📞

Những đóa hoa màu thiên thanh

08:00 | 06/02/2019
Mười nữ quân nhân và 53 đồng đội thuộc Bệnh viện dã chiến 2.1 (BVDC 2.1) đã lên đường sang Nam Sudan được hơn ba tháng. Và đây là tâm sự của họ...

Những nữ quân nhân tuổi từ 26 - 44 phải tạm gác vai trò người vợ, người mẹ, người con để đến đất nước châu Phi cách Việt Nam hơn 8.000 km thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Trong hành trang của các chị không thể thiếu những tà áo dài màu thiên thanh thêu họa tiết chim hạc, trống đồng và hoa sen. Thiếu tá Bùi Thị Xoa, Kỹ thuật viên nha khoa, Tổ trưởng Tổ phụ nữ BVDC 2.1 cho biết việc chọn lựa áo dài khá kỳ công. Chị tìm mẫu rồi trình qua các cấp xét duyệt từ Hội Phụ nữ, Ban Chính trị đến Đảng ủy Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175. Bởi chiếc áo ấy phải vừa thể hiện được nét văn hóa truyền thống của Việt Nam vừa cho thấy một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Các chị còn chuẩn bị bộ quần áo bà ba, khăn rằn, những điệu múa, các tiết mục văn nghệ để giới thiệu đến bạn bè quốc tế trong các chương trình giao lưu.

Trong hành trang của 10 "bông hoa" BVDC 2.1 Việt Nam tại Bentiu (Nam Sudan) còn có cả bộ quần áo bà ba, khăn rằn. (Nguồn: BVDC 2.1)

Gác việc nhà, lo việc nước

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Thiếu tá Bùi Thị Xoa thỉnh thoảng bị ngắt quãng do mạng internet quá yếu. Bentiu chưa có 3G. Chị kể về ngày đầu đặt chân tới Bentiu - nơi cách thủ đô Juba khoảng 900km, về nỗi nhớ nhà da diết. Đầu dây bên kia im lặng - không phải do sóng kém - mà bên ấy, nữ Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp đang cố kìm nén tiếng nấc nghẹn ngào và những giọt nước mắt. Chị xúc động khi tôi nhắc lại ấn tượng của mình với hình ảnh đôi mắt đỏ hoe của chị tại lễ xuất quân tiễn BVDC 2.1 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan trong một năm. Đó là khoảnh khắc chị chia tay người thân để đến với đất nước châu Phi xa xôi đang là điểm nóng về an ninh cũng như tình hình nhân đạo. Đây là lần đầu tiên chị xa chồng con lâu đến thế.

Chị Xoa kể ngày 15/10/2018, khi trực thăng chở các quân nhân BVDC 2.1 hạ cánh xuống Bentiu, lần đầu tiên chị thấy một sân bay toàn đất đỏ. Chị cũng thấy những đứa trẻ tắm trên vũng nước bẩn, đường bụi mù mịt, cảnh vật hoang sơ… Chị tự nhủ phải cố gắng thật nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến một phần nhỏ bé để chữa lành những vết thương do xung đột và đói nghèo gây ra ở Nam Sudan.

Là nữ sĩ quan duy nhất không thuộc khối y tế của BVDC 2.1, Thiếu úy Sa Minh Ngọc có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin đi và đến từ LHQ cũng như từ trong nước; làm báo cáo hoạt động của đơn vị hàng ngày, tuần, tháng, quý... gửi về Việt Nam và cho LHQ. Công việc hoàn toàn mới (chưa có quân nhân Việt Nam nào từng đảm nhiệm vị trí này) nên Ngọc mất thời gian đầu học hỏi từ bạn và tự học. Được huấn luyện kỹ càng và bản thân tự lập từ nhỏ nên cô không cảm thấy lo lắng về công việc tại Nam Sudan. Sự lo lắng của cô dành cho hậu phương. Ngọc lo cho sức khoẻ của bố mẹ hai bên vì ở xa, cô không có điều kiện để chăm sóc họ. “Bố mẹ em vẫn khoẻ nhưng tâm lý người con xa nhà là như thế. Em là bộ đội, thực hiện nhiệm vụ là trách nhiệm và nghĩa vụ”, Ngọc nói.

Thiếu tá Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BVDC 2.1 cho biết, Bệnh viện chính thức tiếp nhận BVDC cấp 2 của Vương quốc Anh và đi vào hoạt động ngày 27/10/2018. Đến nay, Bệnh viện đã khám cho 318 lượt bệnh nhân; phẫu thuật 10 ca bệnh, trong đó có 5 ca lớn như viêm ruột thừa, thoát vị bẹn; điều trị thành công một số trường hợp sốt rét phức tạp… Đặc biệt, đội cấp cứu đường không đã vận chuyển thành công một trường hợp lên bệnh viện tuyến trên ở Juba.

Chỉ huy y tế phái bộ LHQ tại Nam Sudan (CMO), Phái bộ LHQ tại Bentiu, các đơn vị bạn đóng quân trên địa bàn Bentiu như: Tiểu đoàn Mông Cổ, Tiểu đoàn Ghana, Cảnh sát Ghana, Công binh Ấn độ, Công binh Anh... đánh giá rất cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế của BVDC 2.1 Việt Nam.

