📞

Những cuộc trao đổi đem lại nhiều 'trái ngọt' của Thủ tướng Phạm Minh Chính với doanh nghiệp Qatar

Nguyễn Hồng 06:20 | 01/11/2024
Chiều ngày 31/10, tại thủ đô Doha, trong chương trình thăm chính thức Nhà nước Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp một số lãnh đạo của các tập đoàn lớn ở Qatar.

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng cho biết ông đã hội đàm, hội kiến thành công với Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Qatar với nhiều kết quả nổi bật. Hai bên nhất trí, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong quan hệ song phương hơn 30 năm qua (1993-2024); thống nhất một số định hướng, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trong thời gian tới; nhất trí đặt mục tiêu sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam-Qatar lên tầm cao mới.

Người đứng đầu chính phủ cho biết Việt Nam bảo đảm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc điều hành Công ty QatarEnergy, Thủ tướng cho biết, hợp tác năng lượng là một trong những nội hàm ưu tiên, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy. (Ảnh: Nhật Bắc)

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công thương Việt Nam và Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar trao đổi cụ thể các biện pháp tăng cường hợp tác. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất nhất là LNG để phục vụ bảo đảm cung ứng điện.

Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, để tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; cũng như hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…

Việt Nam đang sửa đổi Luật Điện lực, các quy định liên quan để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động, hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước.

Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi nhất trí cao và hoàn toàn ủng hộ với những đề nghị hợp tác của Thủ tướng; khẳng định đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là điện khí, LNG và cho biết đang đàm phán với đối tác Việt Nam về các dự án hợp tác.

Ông đánh giá Việt Nam dự kiến tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu châu Á, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng cao; bày tỏ ủng hộ việc đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác với phía Việt Nam về năng lượng, khí đốt, đồng thời đề xuất đàm phán thỏa thuận về sản xuất, cung ứng phân đạm ure – một sản phẩm chế biến từ dầu khí.

Về các dự án năng lượng mới, Công ty sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư với các đối tác Việt Nam. Quốc vụ khanh cho biết sẽ tới Việt Nam để trao đổi, thúc đẩy về các dự án hợp tác cụ thể; đồng thời bày tỏ mong chờ Luật Điện lực sớm được Quốc hội thông qua trong thời gian tới để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Quốc vụ khanh cũng nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác trong lĩnh vực này cần lâu dài, ổn định với lộ trình, bước đi phù hợp, "không bỏ lỡ cơ hội hợp tác". Thủ tướng đề nghị giá cả theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển.

Tiếp đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Qatar do ông Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani, Chủ tịch Hiệp hội, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Al Faisal Holding dẫn đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Qatar có thế mạnh. Người đứng đầu chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Qatar do ông Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani, Chủ tịch Hiệp hội, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Al Faisal Holding dẫn đầu. (Ảnh: Nhật Bắc)

Cung cấp danh sách các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Qatar, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hai bên cần tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Qatar có thể tại Việt Nam hoặc Qatar để kết nối doanh nghiệp hai nước; tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh; đàm phán để có nhưng dự án hợp tác, đầu tư cụ thể.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Qatar Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani nhận thấy Việt Nam rất có tiềm năng hợp tác đầu tư. Đặc biệt, với sự lắng nghe, hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp Qatar hoàn toàn có thể thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa hàng hoá Việt Nam nhiều hơn nữa vào thị trường Qatar.

Cảm ơn, nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; hoan nghênh sớm tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Qatar, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Qatar cho biết, với đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, trên nhiều lĩnh vực, như năng lượng, chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch… Hiệp hội sẽ ký kết với phía Việt Nam một thỏa thuận hợp tác (MOU) để từng bước triển khai các ý kiến của Thủ tướng.

Tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai, Thủ tướng mong muốn hai bên có các dự án hợp tác cụ thể; đề nghị Qatar cung cấp các vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Qatar cho rằng, chuyển đổi số là quá trình quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Qatar và Việt Nam. Hai bên đã thảo luận cấp bộ trưởng, thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, chất bán dẫn, trung tâm dữ liệu… Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác về an ninh mạng, bao gồm cả hạ tầng, khoa học công nghệ và pháp lý

Cho biết sẵn sàng mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư kinh doanh tại Qatar, Bộ trưởng Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai mong muốn Việt Nam mở trung tâm doanh nghiệp công nghệ để sản xuất các sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho không chỉ Qatar mà cho cả khu vực; Qatar sẽ lập nhóm công tác để kết nối, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc mở một trung tâm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Qatar, cho rằng đây là ý tưởng hoàn toàn khả thi, với công thức: Việt Nam cung cấp nhân lực, Qatar cung cấp tài chính, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước để doanh nghiệp hai nước kết hợp sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông không chỉ cho Qatar mà cả khu vực.

Việt Nam đứng thứ 17 về an ninh mạng trên thế giới, chính vì vậy hoàn toàn có thể hợp tác hiệu quả với Qatar trong lĩnh vực này; hai bên sẽ đàm phán, ký kết hiệp định liên chính phủ liên quan an ninh mạng. Hai bên phải tận dụng thời gian và trí tuệ, đồng thời biết chấp nhận rủi ro, tạo đột phá để đưa quan hệ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao, tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

Tiếp ông Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri, Bộ trưởng Bộ Lao động Qatar, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán hiệp định về lao động và ký kết vào thời gian phù hợp. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng thúc đẩy, hợp tác, hỗ trợ xây dựng các trung tâm đào tạo lao động Việt Nam trước khi sang làm việc tại Qatar, điều này đóng vai trò quan trọng trong nâng cao tay nghề, kỹ năng, trình độ, hiểu biết văn hóa, luật pháp của người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri, Bộ trưởng Bộ Lao động Qatar. (Ảnh: Nhật Bắc)

Về phần mình, Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri đánh giá hợp tác lao động giữa hai nước đã đạt nhiều kết quả, song tiềm năng còn rất lớn, số lượng lao động Việt Nam tại Qatar hiện vẫn khiêm tốn (gần 1.000 người). Phía Qatar có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, tiếp nhận lao động với Việt Nam – đất nước có 100 triệu dân, nguồn lao động dồi dào, trẻ, tay nghề cao.

Bộ trưởng cho biết hai bên đã ký Hiệp định về quy định tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar (năm 2008) và trong 7-8 năm tới, Qatar cần rất nhiều lao động trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…

Cam kết đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định giữa hai nước, đưa nhiều lao động Việt Nam sang Qatar hơn nữa, Bộ trưởng cho biết rất chào đón người đồng cấp Việt Nam sang thăm, làm việc để trao đổi, thúc đẩy hợp tác, mang lại kết quả cụ thể.

Bộ trưởng nhất trí với Thủ tướng về tầm quan trọng của việc xây dựng các trung tâm đào tạo lao động tại Việt Nam; đề nghị hai bên cùng trao đổi, phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để triển khai xây dựng các trung tâm này.

Tiếp ông Amir Ali Salemi, Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư và tư vấn quốc tế (JTA), Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kế hoạch đầu tư dự án khu liên hợp thể thao tại Đông Anh, trong bối cảnh Hà Nội có khoảng 10 triệu dân nhưng chưa có khu liên hợp thể thao xứng tầm, mang tính biểu tượng. Thủ tướng mong việc xây dựng khu liên hợp này sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu của người dân Thủ đô, song việc vận hành cần hiệu quả với các dịch vụ đi kèm để duy trì hoạt động lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Amir Ali Salemi, Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư và tư vấn quốc tế (JTA). (Ảnh: Nhật Bắc)

Giám đốc JTA cho biết rất hâm mộ môn bóng đá. Thủ tướng chia sẻ người dân Việt Nam cũng rất yêu môn thể thao này và đề nghị JTA, các bên liên quan nghiên cứu phát triển một câu lạc bộ bóng đá tầm cỡ tại Việt Nam.

Thủ tướng đồng thời đề nghị JTA tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam và phát huy vai trò cầu nối đưa các nhà đầu tư Qatar nói riêng và nước ngoài nói chung có tiềm năng đến đầu tư tại Việt Nam.

Kết thúc buổi tiếp, Thủ tướng chứng kiến lễ trao Biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư vào dự án khu liên hợp thể thao Đông Anh giữa T&T và JTA.