📞

Những điều thí sinh cần lưu ý trước giờ G kết thúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

15:55 | 19/08/2022
Theo quy định của Bộ GD&ĐT đến 17 giờ 00 ngày 20/8/2022 kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022.
Thí sinh không nên đặt quá nhiều nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển đại học. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Để tăng cơ hội trúng tuyển, một số thí sinh cố gắng đăng ký nhiều nguyện vọng, thậm chí tới vài chục nguyện vọng vào các trường, các ngành khác nhau. Vậy việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng có tốt? Nên sắp xếp thứ tự các nguyện vọng thế nào để tăng tối đa khả năng trúng tuyển?

Nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo 3 lớp

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội chia sẻ, thực tế, không có quy định nào yêu cầu thí sinh không được đặt quá nhiều nguyện vọng. Tuy nhiên, việc đặt tới mấy chục nguyện vọng đôi khi sẽ làm thí sinh mệt mỏi và lúng túng vì không biết sắp xếp thứ tự thế nào cho hợp lý.

"Bản thân bộ não của thí sinh phải hoạt động hết tốc lực để xem chọn ngành nào, trường nào rồi trong một trường thì xếp ngành này ở vị trí thứ mấy chẳng hạn. Bởi vậy, thay vì cố gắng đặt quá nhiều nguyện vọng không theo chiến lược nào, các em nên tính toán kỹ tới khả năng đỗ của mình trong từng nguyện vọng, sau đó sắp xếp theo từng lớp nguyện vọng", TS Phương nói.

TS Phương tư vấn, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo 3 lớp như sau để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển.

Lớp số 1 (đặt lên trên cùng) là những ngành mà khả năng đỗ có phần "hơi chới với", tức điểm chuẩn mọi năm của ngành này cao hơn một chút so với điểm của thí sinh. Nguyên tắc vẫn là ngành yêu thích nhất, trường yêu thích đặt lên trước.

"Ví dụ, em đang thích ngành Quản trị Kinh doanh và thích trường ĐH Hà Nội, em có thể xếp ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Hà Nội lên đầu tiên, sau đó đến ngành Quản trị kinh doanh của một trường khác tương tự như ĐH Hà Nội mà có thể điểm thấp hơn một chút hoặc tương đương. Nhưng thường điểm của trường thứ hai nên thấp hơn, bởi vì nếu tương đương thì em đã đỗ nguyện vọng trước đó rồi", TS Phương giải thích.

Sau đó, tới lớp số 2 sẽ là những ngành mà điểm của thí sinh có thể "gần như đỗ", tức khả năng trúng tuyển đã lên đến 90-95% (so với điểm chuẩn các năm gần đây). Ví dụ, điểm chuẩn của trường đó, ngành đó mọi năm bằng điểm thí sinh đang có thì nên xếp vào nhóm này.

Lớp nguyện vọng cuối cùng là các ngành đã chắc chắn đỗ, tức những trường, những ngành mọi năm lấy điểm thấp hơn điểm thí sinh đang có. "Nếu xếp thành 3 lớp nguyện vọng như trên, cơ hội của các em sẽ là rất lớn", TS Phương khẳng định.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cũng chia sẻ, qua thực tế tư vấn tuyển sinh, cô nhận thấy rất nhiều thí sinh vướng phải một lỗi có thể khiến các em bị trượt đáng tiếc, đó là sắp xếp rất nhiều nguyện vọng, nhưng các nguyện vọng đều tương đương nhau.

TS Phương cho hay: "Có một số bạn xếp tới 6-7 nguyện vọng, nhưng tất cả nguyện vọng đó có điểm chuẩn mọi năm như nhau, lấy cùng khoảng điểm như nhau. Các em cứ khăng khăng chỉ học ngành đó, ở những trường đó, trong khi điểm của mình không đạt, như vậy cơ hội trúng tuyển sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Lúc ấy, khi biết mình trượt rồi mới hối tiếc thì đã muộn màng".

TS nhấn mạnh, thí sinh nên so sánh điểm mình đang có với điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước và xét nguyện vọng giảm dần theo cấp bậc như đã hướng dẫn.

Thí sinh không nên quá lo lắng vì có rất nhiều lựa chọn ở các trường khác nhau

Với một số thí sinh gần đến hạn cuối đăng ký xét tuyển vẫn loay hoay, chưa biết sắp xếp nguyện vọng thế nào cho hợp lý, TS Phương đưa ra lời khuyên, các em có thể xin tư vấn trực tiếp từ trang tuyển sinh của các trường.

Ví dụ, với trường ĐH Hà Nội, thầy cô sẽ trực từ 8h sáng đến 21, 22h tối. Khi thí sinh nhắn tin vào trang tư vấn tuyển sinh, chia sẻ cụ thể về trường hợp của mình, các thầy cô với rất nhiều kinh nghiệm sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho các em.

"Các em nhiều khi băn khoăn, lo lắng quá vì sợ mình trượt. Tuy nhiên, các em phải hiểu rằng học đại học bây giờ không phải là khó. Nếu quá cầu kỳ vào chính bản thân mình thì mới sợ trượt đỗ. Thực tế, thí sinh có rất nhiều lựa chọn ở các trường khác nhau và khi đã vào học, trường top hay không top thì cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực học cũng như sự chăm chỉ của mình.

Trường top thì thường có điều kiện học tập khác một chút, nhưng nếu học một trường không phải trường top mà em cố gắng đầu tư cho việc học cũng như tham gia các hoạt động, kết quả học tập của em vẫn rất tốt, có nhiều cơ hội khi ra trường", TS Phương nhắn nhủ tới thí sinh.

Theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đến trưa hôm qua 18/8, đã có tổng số 586.424 thí sinh nhập nguyện vọng trên 941.010 thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số lượng nguyện vọng: 2.784.537, tương đương số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 4.75.

(theo Dân trí)