Khi Thế chiến II kết thúc với sự đầu hàng của Đức Quốc xã vào tháng 5/1945, Kennan đang làm việc tại Sứ quán Mỹ ở Mátxcơva. Clementine Churchill, phu nhân của Thủ tướng Anh Winston Churchill, đang có chuyến thăm Hội chữ thập đỏ của Nga. Tại Mátxcơva, Bà Churchill đã được Frank Roberts, đại biện lâm thời của Anh tiếp đón.
Lúc đó, tình bạn giữa Kennan và Roberts vượt ngoài khuôn khổ đơn thuần của ngoại giao. Họ từng gặp nhau tại Lisbon năm 1943. Quan hệ của họ thân thiết đến mức Kennan nói với Roberts rằng Mỹ và Anh chỉ cần đặt một sứ quán ở Mátxcơva là đủ.
Tình bạn giữa Kennan và Roberts với nhà sử học Isaiah Berlin chính là mấu chốt của Bức điện dài mà Kennan gửi đến Washington tháng 2/1946. Xét quan hệ của ba nhà ngoại giao này, có thể nhận thấy khoảnh khắc lịch sử khi họ mở cánh cửa của cuộc Chiến tranh Lạnh. Vai trò lịch sử của Kennan trong nền ngoại giao quốc tế cũng bắt nguồn từ tình bạn của ông tại Mátxcơva.
Berlin ở Mátxcơva
Tháng 8/1945, Isaiah Berlin đến Mátxcơva. Là học giả từng giảng dạy tại Đại học Oxford, Berlin làm việc tại Sứ quán Anh ở Washington với tư cách là người phân tích tình hình chính trị trong suốt thời gian chiến tranh. Vì ấn tượng với khả năng đặc biệt của Berlin, Đại sứ Clark Kerr mời ông sang làm việc tại Sứ quán Anh ở Liên Xô. Berlin sinh ra tại Riga, lớn lên tại Petrograd (sau này là Leningrad, bây giờ là St.Petersburg), nên ông được xem là tài sản vô giá trong đội ngũ phân tích tình hình Liên Xô.
Thời điểm đó, Liên Xô là một xã hội chặt chẽ, người bên ngoài khó có thể hiểu được bối cảnh trong nước đang đối mặt với nhiều rào cản. Berlin đã chỉ ra được điều này trong bức điện tín ông gửi đến Anh, rằng điều kiện ở đó “mặc cho các nhiệm vụ của phương Tây tự xung khắc với nhau”, và rằng các quan chức ngoại giao và người nước ngoài “sống như trong sở thú”. Nhận xét này trái ngược với quan điểm lạc quan của Ngoại trưởng Mỹ James F.Byrnes, người xem Liên Xô là đồng minh chiến tranh và có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác sau chiến tranh. Tại Mátxcơva, Kennan đã chỉ trích những tranh cãi lạc quan thiếu căn cứ về hợp tác với Liên Xô. Tuy nhiên, ngay cả khi Kennan thành thạo tiếng Nga thì việc dám bước ra ngoài “sở thú ngoại giao” để thu thập đầy đủ thông tin tình báo về bối cảnh bên trong Liên Xô gần như chỉ là ảo tưởng...
Vào tháng 10/1945, Ngoại trưởng Anh nhận một bản báo cáo có tiêu đề Những cảm tưởng về Liên Xô của ông Isaiah Berlin. Đây là bản phân tích tốt nhất về tình hình nội bộ Liên Xô, trong đó có những mô tả chi tiết về hàng loạt các sự kiện và phát triển. Tháng 11 năm đó, Berlin đến thăm Leningrad. Đây là lần đầu tiên ông trở lại thành phố này kể từ khi ra đi năm 1919. Ảnh hưởng của Cách mạng Nga đã buộc gia đình ông di tản sang Anh. Tại đây, Berlin đã gặp và trò chuyện cởi mở với rất nhiều học giả, nghệ sĩ. Với hiểu biết sâu sắc về văn hóa, những kỹ năng phân tích thông minh sắc sảo, ông đã viết nên một bản phân tích đáng chú ý về tình hình phổ biến của Liên Xô lúc đó. Bản báo cáo có nhan đề Ghi chép của Berlin trong chuyến thăm đến Leningrad nói đến “những sự đàn áp về giáo dục và văn hóa khắc nghiệt, và một xã hội đang ngày càng bị áp bức và cô lập”.
Yếu tố quan trọng lúc này chính là cách ứng xử của Berlin với những người trong giới nghệ thuật Liên Xô đang chịu sự giám sát của Kremlin. Chính phủ Xô viết coi Berlin là gián điệp của Anh, do đó các hoạt động của ông trong Liên Xô đều mang tính khiêu khích Kremlin. Trong chuyến đi của Berlin đến Leningrad, nhà thơ Nga Nanna Akhmatova nói với ông rằng cuộc gặp của họ đã chọc giận Stalin và do đó vô tình dẫn đến việc “châm ngòi chiến tranh lạnh”. Theo Berlin, Akhmatova tin rằng họ chính là người “đã thay đổi lịch sử của nhân loại”.
Báo cáo của Berlin khiến Frank Roberts vô cùng kinh ngạc. Roberts đã đưa Kennan xem bản báo cáo. Kennan và Berlin sau đó đã kết giao hữu hảo cho đến cuối đời.
Roberts rất coi trọng tài năng đặc biệt của Berlin, bởi “Từ những phẩm chất và kiến thức xuất sắc và vốn ngôn ngữ của mình, ông có thể thâm nhập sâu vào xã hội một cách rất tự nhiên, xây dựng những mối quan hệ thân thiết thực sự, đặc biệt với những nhà văn đình đám của Liên Xô”. Nhờ đó Berlin có thể thu thập thông tin một cách đầy đủ về đời sống Liên Xô đúng như ý muốn của Chính phủ Anh.
Vĩnh Tiến (Theo Gaiko Forum)
Kỳ cuối: Bước ngoặt từ “Bức điện dài”