📞

Những hiện vật sống của 30 năm đổi mới

22:01 | 23/09/2016
Nồi áp suất Liên Xô, phích nóng lạnh, bếp điện lò xo, quạt con cóc..., những hình ảnh gắn liền với của những năm đổi mới đã mang lại những cảm xúc đặc biệt cho công chúng khi đến với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dịp này.

Trưng bày “Đổi Mới - hành trình của những ước mơ” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm công cuộc Đổi mới đất nước (1986-2016). Khoảng 200 hiện vật, tài liệu và hình ảnh của Bảo tàng kết hợp cùng đóng góp của người dân đã làm nên trưng bày sinh động về thời kỳ Đổi mới với những dấu ấn quan trọng của đất nước.

Trưng bày này là sự kết hợp giữa các sự kiện - dấu mốc lịch sử tiêu biểu của đổi mới, dấu ấn của các chính trị gia - những người khởi xướng, lãnh đạo đổi mới với những câu chuyện, ký ức của những người dân Việt Nam đã từng sinh sống và làm việc ở Hà Nội từ những ngày đầu của thời kỳ Đổi mới...

Mỗi hiện vật là một ước mơ

Có thể nhận thấy thông điệp “Đổi mới để tiến lên” thể hiện qua hiện vật tiêu biểu như chiếc bếp điện của Liên Xô, chiếc phích đá giúp bà mẹ mang cơm đi làm và khi về dùng để đựng kem cho con, hay chiếc quạt con cóc chạy lè xè để giảm bớt cái nắng như giữa trưa tháng 6... Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng, những hình ảnh này muốn giúp công chúng hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước để qua đó nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và đổi mới trong mỗi người.

Chiếc bếp điện của gia đình ông Nguyễn Trọng Chi ở Hà Nội được con trai học ở Liên Xô gửi về. (Ảnh: L.A)

Một chủ đề khác là “Đổi mới hay là chết” tập trung giới thiệu về lý do, bối cảnh xã hội, yêu cầu bức thiết phải đổi mới những năm đầu thập kỷ 80. Trong đó, nổi bật nhất là dấu ấn của những chính trị gia - những người đặt nền móng, lãnh đạo, tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới đất nước như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... Tại đây, công chúng được nghe lại tiếng nói cùng câu chuyện thú vị về họ.

Đặc biệt, Trưng bày còn dành riêng một không gian để những người dân bình thường bày tỏ, chia sẻ những ký ức về thời kỳ Đổi mới. Bộ phim tư liệu “30 năm Đổi mới - Hành trình thắng lợi” nhấn mạnh vai trò của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng được trình chiếu trong suốt thời gian diễn ra Trưng bày.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết, một số hiện vật ý nghĩa như chiếc máy cấy, phát minh quan trọng của người nông dân... vẫn chưa được sử dụng dịp này, bởi phòng trưng bày hiện tại chỉ vỏn vẹn rộng 200m2.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày khánh thành đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam, tháng 5/1994. (Nguồn: BTC)

Tinh thần của trưng bày mở

Để thực hiện chuyên đề đặc biệt này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã mời các chuyên gia nước ngoài đến trợ giúp. Điều mà tất cả lãnh đạo cũng như cán bộ của Bảo tàng trăn trở là phải làm sao chuyển tải sống động, hiệu quả đến công chúng những thông điệp, giá trị thông qua những tài liệu đang được lưu giữ và đã được người dân hiến góp.

Tiến sĩ Graeme Were, Giảng viên cao cấp Khoa Sau đại học, Đại học Queensland, (Australia) - người đã đồng hành cùng nhóm thực hiện trưng bày cũng chia sẻ: “Thách thức của nhóm là tái hiện được câu chuyện đổi mới trong suốt 30 năm trong một không gian khá nhỏ hẹp. Do vậy, chúng tôi chỉ có thể tận dụng nó để thể hiện được tinh thần đổi mới".

Lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ về Trung bày. (Ảnh: L.A)

“Đổi mới - Hành trình của những ước mơ” là một trong những nỗ lực của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sau 5 năm sáp nhập Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng. Với một chặng đường đã đi qua và những thành tích đạt được, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được đón nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý từ các cấp, các ngành. Kỷ niệm ngày thành lập, chiều ngày 22/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng

Được biết, trưng bày thú vị này sẽ mở cửa phục vụ công chúng đến cuối năm 2016. Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Đây là trưng bày mở nên Bảo tàng mong muốn sẽ là cầu nối ngày càng gần hơn với công chúng. Từ đây, mỗi người dân sẽ có ý thức chia sẻ, đóng góp nhiều tài liệu, hình ảnh để trưng bày được hoàn thiện và có nội dung phong phú hơn”.