Ảnh minh họa. |
Tuyển tiếp viên nữ “nhẹ cân” để giảm chi phí
Hãng hàng không Go Air (Ấn Độ) vừa ra chính sách tuyển dụng mới là chỉ tuyển nữ tiếp viên mảnh mai và “nhẹ cân” nhằm giảm thiểu tối đa tải trọng trên mỗi chuyến bay, cải thiện hiệu năng sử dụng nhiên liệu và đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí cho hãng.
Nữ tiếp viên có cân nặng nhẹ hơn trung bình từ 15-20 kg so với đồng nghiệp nam giới. Theo ước tính, cứ tăng 1kg tải trọng, hãng sẽ phải trả 0,05USD cho mỗi giờ bay, cộng các khoản liên quan, chi phí nhiên liệu tốn thêm mỗi năm có thể lên đến 500.000 USD. Hiện GoAir đang có 130 thành viên phi hành đoàn nam giới, đặt mục tiêu giảm xuống 80 trong tương lai gần và dự kiến toàn bộ 2.000 nhân viên trên các chuyến bay chỉ có nữ giới.
Theo phát ngôn viên của hãng hàng không, việc họ thực hiện chính sách tuyển dụng mới không hề xuất phát từ việc định kiến về giới tính. Tỷ lệ nam - nữ trong phi hành đoàn của hãng hàng không hiện là 40:60, đây là tỉ lệ cho thấy hãng là một trong những đơn vị có nhiều nam tiếp viên nhất trong ngành hàng không ở Ấn Độ. Chính sách mới hoàn toàn nhằm phục vụ mục tiêu giảm tải trọng trên máy bay, tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Cấm vận chuyển vây cá mập
Hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc, Korean Air vừa thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động vận chuyển vây cá mập trên các chuyến bay của hãng. Đây là một động thái nhằm thể hiện cam kết của hãng này trong chiến dịch bảo vệ sinh thái và loài cá mập. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, số lượng cá mập trên toàn cầu đã giảm mạnh với khoảng 100 triệu con bị sát hại mỗi năm.
Asiana, hãng hàng không lớn thứ hai nước này, cũng đưa ra quyết định tương tự, nhưng không nói rõ thời điểm lệnh cấm này có hiệu lực. Trước Korean Air và Asiana, một số hãng hàng không châu Á đã thực hiện lệnh cấm này, trong đó có Hãng Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc).
Đi máy bay, béo phì là một bất lợi
Theo quy định của hãng hàng không Samoa Air của quốc đảo Samoa, hành khách bị béo phì sẽ phải trả thêm chi phí. Hãng này tuyên bố sẽ tính giá vé theo cân nặng của hành khách bởi việc này sẽ giúp tăng nhận thức về vấn đề béo phì và các nguy cơ với sức khỏe.
Samoa Air yêu cầu hành khách tự khai báo số cân nặng của mình và sau đó từng người sẽ được đưa lên cân kiểm tra tại sân bay. Giá vé họ phải trả sẽ bằng số cân nặng nhân với giá cước cố định áp dụng cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Giá cước này có thể thay đổi tùy theo độ dài của hành trình. Theo bảng giá của Samoa Air, hành khách và hành lý sẽ bị áp mức cước từ 1 USD/kg đối với các chặng bay ngắn nhất và tới khoảng 4,16 USD/kg đối với chặng bay dài nhất của hãng này tới lãnh thổ Đông Samoa (Mỹ).
Không chỉ riêng Samoa Air, hãng hàng không AirTran Airways cũng có những quy định riêng dành cho những khách hàng béo phì. Theo đó, chính sách này buộc những hành khách béo phì khi đi máy bay phải mua 2 ghế nếu một ghế không đủ kích cỡ của họ. Lý do được AirTran Airways đưa ra là để “không gây ảnh hưởng tới quyền lợi của những hành khách bình thường”.
Đội ngũ tiếp viên đặc biệt
Để thu hút khách hàng, đặc biệt là các khách hàng Nhật Bản, hãng hàng không giá rẻ Spring Airlines ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã nghĩ ra quy định đội ngũ nữ tiếp viên phải mặc đồng phục của các nhân vật trong truyện tranh hoạt hình Nhật Bản.
Hình ảnh các cô gái trẻ mặc trang phục như các nhân vật hoạt hình Nhật Bản để phát các tờ rơi hay quảng bá các nhà hàng ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Trào lưu này nhanh chóng lan rộng ra khắp các quán cà phê, nhà hàng tại Trung Quốc, Singapore.
Spring Airlines hy vọng với chiêu thức kinh doanh mới, hãng sẽ thu hút một số lượng lớn hành khách trẻ tuổi. EVA Air, hãng hàng không lớn thứ hai của Đài Loan (Trung Quốc), cũng áp dụng biện pháp tương tự vào năm ngoái bằng cách tung ra những chiếc máy bay theo chủ đề mèo Hello Kitty để tăng tính hấp dẫn đối với khách hàng nữ.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự đổi mới của Spring Airlines vì cho rằng trang phục của các nữ tiếp viên của hãng không phù hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Diễn Tú (tổng hợp)