📞

Những cuộc vượt ngục ngoạn mục

16:32 | 20/04/2009
Cho dù hệ thống giam giữ tại các nhà tù có nghiêm ngặt với những hệ thống an ninh hiện đại và hiệu quả đến đâu thì người đời vẫn được chứng kiến những cuộc vượt ngục vô cùng táo bạo và ngoạn mục…
Nhà tù Maze

Đào hầm

 

Stalag Luft III là trại tù binh chiến tranh của Không quân Đức trong Thế chiến II, nơi giam giữ phi công của các nước đồng minh.

 

Tháng 2/1943, Roger Bushell cùng các bạn tù  đã lên kế hoạch cho vụ vượt ngục được coi là vô cùng táo bạo trong lịch sử. Họ đã đào ba đường hầm sâu với ba cái tên “Tom”, “Dick” và “Harry”. Để tránh bị phát hiện, các đường hầm này được đào rất sâu, khoảng 9m. Khi các đường hầm dài ra, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo cho người đào có đầy đủ oxy để thở và giữ cho đèn luôn sáng. Một chiếc bơm khí đã được lắp đặt dọc theo đường ngầm để cung cấp không khí xuống hầm. Sau đó, họ lắp một số bóng đèn điện vào ngay hệ thống dây dẫn điện của nhà tù. Để cho việc di chuyển cát được nhanh hơn, Bushell còn lắp một hệ thống đường ray nhỏ ở mỗi đường hầm, giống như hệ thống được sử dụng trong các hầm mỏ cũ, phương tiện hữu ích nhất để di chuyển tới 130 tấn vật liệu như đất đá trong suốt 5 tháng trời, giúp rút ngắn thời gian đào hầm.

 

Cuối cùng, đường hầm “Harry” cũng được hoàn thành vào tháng 3/1944. Vào đêm không trăng ngày 24/3/1944, sau rất nhiều nỗ lực và tính toán tỉ mỉ, cuộc vượt ngục được tiến hành.

 

Tuy nhiên, thật không may là đường hầm này hơi ngắn. Họ đã dự tính đường hầm phải dẫn đến khu rừng bên cạnh, thế nhưng người đầu tiên bước lên khỏi hầm đã không thấy rặng cây nào. Mặc dù vậy, họ vẫn quyết định tiếp tục cuộc hành trình.

 

Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25/3, người thứ 77 trong đoàn đã bị cai ngục phát hiện khi đang chui ra khỏi đường ngầm. Cả trại giam nhanh chóng truy đuổi những người vượt ngục. Trong số 76 người trước đó chỉ có 3 người thoát được. 50 người đã bị sát hại, số còn lại bị bắt và đưa trở lại nhà tù.

 

Lắp tàu lượn

 

Colditz là một trong những trại giam tù nhân chiến tranh nổi tiếng của phát xít Đức trong Thế chiến II. Do trại giam này nằm trong lâu đài Colditz được xây dựng trên một vách đá nhìn ra thị trấn Colditz ở Saxony, nên hai phi công người Anh là Jack Best và Bill Goldfinch bị giam giữ ở đây đã lên kế hoạch vượt ngục bằng tàu lượn, dự kiến phi xuống từ trên mái nhà nguyện để có thể vượt qua sông Mulde nằm phía dưới 60m.

 

Khi mà người Đức đã quen với việc cảnh giác những đường ngầm thì kế hoạch trốn thoát từ trên không được coi là sự lựa chọn hợp lý nhất. Các tù nhân đã dựng lên một bức tường giả để giấu khoảng không bên trong mái vòm, nơi chiếc tàu lượn đang được bí mật lắp ráp từ những mảnh gỗ lấy trộm trong khu trại giam. Được sự tư vấn của chuyên gia tàu lượn Lorne Welch về biểu đồ và những tính toán về không tải của chiếc tàu, Jack và Bill đã lắp ráp chiếc tàu lượn mang tên Colditz Cock. Hàng trăm miếng gỗ mỏng, chủ yếu là các thanh giát giường, đã được gắn với nhau, làm nên khung của chiếc tàu lượn, còn những xà dọc của đôi cánh được thiết kế từ các tấm ván sàn nhà. Hệ thống dây điều khiển được làm từ những sợi dây điện mà họ đã lén lấy từ các khu bỏ hoang của toà lâu đài.

