📞

Những di sản thế giới mới

15:37 | 09/08/2010
Cùng với Hoàng thành Thăng Long, 20 địa danh khác được UNESCO công nhận là di sản thế giới mới, nâng tổng số di sản thế giới lên thành 911. Đây là phiên họp công nhận nhiều di sản thiên nhiên nhất từ trước tới nay, đồng thời có ba quốc gia lần đầu tiên có di sản thế giới là Tajikistan, các quần đảo Marshall và Kiribati.
Làng cổ Hahoe và Yangdong ở Hàn Quốc.

Trong số 15 Di sản Văn hóa thì có 7 di sản ở khu vực châu Á. Ngoài Hoàng thành Thăng Long có Khu di tích Đăng Phong (Trung Quốc), nơi có đỉnh Songshang là ngọn núi thiêng nhất Trung Quốc với rất nhiều đền đài được xây dựng trong 9 triều đại vua. Được xây dựng vào thế kỷ 18 với hơn 20 dụng cụ quan sát cố định, Khu vực đài thiên văn Jantar Mantar ở Jaipur là di chỉ độc đáo nhất và được bảo vệ tốt nhất trong lịch sử thiên văn Ấn Độ. Các ngôi làng lịch sử Hahoe và Yangdong (Hàn Quốc), được xây dựng trong thế kỷ 14-15, với thế dựa lưng vào núi, nhìn ra sông thể hiện rõ ảnh hưởng của Khổng giáo trong giai đoạn đầu của đế chế Joseon (1392-1910).

Khu khảo cổ Sarazm (Tajikistan) có những bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của con người từ thiên niên kỷ thứ 4 TCN đến thiên niên kỷ thứ 3 TCN cũng như các dấu hiệu phát triển đầu tiên của thành thị tiền sử tại Trung Á.

Iran đóng góp hai di sản là Khu Sheikh Safi al-Din Khanegãh và quần thể miếu thờ ở Ardabil - một trong những nơi hiếm hoi thể hiện được sự đồng bộ trong nhiều lối kiến trúc Hồi giáo trung cổ khác nhau và Khu chợ cổ Tabriz - nơi trao đổi văn hóa quan trọng của phương Đông, một chợ chính trên Con đường Tơ lụa.

Nước Trung Đông khác là Saudi Arabia cũng tự hào với Thành At Turaif ở ad-Dir'iyah - thủ đô đầu tiên của đế chế Ả rập, nhân chứng của loại kiến trúc Najdi.

4 di sản nằm ở châu Mỹ gồm: Những hang động tiền sử Yagul và Milta ở trung tâm thung lũng Oaxaca (nhiều hình vẽ trên núi cùng với một hạt bầu 10 ngàn năm tuổi như là bằng chứng đầu tiên về một loài cây đã thuần hóa tại châu Mỹ) và Con đường bạc (dài 2.600km, dùng để vận chuyển bạc trong thế kỷ 16-19 ở Bắc và Trung Mỹ), đều ở Mexico. Quảng trường Sao Franciso ở thị trấn Sao Cristovao là quần thể kiến trúc mang phong cách dòng thánh Francisco cho thấy ảnh hưởng tôn giáo đến sự phát triển ở khu vực Đông Bắc Brazil. Quần đảo Bikini (quần đảo Marshall) được tôn vinh không phải vì cảnh sắc thơ mộng, lãng mạn mà bởi đây chính là nơi Mỹ dùng làm để thử 67 vụ nổ bom nguyên tử và quả bom khính khí đầu tiên trong giai đoạn 1946-1958.

Các di sản khác là Thành phố Albi (Pháp), Hệ thống kênh đào ở Singelgracht (Hà Lan), Các khu kết án thời thuộc địa Anh (Australia).

Trong số 5 di sản thiên nhiên mới được công nhận có Danxia Trung Quốc với những dãy núi đá đỏ cùng với rất nhiều kiệt tác thiên nhiên như hẻm suối, thung lũng, thác nước, cột đá, đồng thời là nhà ở của 400 loại động thực vật quý hiếm; Khu vực bảo vệ quần đảo Phượng hoàng (Kiribati) rộng hơn 400.000 km2 là khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới, có hệ sinh thái san hô quần đảo độc đáo cùng với 14 miệng núi lửa còn hoạt động dưới lòng biển; Cao nguyên Putorana (Nga) có hệ sinh thái Bắc cực và cận Bắc cực với những dãy núi đá, rừng taiga, hệ thống sa mạc bắc cực, những hồ băng chưa dấu chân người. Bên cạnh đó là Vùng núi miền Trung Sri Lanka (Sri Lanka), nơi có những ngọn núi cao đến 2.500, nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như vượn cáo mặt tía, báo Sri Lanka và culi ốm; Dãy núi đảo Reunion (Pháp) là một mảng ghép của nhiều hệ sinh thái khác nhau như rừng mưa cận nhiệt, rừng mây cùng với hai ngọn núi lửa như hai cột chống.

Duy nhất một di sản hỗn hợp mới được công nhận là Papahanaumokuakea (Mỹ) - khu vực thiên đàng của các loài san hô và sinh vật biển khác đồng thời có những di chỉ quan trọng của người Hawai cổ.

Nguyễn Hoàng