📞

Những di sản kiến trúc độc nhất vô nhị mang 'thương hiệu Boris' ở London

07:50 | 05/09/2019
TGVN. Trong tám năm ở Tòa thị chính, cựu Thị trưởng London – nay là Thủ tướng Anh Boris Johnson để lại những “di sản” kiến trúc mang “thương hiệu Boris”.    
Ông Boris Johnson tại một công trình phía Bắc London. (Nguồn: Getty Images)

Trước khi trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh, từ năm 2008, ông Boris Johnson từng là Thị trưởng của London. Trong tám năm đó, cựu Thị trưởng London đã để lại cho Thủ đô nước Anh những thiết kế mang “thương hiệu Boris” mà nhiều nhà phê bình thiết kế cho rằng, đó là những thiết kế hài hước, vụng về và lập dị.

Thậm chí, nhà phê bình thiết kế Douglas Murphy, tác giả của "Nincompoopolis: The Follies of Boris Johnson" còn cho rằng, những di sản của cựu Thị trưởng London là những “công trình công cộng kỳ lạ nhất thế giới trong những năm gần đây”. Ông Murphy cũng cho rằng, đó là những thiết kế ngu ngốc, tồi tệ nhất ông từng thấy trong đời.

Các “di sản” ông Johnson để lại có thể kể đến như đài quan sát ArcelorMittal Orbit, hệ thống cáp treo mang tên Emirate Air Line, hệ thống Boris Bikes … Hầu hết, những công trình ông Johnson để lại đều vướng phải những chỉ trích.

Trái ngược lại, ông Johnson lại vô cùng tự hào với một danh sách các thiết kế mà ông đã và chưa kịp thực hiện và bị hủy bỏ ngay sau khi ông Boris rời khỏi Tòa thị chính – Garden Bridge; sân bay Britannia ngay giữa dòng sông Thames;…Ít nhất là 2 trong số những công trình đã thực hiện của ông Johnson vướng phải chỉ trích.

Đài quan sát ArcelorMittal Orbit

Đài quan sát ArcelorMittal Orbit - công trình độc nhất vô nhị và nằm tại Thủ đô London của nước Anh. (Nguồn: Courtesy Arup)

Tòa tháp này có dạng xoắn ốc và nằm tại Thủ đô London. Trước khi được xây dựng, Cựu Thị trưởng London Boris Johnson gọi tòa tháp này là “Hubble Bubble” (tẩu hút thuốc lá sợi shisha của người Arab) vì hình dáng kỳ dị của nó.

Tác giả thiết kế “cái tẩu thuốc” khổng lồ này là nghệ sĩ từng đoạt giải Turner danh giá Anish Kapoor do công ty thép ArcelorMittal, nhà tài trợ của Olympic London 2012 và Paralympic Games rót vốn. Tổng chi phí của dự án là 19,1 triệu bảng. Để hoàn thành công trình này, người ta cần khoảng 2.000 tấn thép và 12.000 l sơn đỏ. Riêng con lắc giữ thăng bằng nặng 40 tấn, dài 2,8m.

Đài quan sát ArcelorMittal Orbit là những kết cấu thép chạy theo những “quỹ đạo” bao quanh thân tháp với tổng chiều dài lên đến 560m. Trên tòa tháp là 2 tầng đài quan sát rộng tổng cộng 300m2, có thể chứa cùng lúc 300 khách tham quan. Du khách có thể sử dụng cầu thang bộ cao 455 bậc chạy xoắn ốc xung quanh thân tháp hoặc 2 thang máy sức chứa 21 người.

Hệ thống cáp treo Emirate Air Line

Ông Boris Johnson trên hệ thống cáp treo mang tên Emirate Air Line. (Nguồn: Reuters)

Hệ thống cáp treo mang tên Emirate Air Line có tổng chi phí xây dựng và thiết kế lên tới 44 triệu USD. Hệ thống cao khoảng 91m so với mặt đất. Du khách có thể chiêm ngưỡng những công trình lừng danh tại London như cảng Canary, đài thiên văn Greenwich hay công viên Olympic. Khả năng vận chuyển của hệ thống là 2.500 khách/ giờ. Phần lớn tiền của dự án được đổ về từ hãng hàng không Emirates Airline.