“Nhận nhiệm vụ là đi”

Sa Minh Ngọc công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ năm 2015. Một năm sau, cô được biệt phái sang BVDC 2.1 với vị trí sỹ quan hành chính, quản lý phòng tác chiến. Trong một năm đó, bên cạnh việc tham gia các khóa huấn luyện gìn giữ hòa bình ở nhiều nước, Ngọc cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Trong hành trang mang theo của Ngọc có đầy đủ màu và dụng cụ vẽ. Cô cho biết sẽ vẽ tranh về BVDC 2.1 để lưu giữ kỷ niệm lần đầu đến một nơi xa cùng đơn vị, cũng là cách giúp Ngọc vơi đi nỗi nhớ nhà.

Trung úy chuyên nghiệp Tô Thị Kiều Chinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, cũng xác định “nhận nhiệm vụ là đi”. Khi gia đình, bạn bè khuyên ngăn vì sợ cô phải đến nơi thời tiết khắc nghiệt, bệnh dịch, sốt rét nguy hiểm…, Chinh nói đây là trải nghiệm mới và cô cảm thấy mình có ích hơn, được cống hiến cho đất nước. Chinh tham gia các khóa huấn luyện chuyên môn, ngoại ngữ với chuyên gia trong và ngoài nước từ tháng 6/2015. Cô cũng được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn ở trong rừng như tìm nước, tìm lửa, xác định vị trí… để thích ứng với điều kiện ở Nam Sudan.

Ước mơ của cô Thiếu úy

Với Thiếu úy chuyên nghiệp Bùi Thị Hoài Thu, Điều dưỡng khoa ngoại, được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là một may mắn. Hồi nhỏ, khi xem bộ phim nói về một phụ nữ Mỹ làm tình nguyện viên tại châu Phi, về chiến tranh và nạn đói, Thu không thể ngờ trong khi mình đang sống hạnh phúc vẫn còn những đứa trẻ không có quần áo để mặc. Cô ước lớn lên được sang châu Phi làm tình nguyện viên. Nơi đó có những con người với tấm lòng cao cả thực hiện trách nhiệm thiêng liêng. Bố mẹ và bạn bè nói ước mơ của Thu thật kỳ cục, như thám hiểm Sao Hỏa vậy! Chính Thu cũng nghĩ ước mơ ấy không thể trở thành hiện thực.

Đến khi làm việc tại Bệnh viện Quân y 175, thấy các anh chị trong BVDC được huấn luyện để sang Nam Sudan, Thu rất ngưỡng mộ. Một hôm, Điều dưỡng Trưởng khoa hỏi Thu muốn tham gia BVDC không? Dù các đồng nghiệp nói qua đó nguy hiểm lắm, bom rơi đạn lạc, cướp bóc… nhưng Thu chỉ có một suy nghĩ trong đầu là đi. Cô Thiếu úy đợi khi nhận quyết định chính thức mới dám nói với gia đình. Bố mẹ khuyên Thu sống tập thể phải hòa đồng, không ngại việc nặng nhọc, phải lăn xả vào làm… “Lần đầu đội mũ nồi xanh cảm giác như một giấc mơ. Em hạnh phúc và thấy tự hào”, cô gái sinh năm 1993 tâm sự.

Những người lính mũ nồi xanh Việt Nam tại Bentiu. (Nguồn: BVDC 2.1)

Ấm tình đồng đội

Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết, các cán bộ, nhân viên của BVDC 2.1 luôn hỗ trợ nhau, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần để làm tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, là chị cả trong Tổ phụ nữ, chị phải gương mẫu và gắn kết được mọi người với nhau, điều mà chị cho là rất quan trọng. Ngày sinh nhật các chị em, chị thường làm bánh từ bột rau câu. Chị Xoa nấu ăn khá cừ, cô em Minh Ngọc có khiếu vẽ tranh, Trang, Chinh, Thùy chơi bóng bàn khá, Thảo nhảy hay, Chinh múa dẻo… Ngoài giờ làm, các chị thường cùng nhau tập thể dục, trồng hoa, trồng rau, làm bánh.

Minh Ngọc, Kiều Chinh, Hoài Thu cũng tâm sự, họ xa gia đình nhưng có đồng đội. Đồng đội là gia đình của họ. Minh Ngọc sẽ nhớ mãi khoảnh khắc cô và các thành viên BVDC 2.1 gặp đoàn tiền trạm, gồm các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại đây và một số từ Cục Gìn giữ hòa bình mới sang. Các anh lên tận máy bay đón và ôm từng người. “Như là người nhà đón mình vậy”, Ngọc nhớ lại.

Có thể nói, 10 “bóng hồng” của BVDC 2.1 cùng các chiến sĩ mũ nồi xanh trên ngực thêu hai chữ “Viet Nam” đã cho thấy hình ảnh thật đẹp về người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Họ sẵn sàng tới các quốc gia đang có xung đột, mang trái tim và khối óc của mình để giúp đỡ người dân nơi đây, góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả - gìn giữ hòa bình.