Phó giám đốc Viện châu Mỹ Latin, Viện hàn lâm khoa học Nga, Dmitry Rozental cho rằng quyết định trở về là bước đi gây hiệu ứng chính trị mạnh mẽ từ phía ông Guaido. Việc ông xuất hiện tại thủ đô Caracas và thu hút mọi sự chú ý sẽ khiến chính quyền Venezuela phải đi đến một quyết định nào đó. Bên cạnh đó, theo ông Rozental, nếu ông Guaido không trở về thì tỷ lệ ủng hộ ông sẽ giảm, “một thủ lĩnh đối lập ở nước ngoài khác hẳn một thủ lĩnh ở trong nước, ở bên cạnh những người ủng hộ mình” - ông Rozental nói.
Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido tham gia cuộc họp của Nhóm Lima Bogota, Colombia. (Nguồn: Reuters) |
Ông Guaido trở về nước có sự tháp tùng của các Đại sứ Pháp, Đức, Romania, Hà Lan, Argentina và Brazil. Đây là lý do ông đã không bị bắt như chính quyền đe dọa trước đó. Một lý do khác là những đe dọa từ phía Mỹ, cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh John Bolton đã dọa sẽ có “những biện pháp kiên quyết” với Chính phủ Venezuela nếu ông Guaido không được hồi hương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì cảnh báo Mỹ sẽ có “phản ứng tức thì” để đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào đối với ông Guaido.
Ba kịch bản khả thi
Trước mắt, Venezuela đang đứng trước các kịch bản sau: Thứ nhất là kịch bản bầu cử. Bầu cử trước thời hạn quả thật có thể trở thành lối thoát tốt nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Về lý thuyết, Tổng thống đương nhiệm Nikolas Maduro không phản đối bầu cử dù ông cho rằng ông có thể tại vị đến năm 2025. Tuy nhiên, trong lời phát biểu mới đây, ông Maduro không giấu được những mỉa mai: “Cứ để anh hề tự phong ấn định bầu cử để rồi bị thất cử mà thôi”. Thêm vào đó, Ủy ban bầu cử quốc gia lại thuộc quyền kiểm soát của ông Maduro. Washington cũng yêu cầu Venezuela tổ chức bầu cử và chính quyền Venezuela cho rằng nếu bầu cử diễn ra, điều đó có nghĩa là chính quyền đã “cúi đầu” trước sức ép của Mỹ.
Kịch bản thứ hai là ông Maduro ra đi và chuyển giao chính quyền. Nhiều người phản đối ông Maduro cho rằng việc ông ra đi tự nguyện cũng là lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp đó, Phó Tổng thống Delma Rodriges có thể trở thành quyền tổng thống. Bà có kinh nghiệm đàm phán với phe đối lập và có khả năng trở thành nhân vật được cả hai bên chấp nhận. Tuy nhiên, chính quyền hiện tại vẫn được quân đội ủng hộ. Sự ủng hộ này không chỉ dành cho cá nhân ông Maduro mà cho cả chế độ chính trị của Venezuela. Kịch bản thứ ba là đảo chính quân sự.
Nguy cơ đảo chính quân sự tại Venezuela vẫn luôn tồn tại vì quân đội đóng vai trò chính trị quan trọng ở đất nước này. Năm 2002, quân đội đã từng tổ chức đảo chính để lật đổ cố Tổng thống Chaves. Tuy nhiên, ông Chaves đã lật ngược thế cờ cũng nhờ vào sự ủng hộ của một số quân nhân chống lại phe đảo chính. Hiện nay chưa có quan chức quân đội nào đứng về phía ông Guaido mặc dù tình hình có thể thay đổi trong thời gian tới. Lúc đó các quan chức quân đội cao cấp sẽ cần một sự bảo đảm không truy cứu từ phía chính quyền mới.
Lực lượng an ninh Venezuela chặn những người ủng hộ phe đối lập khi họ cố gắng vượt qua biên giới với Colombia tại cầu Simon Bolivar ở ngoại ô Cucuta, Colombia, ngày 23/2. (Nguồn: Reuters) |
Kịch bản thứ ba là sự can thiệp quân sự của Mỹ. Mỹ đã nhiều lần bóng gió với Venezuela về khả năng can thiệp của Washington. Lần đầu tiên là từ phía cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ John Bolton. Tại một cuộc họp báo, ông Bolton xuất hiện một cách tình cờ với cuốn sổ tay có dòng chữ: “5.000 binh sỹ đến Colombia”. Tín hiệu được hiểu là sức ép. Tuy nhiên, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Venezuela sẽ khiến nhiều quốc gia khu vực chống lại Washington. Khu vực này còn nhớ rõ các cuộc can thiệp của Mỹ từ thế kỷ trước cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với các chế độ độc tài và bán phát xít ở châu Mỹ latin. Do đó, Mỹ không dám can thiệp và tìm kiếm cơ hội mở một liên minh chống lại ông Maduro để biến can thiệp thành sáng kiến của quốc tế. Tuy nhiên, các nước Mỹ latin trong nhóm Lima chưa ủng hộ sáng kiến này.
Cuối cùng là kịch bản nội chiến. Đây là kịch bản khó khả thi nhất, song không thể loại trừ. Hỗn loạn chính trị có thể leo thang thành xung đột vũ trang giữa hai phe cánh tả và cánh hữu. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela Temir Porras Ponceleon đã từng cảnh báo trên tờ Guardian (Anh), chỉ ra thất bại kinh tế của ông Maduro và nhận xét: “Tình trạng phân cực chính trị tại Venezuela có thể dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu…”. Ông Ponceleon cũng cho rằng nhờ cá nhân ông Maduro mà chủ nghĩa “chavismo” (tư tưởng của cố Tổng thống Hugo Chavez) được hàng triệu người ủng hộ. Chính hành động gây hấn của Mỹ đã giúp ông Maduro có một sự ủng hộ nhất định.