📞

Những “đám tang” không khăn trắng

16:59 | 08/04/2008
Tính đến chiều qua (7/4) 49.243 con lợn đã được tiêu hủy trong tổng số 60.274 con bị dịch “tai xanh” ở 190 xã thuộc 10 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Trong khi chúng tôi chuẩn bị đưa bài báo này lên khuôn thì tại TP Thanh Hóa cũng vừa công bố có dịch tai xanh, nâng tổng số huyện, TP có dịch lên 11 đơn vị.

Tại huyện Lang Chánh, Sở NN- PTNT tỉnh đã chủ trì họp khẩn đối với 9 huyện miền núi phía Tây. Là kỹ sư chăn nuôi lâu năm, hiểu được mất mát của bà con nông dân, ông Lê Như Tuấn- PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Thanh Hóa đã không giấu nổi buồn rầu khi thấy hàng vạn con lợn phải tiêu hủy. “Nếu dịch lây lan đến các huyện miền núi thì công tác dập dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, giao thông trở ngại và nhất là các huyện miền núi vừa kinh qua đợt rét hại làm chết nhiều trâu, bò, nay nếu thêm dịch tai xanh chắc họ khó mà vực dậy được”.

Sáng qua, khi chúng tôi về các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa thấy người dân chấp hành rất nghiêm chỉ đạo của cấp trên là đưa lợn dịch ra bãi tập kết để tiêu hủy. Hai ngày qua đã có hàng ngàn “đám tang” không khăn trắng như vậy trên khắp các cánh đồng nơi có dịch.

Tại xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân chúng tôi gặp bà Lê Thị Quế ở thôn 2. Bà Quế khóc thảm thương hai con lợn sề (lợn nái) nặng 173 kg bị dịch "tai xanh". Chồng bà mất cách đây 12 năm, để lại 5 đứa con dại. Mình bà chèo chống lam lũ nuôi con ăn học. Bình thường hai con lợn nái là thứ tài sản lớn đối với bà. Vì mỗi lứa lợn cũng giúp bà có thêm 3-4 triệu đồng lo trong lo ngoài. Mỗi tháng như vậy bà phải chu cấp cho đứa con đang học nghề ở Hà Nội và đứa con út đang học phổ thông cũng mất vài triệu.

Chúng tôi hỏi bà, thế có vay tiền ngân hàng để lo cho các cháu ăn học nữa không? Bà Quế nghẹn ngào: “Cảnh mẹ góa, con côi khổ lắm chú ạ! Tôi làm đơn xin xác nhận mình thuộc diện hộ nghèo nhưng chính quyền xã không chấp nhận. Làm đơn vay tiền ngân hàng thì họ bảo chưa đến đợt cho vay. Bây giờ, lợn bị ốm tôi hết sức hoang mang”.

Một tình huống mà chúng tôi không biết nên ghi nhận để biểu dương người dân hay là phê bình cán bộ xã Thọ Lộc. Chuyện là thế này: Chị Hoàng Thị Lâm ở thôn 4, có một ổ lợn nái 6 con. Khi chưa có quyết định tiêu hủy lợn ốm thì con lợn mẹ nặng 150 kg phát dịch và chết. Chị Lâm báo cáo lãnh đạo thôn và tiến hành chôn con lợn đó. Đến hôm qua khi 5 con lợn khác cũng bị bệnh, chị đưa số lợn đó đi tiêu hủy và đề nghị ghi vào danh sách con lợn do gia đình đã tự tiêu hủy cách đó mấy ngày nhưng lãnh đạo địa phương không đồng ý. Qúa bức xúc, chị khóc hết nước mắt mà không một lời chia sẻ.

Sáng qua, khi đến địa điểm tiêu hủy lợn ốm ở xã Thọ Lộc, chị Lâm đã gặp đoàn công tác của Sở NN- PTNT do ông Lê Văn Đốc- PGĐ Sở làm trưởng đoàn. Qua sự việc chị Lâm trình bày, ông Đốc đề nghị BCĐ chống dịch xã Thọ Lộc và huyện Thọ Xuân: “Sự việc có thật thì hãy ghi vào danh sách được hỗ trợ cho gia đình chị Lâm”. Được biết, chị Lâm hiện đang vay 10 triệu đồng nợ lãi của các cá nhân với lãi suất rất cao, trong khi đó với lý do nhà chị Lâm không thuộc diện hộ nghèo nên không được vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế.

Theo Nông nghiệp Việt Nam