📞

Những khoảnh khắc của Lê Vượng

08:31 | 06/04/2015
Sống gần trọn thế kỷ và hơn 70 năm đồng hành với chiếc máy ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng mới ra mắt cuốn sách ảnh của riêng mình. Đó chính là những khoảnh khắc mà theo ông, chúng “đẹp tự nhiên, không tô vẽ và không dùng đến kỹ thuật số”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vương tại căn phòng lưu giữ những tấm ảnh vượt thời gian.

Những khoảnh khắc do Picture Art Foundation và Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản dày 236 trang chứa đựng những hình ảnh tích lũy của nghệ sĩ Lê Vượng. Trong hàng vạn tác phẩm có giá trị về đề tài ngợi ca đất nước, con người Việt Nam, ông chỉ chọn lựa khoảng 200 tác phẩm tiêu biểu để đưa vào cuốn sách này với hai phần: Dặm dài đất nước và Những sắc màu dân tộc. Có thể nói, đây chính là cuốn sách thuộc hàng sách ảnh in đẹp nhất ở Việt Nam và thực sự là một công trình nghệ thuật không chỉ có giá trị trong nước mà còn hữu ích với bạn bè quốc tế, đặc biệt với những người yêu và muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Người lưu giữ thời gian

Lê Vượng chia sẻ, ông tuổi ngựa (sinh năm Mậu Ngọ - 1918) nên rất thích đi đây đi đó. Ông sớm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh, một loại hình văn hóa thẩm mỹ đậm giá trị nhân văn, cô đọng ngôn ngữ tình cảm thị giác và dễ truyền cảm. Vì vậy, bước chân ông còn đặt lên nhiều xứ sở và ở đâu ông cũng tìm được sự kỳ diệu của cuộc sống không biết đến mệt mỏi hay tuổi già.

“Dặm dài đất nước” là những hình ảnh dọc theo suốt chiều dài đất nước từ Hà Giang đến Tây Nguyên và Nam Bộ. Có thể nhìn thấy dấu chân ông ở chòm Lũng Cú, trên cao nguyên đá Đồng Văn, ở sông Hương, đồi cát Mũi Né rồi ngược lên Tây Nguyên với hồ Lăk và trở về rừng tràm miền sông nước Cửu Long… Những gì ông ghi được trong máy ảnh đã nói lên cội nguồn văn hóa Việt với cuộc sống giản dị như Tịch mịch, Chiều về, Đền xưa, Thung lũng Sa Pa, Về bản...

Lê Vượng yêu thích những di sản văn hóa làng quê như cây đa, bến nước, đình làng cùng những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mà theo thời gian nay đã mai một đi nhiều. Đây cũng là lý do ông chọn tác phẩm Cội nguồn được chụp năm 1990, ghi lại hình ảnh cây đa Cổ Loa nghìn năm tuổi làm bìa cuốn sách. Những người yêu mến Hà Nội cũng có thể tìm thấy trong tập ảnh đen trắng của ông những phố nhỏ với tàu điện leng keng, gánh hàng rong và những nụ cười đôn hậu chất phác của người Hà Nội xưa.

“Những sắc màu dân tộc” là bộ ảnh được Lê Vượng thực hiện trong gần mười năm với hơn 70 bức đặc tả được hết trang phục, nhà ở, nhạc cụ, công cụ sản xuất của 54 dân tộc anh em. Bộ ảnh quý bởi con người, trang phục còn giữ lại được những nét cổ truyền, nguyên sơ và không lai căng. Lê Vượng kể rằng, trong chuyến đi sáng tác ở Hà Giang, ông đã gặp một nhóm cô gái Pà Thẻn, Dao Đỏ đi hội về. Màu sắc rực rỡ của họ giữa núi rừng xanh ngát đã mang lại cho ông bức ảnh giá trị mang tên Quê hương.

Ở một tấm ảnh khác, Lê Vượng lại chụp phía sau một đoàn thôn nữ trong lễ hội cầu mùa. Cái hóm hỉnh của ông là muốn diễn tả vạt sau của tấm áo rành rẽ hai thân được nối vào nhau của loại áo đổi vai - tấm áo tứ thân hay bị rách phần vai áo do lao động gồng gánh. Tấm áo đổi vai đã nói lên tất cả sự tần tảo, đảm đang và tiết kiệm của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Con ong tạo mật ngọt

Khi tâm sự về nghề nhiếp ảnh, Lê Vượng đã ví ông cùng những đồng nghiệp là người đãi cát tìm vàng và giống như con ong cần mẫm tạo mật cho đời. Với ông, mật ngọt đến từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ẩn hiện trong làn sương sớm, áng mây lững lờ, vệt nắng trải dài trên vách tường đất. Mật ngọt cũng đến từ những khuôn hình người Việt cần cù lao động, ứng xử văn hóa, chiều sâu tâm thức... Tất cả hòa quyện, ngưng đọng thuần khiết trên từng tác phẩm mà ông gọi đó là những khoảng khắc đẹp.

Theo ông, nhiếp ảnh cũng không phải là cuộc dạo chơi kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà đòi hỏi nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc và khoa học. Với điều kiện khó khăn và công nghệ nhiếp ảnh thời trước, có khi ông phải đi mất cả tháng ở địa bàn mới cho ra được tấm hình ưng ý. Ngày nay, các nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều thuận lợi, được đào tạo bài bản và tiếp xúc công nghệ hiện đại hơn, nhưng nghề nghiệp này vẫn đòi hỏi ở họ niềm đam mê thực sự. Lê Vượng cho biết, thói quen trước khi chụp ảnh, ông thường suy nghĩ, ngắm khuôn hình rất lâu và khi đã bắt được khoảnh khắc quan trọng, ông bấm máy liên tục để lưu giữ nó trọn vẹn.

Một điều đặc biệt nữa là ảnh của ông luôn giàu chất hội họa. Lý do là Lê Vượng yêu thích hội họa từ nhỏ (chú ông là họa sĩ Lê Phổ nổi tiếng) và ông từng làm việc nhiều năm cùng các họa sĩ tại Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Xuất bản cuốn sách này, ông cũng muốn tri ân tới những người bạn nghề thân thiết đã gắn bó, giúp đỡ ông trong cuộc hành trình thực hiện những tác phẩm trên suốt chiều dài đất nước.

AN BÌNH

“Từ khi nhiếp ảnh ra đời, về mặt nghệ thuật có rất nhiều trường phái và khuynh hướng: hiện thực, siêu thực, trừu tượng, đa đa, ghép ảnh… cho đến nghệ thuật khái niệm hiện đại. Lê Vượng không chạy theo trường phái nào cả, ảnh ông tìm cái đẹp cổ điển chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, nhất là ảnh phong cảnh”.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng sinh năm 1918 tại Hà Nội. Ông có nhiều triển lãm nổi tiếng trong nước và quốc tế như Triển lãm Nhìn từ Hàn Quốc tại Hà Nội năm 1999, Triển lãm Nhật Bản – Đất nước hoa anh đào tại Hà Nội năm 2008, Triển lãm hình và trang phục của 54 dân tộc Việt Nam tại Paris, Pháp vào tháng 7/2014… Ông cũng có hàng chục tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, được phong tặng tước hiệu nghệ sĩ xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nghệ sĩ A-FIAP của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế và nhiều huy chương văn hóa nghệ thuật khác...