kiện trên chiếc xe ấy, thậm chí không còn hình của cả một chiếc khung xe? Một góc chết của nhà gửi xe bệnh viện?!Theo Người Hà Nội