Từ xưa, khoa học gọi nghiện là căn bệnh do cơ thể và tâm lý con người bị lệ thuộc mạnh mẽ và có hệ thống với các chất gây nghiện quen thuộc như ma tuý, thuốc lá, rượu. Nếu thiếu thuốc hoặc cai thuốc, người nghiện sẽ có trạng thái nôn nao, khó chịu, mệt mỏi, buồn bã, mất ngủ... Y học gọi đây là “hội chứng cai” hay trạng thái “nhu cầu bệnh lý”.
Nguyên nhân từ đâu?
Khi nhắc đến nghiện, người ta sẽ nghĩ ngay đến các hoá chất như cocaine, nicotine hay thậm chí caffeine tác động đến hệ thần kinh và cơ thể con người, khiến họ có một cảm giác được “thỏa mãn” về tâm lý, hay “sự chiếm đoạt lười biếng” như cách gọi của giới khoa học. Hiện nay, khoa học phần lớn chấp nhận rằng các cơn nghiện sinh ra bởi hệ viền của não phải giải phóng ra lượng dopamine cực lớn (gấp 5, 10 lần bình thường).
Nghiện điện thoại thông minh (smartphone) khiến con người xao nhãng đi nhiều các hoạt động xã hội. (Nguồn: Shutterstock) |
Sau đó, cơ thể sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn để phục hồi lại lượng dopamine ban đầu. Việc sử dụng chất gây nghiện trong thời gian dài có thể dẫn đến việc bộ não ngừng sản xuất dopamine tự nhiên và bạn sẽ cần một lượng lớn chất gây nghiện để duy trì cảm giác bình thường. Dần dần, não bộ sẽ bị lập trình lại và đưa các chất gây nghiện lên làm ưu tiên số một.
Đó là giải thích khoa học cho những cơn nghiện do sự phụ thuộc vào các chất hóa học. Con người ở thế kỷ XXI còn nhiều hành vi không thể cưỡng lại được, hay còn gọi là “rối loạn hành vi” (disorder) gây ra bởi vô vàn các lý do khác nhau, từ nghiện đồ ngọt đến các hoạt động bình thường như mua sắm hay mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, các hình thức rối loạn thời hiện đại không nên xác định là nghiện, bởi rối loạn hành vi không gây hại tới sức khỏe, thậm chí không phải nguyên nhân gây tử vong ở người như ma túy hay thuốc lá.
Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta ko nghĩ đến sự nghiêm trọng của những “cơn nghiện” thời hiện đại, bởi chúng xuất phát từ chính hành vi của con người, chứ không phải do bất kỳ chất hoá học nào gây nên. Nghiện cờ bạc là chứng nghiện hành vi lâu đời nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, nhưng chỉ mới từ năm 2013. Mới đây, game cũng được đưa vào danh sách nghiện này.
Theo Terry Robinson, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Michigan (Mỹ), có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Một trong số đó là môi trường hiện đại ngày nay bị quá tải bởi những thứ kích thích thèm muốn. Ví dụ, các quảng cáo cũng như cách thiết kế máy đánh bạc tinh vi, thu hút sự chú ý của người chơi, tăng cường việc tiết ra dopamine và khiến họ tiếp tục cờ bạc mà không dừng được. Nút “thích” (like) trên mạng xã hội cũng là một ví dụ tương tự. Các bạn trẻ cảm thấy hạnh phúc với số lượng “like” khổng lồ trên bài đăng của mình.
Nguyên nhân thứ hai là liều lượng. Ngày xưa, con người kiếm được bao nhiêu đồ ăn thì sẽ sử dụng từng đó, cung cấp đủ năng lượng cho một ngày. Bây giờ, siro ngô có hàm lượng fructose cao xuất hiện đầy rẫy, khiến cho não chúng ta bị ảnh hưởng bởi một lượng glucose không tự nhiên. Tương tự với ma túy, người dân ở khu vực dãy Andes có phong tục nhai lá coca nhưng về dược lý, nó không hề gây ra tình trạng phê thuốc như hít trực tiếp cocaine.
Yếu tố cuối cùng đó đơn giản là con người có thể dễ dàng mua được và tiếp cận với các loại chất kích thích thần kinh này, từ các loại đồ ăn ngọt tới ma túy. Có rất nhiều tựa game đòi hỏi đầu tư một khoảng thời gian lớn để hoàn thành chúng hay đem lại cảm giác hưng phấn khi đạt được một mục tiêu nào đó, điều này khiến người chơi luôn luôn chìm đắm vào chúng. Theo Robinson, tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau rất phức tạp và khó có thể hiểu hết.
Liệu có giải pháp?
Vậy điều này có nghĩa là con người trong thời hiện đại sẽ có nhiều nguy cơ bị kích thích dopamine hơn? Và làm cách nào để phòng chống nó? Hiện tại, cách tốt nhất mà giáo sư tâm lý học Bruce Alexander phát hiện ra từ năm 1970 là loài người, cũng giống như động vật đều có nhu cầu liên kết và tạo dựng các mối quan hệ. Khi hạnh phúc, chúng ta có xu hướng chia sẻ với xung quanh và ngược lại. Không có những mối liên kết ấy, chúng ta trở nên yếu đuối, cô lập, và dễ dàng bị cám dỗ bởi những thứ mang lại cảm giác nhẹ nhõm như mạng xã hội, trò chơi điện tử, cờ bạc, chất gây nghiện, rượu…
Ngồi thiền là một cách giải quyết tốt những cơn nghiện. Con người tự mình làm thoải mái đầu óc được cho rằng có hiệu quả hơn nhiều chương trình “12 bước bỏ chất cồn” của tổ chức Alcoholic Anonymous. Đạo Phật đã biết đến vấn đề của sự thèm muốn từ hàng ngàn năm trước. Họ sử dụng thiền định để vượt qua những thôi thúc, cám dỗ của con người, từ rất lâu trước thời kỳ biết đến chất dopamine.
Dù sao đi chăng nữa, những cơn nghiện hiện đại này chủ yếu sinh ra từ chính hành vi buông thả của con người, phụ thuộc vào những tập quán xấu, ỷ vào chút thỏa mãn nhất thời mà sinh ra nghiện ngập. Vậy cách phòng chống tốt nhất chính là từ ý chí của mỗi cá nhân. Có ý chí mạnh mẽ, một thân thể khỏe mạnh, không phụ thuộc vào bất cứ điều xấu gì là tuyệt vời nhất.