📞

Những loại động vật nào từng thoát tuyệt chủng nhờ nuôi nhốt?

Hương Trâm 08:00 | 12/11/2020
TGVN. Trong nỗ lực bảo tồn động vật có nguy cơ tuyệt chủng, các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới đã chung tay xây dựng những chương trình nuôi nhốt nhân giống trong nhiều năm. Nỗ lực đó đã cứu được nhiều loài động vật như rùa khổng lồ Galapagos, thần ưng Californi hay khỉ vàng sư tử Tamarin.

Quỹ động vật hoang dã thế giới cảnh báo, nhiều quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm trung bình 68% chỉ trong hơn bốn thập kỷ.

Theo Lesley Dickie, Giám đốc điều hành của Durrell Wildlife Conservation Trust, một tổ chức từ thiện của Anh được thành lập để cứu các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các loài động vật trên khắp thế giới đang phải đối mặt với việc mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Ông Dickie cho rằng, chương trình nuôi nhốt nhân giống là nỗ lực cuối cùng để cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên, hoặc có số lượng quá ít để duy trì một quần thể hoang dã.

Một thách thức khác trong vấn đề này là việc đảm bảo động vật được thả vào tự nhiên biết cách tự bảo vệ mình trong môi trường xa lạ, theo chuyên gia về động vật hoang dã Rachel Plotkin. Chuyên gia này cho biết thêm, việc nhân giống sẽ không có tác dụng nếu không có giải pháp cho tình trạng suy thoái môi trường sống - nguyên nhân gốc rễ của sự suy giảm số lượng loài.

Cả bà Plotkin và ông Dickie đều đồng ý rằng, một số loài động vật sẽ không thể tồn tại trong tự nhiên ngày nay nếu không nhờ nỗ lực của các chương trình nuôi nhốt nhân giống.

Dưới đây là 6 ví dụ về các loài động vật đã thoát tuyệt chủng nhờ nuôi nhốt.

Thần ưng California

Một chú thần ưng California ở Marble Gorge, phía đông Công viên Quốc gia Grand Canyon, tháng 3/2007. (Nguồn: CNN)

Thần ưng California gần như bị xóa sổ vào những năm 1980. Hoạt động săn bắn con người và bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu độc hại DDT đã khiến số lượng thần ưng giảm đáng kể.

Năm 1988, chỉ còn lại gần 30 cá thể thần ưng California trong tự nhiên, chúng đã được bắt giữ đưa đến sở thú San Diego và sau 4 năm, số lượng thần ưng California đã tăng gấp 10 lần, lên 330 con vào năm 1992.

Khỉ vàng sư tử Tamarin

Khỉ vàng sư tử Tamarin. (Nguồn: CNN)

Vào những năm 60 và 70, loài khỉ vàng sư tử Tamarin đã bị đẩy đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Loài khỉ chỉ có thể được tìm thấy ở bang Rio de Janeiro (Brazil) là nạn nhân của hoạt động phá rừng và buôn bán động vật trái phép.

Số lượng loài đã từng rơi vào mức báo động, chỉ còn vài trăm cá thể cho đến khi gần 150 vườn thú hợp lực để cứu loài khỉ này.

Gần 150 vườn thú đã bắt đầu một chương trình nhân giống nuôi nhốt toàn cầu và hợp tác cùng các nhà bảo tồn sinh học tại Brazil để bảo vệ môi trường sống tự nhiên của loài khỉ và giúp tăng số lượng khỉ vàng sư tử lên tới hơn 3.500 con trong tự nhiên.

Linh dương Saudi Arabia

Linh dương Saudi Arabia. (Nguồn: CNN)

Loài linh dương với cặp sừng dài, thẳng và khuôn mặt đặc biệt này từng lang thang khắp Saudi Arabia. Nhưng đến đầu những năm 1970, linh dương Saudi Arabia bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng trong tự nhiên.

Trước tình trạng số lượng linh dương giảm sút nặng nề, vào đầu những năm 1960, Tổ chức Bảo tồn Động vật Thế giới đã phát động "Chiến dịch Linh dương" để cứu loài vật này. Vườn thú Phoenix (Mỹ) đã tiên phong trong chiến dịch và bắt đầu một chương trình nhân giống thành công chỉ với 9 cá thể linh dương.

Khi chương trình nhân giống ngày càng phát triển, vào đầu những năm 1980, linh dương đã được đưa trở lại các sa mạc ở miền Trung Oman. Hiện có hơn 1.000 con linh dương sống trong tự nhiên và được trở lại với cuộc sống hoang dã ở Saudi Arabia, Jordan và UAE.

Ngựa hoang Mông Cổ

Ngựa hoang Mông Cổ. (Nguồn: CNN)

Là một họ hàng xa với ngựa thông thường, loài ngựa hoang này từng sống trên khắp các đồng cỏ ở Trung Á, nhưng việc mất đi môi trường sống và bị săn bắn khiến chúng gần như bị tuyệt chủng vào những năm 1960.

Năm 1977, Tổ chức Bảo tồn và Bảo vệ Ngựa Mông Cổ bắt đầu các chương trình trao đổi ngựa giữa các vườn thú trong nỗ lực cải thiện sự đa dạng di truyền của loài này.

Tới năm 1992, 16 con ngựa đã được thả vào tự nhiên ở Mông Cổ, và kể từ đó chúng đã được du nhập vào Trung Quốc và Kazakhstan. Hiện chúng vẫn được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng, ước tính có khoảng 2.000 con sống ngoài tự nhiên.

Chim cắt Mauritius

Chim cắt Mauritius. (Nguồn: CNN)

Năm 1974, chim cắt Mauritius từng là loài chim hiếm nhất trên thế giới, khi chỉ còn 4 cá thể trong tự nhiên. Điều này là kết quả của hoạt động tàn phá môi trường, lạm dụng thuốc trừ sâu và sự du nhập của các loài động vật di cư.

Một chương trình nhân giống ở đảo Mauritius (châu Phi) đã thành công lấy trứng của loài chim khỏi tổ và cho nở trong lồng ấp nhân tạo.

Đến năm 2000, dân số loài này tăng lên khoảng 800 con. Với chỉ khoảng 200 cá thể trong tự nhiên, chim cắt Mauritius hiện vẫn được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.

Rùa khổng lồ Galapagos

Chú rùa Deigo 130 tuổi đã gây xôn xao vào đầu năm nay khi đã cứu giúp toàn bộ giống loài khỏi sự tuyệt chủng trong tự nhiên. (Nguồn: The New York Times)

Năm 1960, quần thể rùa khổng lồ trên quần đảo Galapagos, ngoài khơi bờ biển Ecuador, đã giảm xuống chỉ còn 15 cá thể. Ngay sau đó, những con rùa còn sống trên cạn đã được đưa đến một trung tâm nuôi nhốt trên đảo Santa Cruz gần quần đảo Galapagos với mục đích nhân giống loài này.

Đây một sáng kiến khuyến khích các loài đông vật hiếm sinh sản với mục đích đưa cá thể con ra môi trường tự nhiên, từ đo phục hồi số lượng các quần thể đang trên bờ vực tuyệt chủng. Kể từ đó, hơn 2.000 con rùa được nuôi dưỡng tại trung tâm đã được trả về hòn đảo quê hương của chúng.

Diego, chú rùa được chuyển từ Vườn thú San Diego đến đảo Santa Cruz để tham gia chương trình nhân giống. Rùa Diego đã sinh ra khoảng 800 con rùa - chiếm 40% dân số rùa khổng lồ Galapagos ngày nay.

(theo CNN)