Cái sự học đêm này đã vun đắp cho hàng ngàn học sinh Tam Nông thi đỗ vào ĐH-CĐ, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy buồn.
Những lớp học kỳ lạ
Để “tận mục sở thị” những lớp học đêm kỳ lạ này, chúng tôi đã “giả trang” thành học sinh đi luyện thi môn Văn. Đêm 2-5, trời đổ mưa rào, hoà vào dòng học sinh đông đúc, chúng tôi mò mẫm đi trên những bậc cầu thang cũ kỹ để vào lớp. Đường trơn, trời tối, tôi suýt vấp ngã, một học sinh nhắc khẽ: "Ở đây muốn không ngã phải đếm bậc mà đi". Hỏi sao không mua đèn pin soi đường cho dễ đi, cô bé cười: "Học từ thứ 2 đến thứ 6, tiền mua pin tốn lắm”.
Lớp luyện thi môn Văn là một phòng học rộng chừng 30m2, ẩm mốc và nóng nực. Trong căn phòng đó có tới gần 50 học sinh cắm cúi học bài. 4 chiếc đèn Neon được thắp sáng bằng thứ điện yếu ớt phổ biến của các vùng quê không đủ soi rõ chữ cho học sinh viết bài. Điện yếu khiến bốn chiếc quạt trần cũng chỉ quay lờ đờ, học trò ai nấy mồ hôi đổ ròng ròng. Ngồi cạnh tôi, Nguyễn Văn Hùng tự giới thiệu mình là “học sinh lớp 13” (thi trượt ĐH 1 năm) than: "Nhiều lúc ngồi học không thể tập trung được vì nóng, muỗi và mệt". 8 giờ tối, có lẽ ai nấy cũng trong tâm trạng như Hùng, nên 1/4 số học sinh trong lớp bắt đầu gục xuống vì mệt mỏi và buồn ngủ…
Nhưng lớp học Văn này chưa phải là đã “kinh hoàng” nhất. Trường THPT Tam Nông còn có 5 phòng học "2 không": không cửa, không quạt (được cải tạo từ dãy nhà xe sau nhà học chính). Học sinh vừa học, vừa phải quạt chống nóng, vừa phải bịt mũi vì mùi xú uế kinh khủng bốc ra từ mấy nhà vệ sinh ở ngay cạnh.
Tâm huyết của thầy, nỗ lực của trò...
“Vì sao học sinh phải ôn thi, luyện thi ban đêm khốn khổ như vậy?”, câu hỏi này có lẽ quá quen thuộc với ông Phạm Hữu Đức - Hiệu trưởng trường THPT Tam Nông. Ông Đức bày tỏ: Trường THPT Tam Nông được xây dựng năm 1975 và chưa từng được mở rộng trong 33 năm qua. Toàn trường chỉ có 24 phòng học, trong khi có tới hơn 50 lớp học của cả hai trường THPT Tam Nông và trường THPT bán công Tam Nông.
Đây có lẽ cũng là một trong những địa phương hiếm hoi mà 2 trường THPT phải sử dụng chung một cơ sở vật chất. Ông Đức trầm ngâm: "Phòng học chỉ có vậy trong khi nhà trường lại phải "gánh" liền một lúc 3 trọng trách: bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện thi tốt nghiệp, thi Đại học và kèm cặp để nâng cao kiến thức cho đối tượng học sinh yếu kém, nên buộc lòng phải tổ chức học thêm cho các em vào buổi tối. Kêu mãi Sở GD-ĐT cũng đã lập dự án xây trường mới (6 tỷ đồng) nhưng chưa có vốn cấp về nên thầy trò vẫn ngày đêm trông ngóng".
Tuy nhiên, những lớp học đêm này được duy trì cũng là nhờ có “thương hiệu”. Ông Đỗ Thái Ngọ - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tam Nông cho biết: "Cách đây 10 năm, khi tôi mới về trường dạy học, cả khu vực này không ai biết đến hai từ “Đại học", học sinh nửa ngày học, nửa ngày cày ruộng, sức học rất yếu. Tôi đứng ra xin Sở cho mở lớp dạy thêm để kèm cặp cho các em vào buổi tối. Ban đầu lớp chỉ có 8 em, vất vả tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng kết quả rất tốt: 8 em đều đỗ Đại học.
Sau đó, từ các lớp học thêm, số em thi đỗ tốt nghiệp và đỗ Đại học hàng năm cứ tăng dần”. Hai năm gần đây, khi cuộc vận động "2 không" càng ngày càng siết chặt nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường THPT Tam Nông vẫn đạt 100%, tỷ lệ đỗ Đại học đạt trên 40%. Tiếng lành đồn xa, cho đến nay, học sinh các huyện lân cận như Thanh Sơn, Hạ Hoà, Cẩm Khê, Lâm Thao... đều tới đây học, chiếm tổng số 20% số học sinh học đêm ở khu vực này.
...và chuyện buồn học đêm
Màn đêm bao giờ cũng bất trắc. Những học sinh hiếu học đi học đêm hiện phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Chuyện học sinh nữ ban đêm đi đường quê bị trêu chọc là chuyện thường xuyên, nhiều em còn bị thanh niên làng nhào ra sàm sỡ. Ngoài ra, một số học sinh đã gặp những tai nạn thương tâm. Vừa qua, một học sinh xấu số tên Hiền đã bị xe máy đâm chết trong khi đi học tối. Một giáo viên cho biết: “Mỗi năm có khoảng 4-5 học sinh cả hai trường bị tai nạn chết, trong đó có trường hợp tử vong do tai nạn khi đi học tối”.
Đi đêm nguy hiểm nên dù nhà cách trường chỉ khoảng 5-10km, nhiều phụ huynh cũng chạy vạy thuê nhà trọ cho con học ôn. Nguyễn Thanh Hằng- học sinh lớp 12E cho biết: “Lớp em có đến gần 80% học sinh trọ học. Hầu hết chúng em ở đây gia đình đều làm nông nghiệp, một tháng bỏ ra tiền trọ, tiền học cũng ngót nghét 5 trăm ngàn, bố mẹ xoay xở rất khó khăn. Để tiết kiệm, bọn em phải ở ghép 3-4 người/10m2. Khổ nhất là muỗi và điện yếu”.
Theo Nông Thôn Ngày Nay