Thủ tướng Anh Johnson là vị khách đầu tiên của hệ thống cáp treo này. Trong ngày khai trương, khi đó, với vai trò là Thị trưởng London, ông đã nói với báo chí rằng, “Hãy lên chiếc cáp này ngay ! Nó thật tuyệt vời, đáng đồng tiền và công nghệ đỉnh cao”. Ngài cựu Thị trưởng thành phố cũng bày tỏ hy vọng hệ thống cáp này sẽ mang đến cảm hứng tươi mới cho các du khách khi họ đặt chân tới London.

Tuy nhiên, công trình này vấp phải phản đối cho rằng, hệ thống cáp treo mang tên Emirate Air Line sẽ chẳng đóng góp được gì nhiều sau khi Olympic kết thúc. Không chỉ vậy, sau khi hệ thống hoàn thành, nhiều công nhân xây dựng tụ tập biểu tình, đòi thêm các phụ cấp xây dựng.

Hệ thống Boris Bikes

Ông Boris Johnson với Boris Bikes. (Nguồn: Getty Images)

Trong số các thiết kế độc đáo của ông Johnson Boris, có lẽ đây là dự án duy nhất nhận được sự ủng hộ của người dân Thủ đô nước này.

Từ năm 2010, Thị trưởng London Boris Johnson đã phát động một chương trình cho thuê xe đạp trên toàn thành phố- vay mượn ý tưởng của hệ thống cho thuê xe đạp Vélib ở Pháp. Từ đó, hệ thống xe đạp công cộng có tên Boris Bikes - được đặt theo tên của cựu Thị trưởng Boris Johson ở London chính thức đi vào hoạt động.

Khoảng 6.000 chiếc xe đạp đã được triển khai tại các trạm cho thuê (docking stations) xung quanh thành phố. Hệ thống xe đạp này ra đời nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ ở London và giúp thành phố này hướng tới mục tiêu xanh sạch hơn.

Dự án Garden Bridge

Thiết kế Garden Bridge. (Nguồn: Courtesy Arup)

Garden Bridge là cầu đi bộ dài 366m bắc qua sông Thames với một lối đi bộ xuyên qua khu vườn. Cây cầu được thiết kế bởi Thomas Heatherwick. Tham quan công trình này hoàn toàn miễn phí và sẽ mở cửa từ 6h sáng đến nửa đêm.

Tuy nhiên, ý tưởng này hoàn toàn bị chấm dứt khi ông Johnson Boris kết thúc nhiệm kỳ Thị trưởng London của mình. Theo báo cáo, dự án tiêu tốn khoảng 46 triệu bảng. Ngay sau đó, Tòa thị chính đã chỉ ra những điểm sai trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, cựu Thị trưởng Boris Johnson phản bác rằng, ông không thể nhớ tại sao mình lại ký vào các giấy tờ liên quan đến dự án này.

Sân bay Britannia ngay giữa dòng sông Thames

Phối cảnh sân bay Britannia ngay giữa dòng sông Thames.

Kế hoạch xây dựng sân bay Britannia ngay giữa dòng sông Thames, trên một hòn đảo nhân tạo đang được cho là kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém của chính quyền Thủ đô London. Đây cũng chính là 1 trong nhiều ý tưởng thuộc "bộ sưu tập" đậm chất Boris.

Theo đó, với chi phí xây dựng lên tới 75 tỷ USD, sân bay Britannia sẽ có kiến trúc hình bầu dục được chia cắt bởi 6 đường băng ngay giữa sông Thames, tại một khúc cửa sông rộng.

Tại khu vực chính của sân bay, người ta sẽ xây dựng các khối hình dẹt khổng lồ được che phủ bằng kính mờ để giúp điều tiết ánh sáng mặt trời vừa đủ cho sự sinh trưởng của các loài thực vật bên trong. Dự kiến sẽ mất 7 năm để xây dựng một sân bay giữa dòng sông Thames.

(theo CNN)