 

Tuy nhiên, Jack và Bill cũng không có cơ hội để thực hiện vụ đào thoát lịch sử vì quân đồng minh chiến thắng. Mặc dù chiếc tàu lượn này không bao giờ được bay, nhưng một bản sao của nó đã được thiết kế trong bộ phim tài liệu Escape from Colditz (Trốn khỏi Colditz) của kênh Channel 4 năm 2000 và đã được John Lee bay thành công với sự tham dự của Jack và Bill.

 

Bắt cai ngục làm con tin

 

Trong số những cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh phải kể đến vụ đào thoát năm 1983 của 38 tù nhân thuộc lực lượng Quân đội CH Ireland (IRA) khỏi khu giam giữ H-Block 7 (H7) thuộc nhà tù Maze, hạt Antrim, miền Bắc Ireland. Những tù nhân này trước đó bị buộc tội giết người và đánh bom các khu dân cư của Anh.

 

Nhà tù Maze là một trong những nhà tù được canh phòng cẩn mật và khó trốn nhất châu Âu. Ngoài hệ thống hàng rào dây thép gai cao chừng 5m, mỗi khu giam giữ còn được bao quanh bởi những bức tường bê tông cao 6m, tất cả cánh cửa được làm bằng những khối thép vô cùng kiên cố và đều được vận hành bằng hệ thống điện tử.

 

Vậy mà vào 2h30 25/9/1983, các tù nhân đã bắt đầu kiểm soát được H7 bằng cách bắt giữ các nhân viên bảo vệ nhà tù làm con tin. Một số tên đã lấy quần áo và chìa khoá xe hơi của các cai ngục để cải trang cho dễ bề trốn thoát. Gần một tiếng sau, một chiếc xe tải cung cấp thức ăn cho trại đến và những tên tù này ngay lập tức khống chế tài xế. Khoảng 3h50, chiếc xe rời khỏi H7 mang theo 38 tù nhân.

 

Mấy ngày sau, 19 tù nhân vượt ngục đã bị bắt lại. Số còn lại được IRA giúp trốn sang Mỹ. Do tình hình chính trị Bắc Ireland lúc bấy giờ bất ổn, nhà chức trách không chú tâm vào vụ này. Vì vậy, những tên còn lại không bị truy nã nữa.

 

Nhờ bão tuyết

 

Slawomir Rawicz là một người lính Ba Lan bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ sau khi Đức tấn công Ba Lan năm 1939. Rawicz bị Toà án Liên bang Xô viết kết án 25 năm tù khổ sai vì tội hoạt động gián điệp và thụ án tại một trại lao động của Liên Xô ở phía Nam Serbia.

 

Ngày 9/4/1941, lợi dụng sự hỗn loạn trong trại khổ sai sau khi một trận bão tuyết bất ngờ ập đến, Rawicz đã trốn thoát thành công khỏi trại lao động của Liên Xô cùng 6 người khác. Họ chạy về phía Nam và tránh các thành phố vì sợ bị lộ. 9 ngày sau, họ vượt qua sông Lena rồi đi quanh hồ Baikal trước khi tới Mông Cổ. May mắn cho họ là những người họ gặp trên đường đi đều rất thân thiện. Tuy nhiên, hai người trong nhóm đã chết trên đường vượt qua sa mạc Gobi. Những người khác phải ăn thịt rắn và các loại côn trùng trên sa mạc để tồn tại. Khoảng tháng 10/1941, họ đặt chân đến Tây Tạng và đã vượt qua dãy Himalaya vào giữa mùa Đông năm đó. Thêm một người trong nhóm chết vì lạnh và một người rơi xuống vực mất tích. Rawics cùng những người còn lại trong nhóm đã sống sót khi đến được Ấn Độ vào khoảng tháng 3/1942. Đây được coi là vụ vượt ngục ly kỳ, gian nan nhất trong lịch sử.

 

Vũ Anh(theo Listverse)