📞

Những hình ảnh tiêu biểu về đường Hồ Chí Minh huyền thoại

10:20 | 29/04/2024
Đường Hồ Chí Minh được mở nhằm chi viện về sức người, sức của của hậu phương miền Bắc để đưa quân đội cùng vũ khí, đạn dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn.

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại".

Sau Hiệp định Geneva (7/1954) đất nước bị chia cắt. Để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở đường Trường Sơn và chọn Khe Hó là địa điểm xuất phát để tiến vào Nam.

Từ đây, những chi viện về sức người, sức của của hậu phương miền Bắc đã giúp bộ đội "ăn no, đánh thắng", giành được những chiến công giòn giã trên các chiến trường, tiến tới ngày toàn thắng và thống nhất đất nước.

Quân ủy Trung ương đã họp bàn về việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam và tìm cách đưa một số bộ phận quân đội cùng vũ khí, đạn dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn.

Năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn tại Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu mở đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam.

Thiếu tướng Võ Bẩm - người được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
Đoàn 559 được chọn là "đoàn công tác quân sự đặc biệt" triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của tuyến đường này.
Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", chung ý chí "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và quyết tâm "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", lớp lớp các lực lượng từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc đã luôn bền bỉ, kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững thông suốt cho mạch máu giao thông này.
Ngày 13/8/1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn qua sông sâu, đèo cao, suối dữ và hệ thống đồn bốt nghiêm ngặt của địch đến với đồng bào, chiến sĩ ở miền Nam. Trong ảnh: Những đoàn xe bất chấp bom đạn, chất độc da cam vẫn nối đuôi nhau chi viện cho miền Nam trên đường Trường Sơn.
Bộ đội thông tin luôn truyền đạt mệnh lệnh kịp thời bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống.
Đoàn xe đạp thồ lương thực, hàng hóa trên tuyến đường gùi thồ qua Quảng Bình.
Các chiến sĩ trinh sát công binh tiếp cận hiện trường, đánh dấu cắm biển để đội phá bom làm nhiệm vụ.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 24 cao xạ thuộc Trung đoàn 591 anh hùng bảo vệ đội hình xe vận tải qua đường Trường Sơn.
Tháng 5/1961, tuyến đường Trường Sơn được khai thông dài gần 100km, từ Đường 9 đến Mường Phalan nối Trung Lào và Hạ Lào. Ban đầu tuyến đường chỉ sử dụng ngựa thồ, voi thồ, xe thồ và một số xe cơ giới. Ảnh: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559 - cắt băng khánh thành một cung đường trên tuyến đường Trường Sơn, năm 1972.
"Cọc tiêu sống" trên các cung đường Hồ Chí Minh.
Những hình ảnh tiêu biểu về Từ một tuyến đường trở thành một hệ thống phủ kín dãy Trường Sơn, với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc - Nam và ba nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí; đưa hơn 2 triệu lượt người hành quân từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại đội 128 dân công tỉnh Thái Bình xẻ rừng mở đường cơ giới, năm 1964.
Từ 1968 đến 1973, quân đội Mỹ chi khoảng 1 tỷ USD/năm cho hoạt động hàng rào điện tử McNamara. Đây là một hệ thống các phương tiện điện tử nhằm phát hiện sự xâm nhập của quân giải phóng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara nói chuyện với phóng viên về kế hoạch xây dựng hàng rào điện tử giữa Bắc và Nam Việt Nam, năm 1967.
Trong khoảng 3 năm (1968-1972) trung bình mỗi ngày có 22-30 phi vụ oanh kích của B.52 trên dãy Trường Sơn.
Những con đường trơ trụi vì chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học hủy diệt.
Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho miền Nam với khẩu hiệu 'Tất cả vì miền Nam ruột thịt".
Cua chữ A trong trọng điểm ATP phía tây Quảng Bình trên đường 20 Quyết Thắng.
Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải anh hùng (Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559) vận chuyển hàng tại đường Kín (rừng Săng Lẻ) từ Phân trạm C (gần Cua chữ A) đến Ka Tốc (Lào) tháng 2/1972.
Trong suốt cuộc chiến tranh, đường Hồ Chí Minh luôn trở thành trọng điểm đánh phá quyết liệt của địch bằng đủ các loại vũ khí hiện đại và tối tân nhất. Mỹ - Ngụy đã mở nhiều chiến dịch lớn với hàng trăm chiếc máy bay rải chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển, gần 4 triệu tấn bom đạn và các loại mìn ném xuống Trường Sơn nhằm phá đường, tiêu diệt các đoàn xe, hủy diệt mọi sự sống đến mức "rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn".
Nữ cán bộ chiến sĩ đường Trường Sơn.

(theo Dân trí)