📞

Những điểm mới nhất trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022

Nhật Hồng 16:32 | 16/03/2022
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Bộ GD&ĐT khẳng định giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. (Nguồn: TT)

Chiều ngày 16/3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng toàn quốc năm 2022. Theo đó, có rất nhiều điểm mới thay đổi về kỹ thuật.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, cho các cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

6 nội dung dự kiến điều chỉnh so với năm 2021

Thứ nhất, việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm, cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Thứ sáu, cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Bà Thủy cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện "hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo": hoàn thiện phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến đối với các phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo, tổ chức đăng ký xét tuyển và lọc ảo chung toàn hệ thống trong đợt 1...

Rà soát nhu cầu của các địa phương, năng lực của cơ sở đào tạo, xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; Tiếp tục công tác truyền thông, phổ biến văn bản về tuyển sinh. Tổ chức kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, công tác tuyển sinh của một số trường…

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở giáo dục, rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên; Chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu nhiệm vụ khâu tổ chức thi THPT, hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến; Tổ chức tập huấn các nội dung (quy chế, quy trình nghiệp vụ, sử dụng phần mềm...) đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc của kỳ thi THPT và ĐKXT.

Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp khi tổ chức thi THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh. Tổ chức cho thí sinh thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; hỗ trợ thí sinh tự do đăng ký dự thi và xét tuyển.

Hướng dẫn các trường THPT có thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (ở các khâu đặt hàng, xây dựng quy trình, tiêu chí tổ chức triển khai).

Yêu cầu mới về xét tuyển học bạ

Đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT rà soát, có kế hoạch chuẩn bị điều động giảng viên đúng đối tượng, đủ số lượng tham gia tổ chức, triển khai Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT; tổ chức tập huấn về các nội dung công tác thi THPT tại trường theo kế hoạch (nếu có). Thống nhất, ổn định phương án thu, chi lệ phí xét tuyển 2022 với các sở GD&ĐT.

Rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và cập nhật lên hệ thống; Ban hành quy chế tuyển sinh của CSĐT, thực hiện lịch tuyển sinh chung.

Công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế; xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.

Đặc biệt, đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định: Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm (ví dụ, không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm), không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.

Mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh, để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng.

Các trường chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển. Đối với các trường có sử dụng các phương thức xét tuyển khác phương thức dựa trên điểm tốt nghiệp THPT cần lưu ý:

+ Nếu chỉ xét tuyển đơn giản dựa trên điểm học tập bậc THPT (học bạ) thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT, sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển; tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

+ Nếu phương thức xét tuyển bằng phương thức khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký xét tuyển. Bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.

Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng internet của trường để thực hiện việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển.

(theo Dân trí)