Thành phố không carbon Masdar. |
Thành phố nổi Waterbuurt
Nếu nhìn từ trên cao, tổ hợp gồm 75 ngôi nhà mang tên Waterbuurt ở Đông Amsterdam (Hà Lan) trông giống như một khu dân cư ở ven sông với những dãy nhà nhiều tầng được làm bằng gỗ, nhôm và kính. Những ngôi nhà này có ghế dựa ở ban công và xe đậu ngay gần lối ra vào. Vào những dịp đặc biệt, người dân còn tổ chức tiệc mời bạn bè, hàng xóm tới chung vui. Mọi thứ đều giống như ngôi nhà bình thường khác trừ một điểm khác biệt: Mọi thứ đều nổi trên mặt nước.
Ý tưởng về thành phố nổi ở Amsterdam xuất phát từ tình trạng thiếu đất nghiêm trọng vào đầu thập niên 1990. Trong khi quỹ đất của thành phố đã dần cạn kiệt, dân số thành thị lại bắt đầu bùng nổ, các quan chức thành phố đã cho phép thực hiện dự án xây dựng quận đô thị mới trên các hòn đảo nhân tạo làm nơi sinh sống cho khoảng 45.000 người.
Năm 2001, bản thiết kế phác thảo của dự án thành phố nổi đầy tham vọng được hoàn thành, lấy ý tưởng từ các nhà thuyền nhiều tầng cổ xưa ở Amsterdam. Cuối năm 2009, dự án được hoàn thành. Không lâu sau, những cư dân đầu tiên chuyển đến và chẳng mấy chốc, Waterbuurt trở nên đông đúc không kém gì những khu phố trung tâm Amsterdam.
Các chuyên gia môi trường dự đoán, biến đổi khí hậu sẽ khiến cho mực nước biển tăng thêm ít nhất 0,9 m vào năm 2100, khiến hàng trăm thành phố nằm thấp hơn so với mực nước biển như Bangkok, London, Miami đứng trước rủi ro bị ngập lụt lớn kéo dài. Vì vậy, mô hình thành phố nổi như ở Amsterdam rất có thể là một giải pháp hiệu quả trong tương lai.
Thành phố không carbon Masdar
Thuộc Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Abu Dhabi không chỉ nổi tiếng bởi các mỏ dầu, những tòa nhà chọc trời với kiến trúc độc đáo, những khu mua sắm lộng lẫy mà tiếp tục sẽ là tâm điểm của thế giới trong tương lai với dự án thành phố không carbon Masdar - ốc đảo xanh giữa lòng sa mạc.
Trải dài trên diện tích 2,5 dặm vuông, sau khi hoàn thành vào năm 2020, Masdar sẽ là thành phố trung tính carbon đầu tiên của thế giới với khoảng 40.000 dân cư. Đặc biệt, thành phố sẽ tự vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.
Theo dự kiến, hoạt động tái chế và chuyển hóa năng lượng sẽ được tận dụng triệt để nhằm giảm lượng rác thải xuống mức gần bằng không, lượng carbon và khí thải công nghiệp thải ra thì hầu như không đáng kể. Để giảm thiểu lượng khí thải, thành phố sẽ không cho phép ô tô được lưu thông, thay vào đó là các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng mặt trời, có sức chứa khoảng sáu người với 1.500 trạm dừng dưới lòng đất. Các công viên và khu thương mại được thiết kế theo mô hình khu vườn Ảrập truyền thống ngập tràn màu xanh, khuyến khích người dân đi bộ. Những lối đi nhỏ giữa các tòa nhà được tận dụng để tranh thủ bóng râm và giảm nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Thành phố Masdar còn có kế hoạch thu năng lượng từ những ô năng lượng mặt trời lớn có hình dạng như những bông hoa. Trong ngày, các ô sẽ mở ra, lưu trữ năng lượng và cung cấp bóng mát cho người đi bộ. Vào ban đêm, các ô sẽ khép lại để tạo ra điện. Chu vi vùng ngoại ô cũng sẽ được bao quanh bởi một bức tường được thiết kế để ngăn những cơn gió nóng của sa mạc.
Thành phố công nghệ cao Songdo
Bắt đầu từ năm 2003, Hàn Quốc đã khởi động dự án xây dựng táo bạo mang tên Songdo - thành phố công nghệ cao của tương lai. Thành phố nằm trên một hòn đảo nhân tạo, cách Thủ đô Seoul 65 km và chỉ cách thành phố Incheon 11 km, dự kiến có 65.000 cư dân và thu hút gần 300.000 người làm việc. Đây là dự án bất động sản của tư nhân với quy mô lớn chưa từng có và tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ USD.
Toàn bộ thành phố được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh quốc tế, được chứng nhận hàng đầu về tiêu chuẩn năng lượng và môi trường. Trung tâm đô thị mới này sẽ được kết nối với sân bay quốc tế Icheon bằng cầu cao tốc dài bảy dặm và được kết nối với Seoul bằng tàu điện ngầm. Việc đi lại trong ngày tới các trung tâm kinh doanh chính của Trung Quốc và Nhật Bản rất dễ dàng. Dự kiến, hơn một phần ba dân số thế giới sống trong bán kính ba giờ rưỡi bay từ Songdo.
Bích Trâm (tổng hợp)