📞

Những làn sóng mới trên thị trường bán lẻ

21:55 | 07/01/2015
Đứng trước làn sóng tấn công ồ ạt của những ông lớn nước ngoài, nhiều nhà bán lẻ nội địa đã chủ động hơn và không còn quanh quẩn với câu hỏi, liệu có để rơi sân nhà vào tay các doanh nghiệp ngoại mà đã bắt đầu có những hướng đi mới với tư thế cạnh tranh bình đẳng.
Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà - cổ đông chính của Hiway đã quyết định chuyển hướng tìm vận may với bộ nhận diện mới – SapoMart.

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một trong những thị trường sôi động và giàu tiềm năng nhất khu vực Châu Á do nguồn dân số trẻ, năng động và nền kinh tế Việt Nam cũng đang hội nhập ngày càng sâu với thế giới.

Ngành bán lẻ năm vừa qua đã chứng kiến không chỉ một cuộc đua mở rộng chuỗi mà còn là những vụ mua bán sáp nhập đình đám với quy mô hàng trăm triệu USD. Đầu năm 2014, đại gia bán lẻ của Nhật Bản Aeon đã có màn ra mắt khá ấn tượng khi khai trương siêu thị rộng trên 70.000 m2 tại TP.HCM. Chưa đầy một năm, thương hiệu này tiếp tục mở thêm siêu thị với quy mô tương tự tại tỉnh Bình Dương và dự kiến sẽ tiến quân ra thị trường phía Bắc với việc khai trương siêu thị tại Hà Nội vào tháng 9/2015. Ấn tượng nhất phải kể đến Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Tập đoàn này đã gây sốc khi bỏ ra 655 triệu EUR (khoảng 879 triệu USD) để thâu tóm 19 trung tâm phân phối và bất động sản liên quan tại nhiều tỉnh, thành phố của Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử kinh doanh lĩnh vực phân phối Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, đứng trước làn sóng tấn công ồ ạt của những ông lớn nước ngoài, nhiều nhà bán lẻ nội địa đã chủ động hơn và không còn quanh quẩn với câu hỏi, liệu có để rơi sân nhà vào tay các doanh nghiệp ngoại mà đã bắt đầu có những hướng đi mới với tư thế cạnh tranh bình đẳng.

Việc mua bán, sáp nhập đối với thị trường bán lẻ trong nước không chỉ diễn ra đối với doanh nghiệp FDI mà cả với doanh nghiệp trong nước khi Tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (thành viên của OceanGroup - Tập đoàn Đại Dương).

Vingroup đã đồng loạt khai trương 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích đầu tiên mang tên VinMart. Những siêu thị và cửa hàng tiện ích này đều nằm tại các khu vực đông dân cư và có vị trí giao thông thuận lợi, như Trung tâm thương mại Royal City, Trung tâm thương mại Times City, Khu đô thị Trung Hòa, Khu đô thị Xa La Hà Đông, Làng Quốc tế Thăng Long, Trung tâm văn hóa thể thao giải trí StarBowl, Mỹ Đình…

Trong kế hoạch của người khổng lồ Vingroup, trong vòng 3 năm tới, hệ thống chuỗi 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện ích VinMart trên cả nước sẽ được tập đoàn này rốt ráo thực hiện, có thể họ sẽ tự đầu tư, hoặc thông qua các giao dịch M&A.

Gần đây nhất, ngày 6/1/2015, Công ty CP Hiway Việt Nam đã chính thức công bố về việc thay đổi nhận diện thương hiệu, từ Hiway SupperCenter thành hệ thống siêu thị SapoMart nhằm hướng tới định vị hệ thống siêu thị thân thiện, chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Sau ba năm hoạt động, hệ thống siêu thị hiện đại của Công ty CP Hiway Việt Nam với diện tích mua sắm đạt chuẩn từ 3.000m2 - 12.000m2 và hơn 30.000 mặt hàng đã phần nào khẳng định thương hiệu trên thị trường bán lẻ, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Tuy nhiên trước sự gia nhập ồ ạt của nhiều đại gia bán lẻ ngoại như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)…vượt trội về kinh nghiệm và tài chính, Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà - cổ đông chính của Hiway đã quyết định chuyển hướng tìm vận may với bộ nhận diện mới – SapoMart

Chia sẻ với báo giới về mô hình kinh doanh của SapoMart, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hiway Việt Nam cho biết: “Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vô cùng khốc liệt, nhất là đối với các siêu thị do doanh nghiệp Việt tạo dựng lên. Nhược điểm của các công ty Việt Nam thường ít vốn, non kinh nghiệm so với các công ty đa quốc gia. Nhưng chúng tôi tự tin có lợi thế am hiểu về văn hóa bản địa, chính vì vậy chúng tôi thay đổi nhận diện thương hiệu theo hướng này và sẽ biến đây trở thành mũi nhọn tấn công thị trường bán lẻ”.

Cũng theo ông Hà, thời gian tới, chuỗi siêu thị này dự định sẽ tập trung vào phân phối hàng Việt, hạn chế tối đa lệ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Trong thời gian tới, Công ty này sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị lên 10 siêu thị trong hai năm 2015 và 2016. Công ty cũng đăt tham vọng với mục tiêu trở thành top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đến năm 2020.

Theo ông Vaughan Ryan – Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, các nhà bán lẻ nội địa vẫn luôn có thế mạnh trên thị trường. “Nếu nhìn vào các nước xung quanh như Phillipines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, các nhà bán lẻ nội địa ở các nước này vẫn đang giữ vai trò thống lĩnh thị trường. Trên thế giới, các nhà bán lẻ nội địa vẫn là những nhà bán lẻ số 1, rất khó để các nhà bán lẻ đến từ các nước khác bắt kịp. Vì vậy, thay vì đề phòng, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nhà bán lẻ quốc tế để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dùng Việt Nam”, ông Ryan nhận định.

Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường bán lẻ năm 2015 sẽ chứng kiến một cuộc sàng lọc triệt để hơn khi thị trường sẽ chỉ còn các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh và ngành bán lẻ Việt Nam cũng sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi bắt đầu từ ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài và khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực.

Diễn Tú