Học y khoa ở Florida, nhưng Nguyễn Hải Đăng đã bay sang California chỉ để trực tiếp đề xuất mong muốn được tham gia vào dự án của một vị giáo sư tại Đại học Y Stanford.
Nhờ vậy, cậu đã có cơ hội được làm việc với nhiều giáo sư giỏi đến từ các đại học hàng đầu như Harvard, Stanford hay Johns Hopkins...
Chàng trai Nguyễn Hải Đăng (bên phải) trong chuyến đi đến vùng đến vùng Arusha, Tanzania. |
Một trong những dự án quan trọng Đăng từng tham gia tại Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) là về vấn đề viêm gan.
Tại đây, Đăng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng, trong đó có bác sĩ thuộc Đại học Harvard, để tìm hiểu về sự tương tác giữa người bệnh và hệ thống y tế, từ đó tạo ra chiến lược cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên bệnh nhân viêm gan ở Việt Nam.
Sau đó, anh tiếp tục làm việc với tổ chức phi lợi nhuận ABC's for Global Health của các giáo sư đến từ Đại học Stanford. Ở dự án này, anh cùng với các thành viên đã xây dựng hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến được đặt tại 13 vùng của Phillipines.
Những chiếc máy tự động thu thập tín hiệu y sinh của cơ thể như nhịp tim, nhịp thở hay nồng độ đường trong máu… đã giúp nhóm kiểm soát được sức khỏe y tế của hơn 8.000 người dân tại đây.
Mùa hè năm 2022, Đăng đã dành một tháng để tới châu Phi, cùng với các giáo sư tại của Đại học Johns Hopkins và Đại học Pennsylvania đến vùng Arusha, Tanzania để phát triển một ứng dụng điện thoại di động.
Hy vọng của nhóm là giúp người dân có thể sử dụng nó như một bách khoa toàn thư về y tế, từ đó tiếp cận được với các kiến thức y học tiên tiến từ xa.
Nhóm cũng đã trình bày dự án này tại một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các Bộ trưởng Bộ Y tế tại các nước châu Phi, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ.
Những chuyến đi như thế giúp anh nhận ra rằng, mỗi cộng đồng sẽ có cách tiếp cận y tế khác nhau. Ví dụ như tại Tanzania, người dân chủ yếu sử dụng y học cổ truyền để khám chữa bệnh. Việc đến tận nơi để tìm hiểu về tập quán, văn hóa đã giúp những dự án tiếp cận gần và thiết thực hơn với nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, Đăng còn kết hợp với giáo sư tại Đại học Yale chế tạo ra một mô hình giáo dục cho người bị khuyết tật tại Pakistan, hay cùng một tổ chức phi lợi nhuận ở Dominican Republic xây dựng chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh cao huyết áp,…
Đam mê với hoạt động tình nguyện, hai năm trước, Đăng còn thành lập ra tổ chức phi lợi nhuận có tên CardiacLife Foundation. Mục đích của tổ chức này là kêu gọi tài trợ nhằm chi trả chi phí mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Mùa Hè năm trước, Đăng kết hợp với chương trình Nhịp tim Việt Nam, Khoa Ngoại Tim mạch của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và tổ chức phi lợi nhuận M.E.M.O (bao gồm những người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại tiểu bang California) gây quỹ cho 30 ca mổ tim với chi phí 1,3 tỷ đồng.
Anh mong muốn rằng, những dự án của mình đặc biệt là về tim mạch, sẽ kết nối được các nước Đông Nam Á như Việt Nam với các nước có nguồn tài nguyên lớn hơn như Mỹ, Anh. Nhờ đó, những dự án này sẽ phần nào giải quyết được các vấn đề y tế đang còn tồn tại ở Đông Nam Á.