Điểm mới về khám sức khỏe của người lái xe từ năm 2025. |
Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý về khám sức khỏe của người lái xe tại Thông tư 36/2024/TT-BYT sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2025.
1. Bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn 100% đối với tất cả người lái xe từ năm 2025
Theo đó, từ năm 2025, bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn đối với tất cả người lái xe khi khám sức khỏe. Việc xét nghiệm nồng độ cồn sẽ chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
Riêng người hành nghề lái ô tô sẽ bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ cồn trong khám sức khỏe định kỳ.
2. Tăng xét nghiệm ma túy khi khám sức khỏe lái xe từ năm 2025
Hiện hành tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, khi khám sức khỏe lái xe thì bắt buộc phải xét nghiệm ma túy với 04 loại: Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphetamin, Marijuana (cần sa).
Còn theo Thông tư 36/2024/TT-BYT, từ ngày 1/1/2025, khi khám sức khỏe lái xe thì bắt buộc phải xét nghiệm ma túy (Xét nghiệm sàng lọc và định tính các loại ma túy theo quy định của Bộ Y tế: Amphetamin, Marijuana, Morphin, Codein, Heroin).
3. Áp dụng Mẫu giấy khám sức khỏe lái xe mới
Từ ngày 1/1/2025, Mẫu giấy khám sức khỏe lái xe mới sẽ áp dụng theo mẫu tại Thông tư 36/2024/TT-BYT, thay thế cho mẫu đang áp dụng tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
Lưu ý: Mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe ban hành tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe bản giấy đã in, được tiếp tục sử dụng và phải tuân thủ hướng dẫn ghi theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BYT. Trường hợp cơ sở in mới giấy khám sức khỏe phải tuân thủ mẫu theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BYT.
4. Tăng thời hạn giấy khám sức khỏe lái xe lên thành 12 tháng
Từ năm 2025, ngày việc giấy khám sức khỏe lái xe sẽ áp dụng theo mẫu mới tại Thông tư 36/2024/TT-BYT, thì thời hạn của loại giấy tờ này sẽ có sự thay đổi.
Cụ thể, Giấy khám sức khỏe mới theo Thông tư 36/2024/TT-BYT áp dụng từ ngày 01/01/2025 sẽ có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận, trong khi giấy khám sức khỏe hiện hành theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT chỉ có thời hạn là 06 tháng.
Lưu ý: Giấy khám sức khỏe và số khám sức khỏe định kỳ của người lái xe được cấp trước ngày Thông tư 36/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy khám sức khỏe và sổ khám sức khỏe định kỳ của người lái xe theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.
5. Bỏ yêu cầu khám thai sản trong quy trình khám sức khỏe lái xe
Thông tư 36/2024/TT-BYT cũng bỏ quy định về khám thai sản, vì ít liên quan sức khoẻ lái xe.
6. Phân lại nhóm tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe từ 1/1/2025
Theo đó, Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định, tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chia theo 3 nhóm, gồm:
- Nhóm 1: Áp dụng với trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A1, B1 và người điều khiển xe máy chuyên dùng.
- Nhóm 2: Áp dụng với trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái hạng A và B.
- Nhóm 3: Áp dụng với trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Phân loại nhóm tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT như sau:
- Nhóm 1: Dành cho người lái xe hạng A1;
- Nhóm 2: Dành cho người lái xe hạng B1;
- Nhóm 3: Dành cho người lái xe các hạng: A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
Lưu ý:
- Người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1/1/2025 nếu có nhu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe từ hạng A1 sang giấy phép lái xe hạng A thì áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe Nhóm 1 để khám sức khỏe.
- Đối với người khuyết tật đề nghị cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc cấp giấy phép lái xe hạng B không phải khám chuyên khoa cơ xương khớp.
7. Quy định mới về cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe
Một điểm mới đáng lưu ý nữa ở Thông tư 36/2024/TT-BYT là quy định về cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Cấu trúc dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng gồm: phần hành chính; tên cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe; ngày khám sức khỏe; kết quả xét nghiệm ma túy; kết luận về tình trạng sức khỏe.
Lưu ý: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo!