Nhỏ Bình thường Lớn

Những "mối lo" của Hội nghị An ninh Hạt nhân

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư bắt đầu diễn ra từ ngày 31/3 tại Washington với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng sự tham dự của đại diện từ 50 quốc gia trên thế giới.
nhung moi lo cua hoi nghi an ninh hat nhan
 

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư bắt đầu diễn ra từ ngày 31/3 tại Washington với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng sự tham dự của các đại diện từ 50 quốc gia trên thế giới.

Ngoài mục đích thảo luận biện pháp ngăn chặn các phần tử khủng bố đánh cắp, thu thập nguyên liệu hạt nhân, tăng cường các biện pháp chống nạn buôn lậu chất liệu nguy hiểm và tìm cách giảm các kho dự trữ uranium được làm giàu và chất plutonium đang phân tán trên thế giới, hội nghị còn tìm cách tăng cường an ninh mạng tin học của các trung tâm điện hạt nhân.

Tình hình mới, nguy cơ mới

Trong thông điệp lịch sử đọc tại Praha năm 2009 về ước vọng “một thế giới phi hạt nhân”, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Barack Obama đã cảnh báo rằng nguy cơ “tấn công hạt nhân” là mối đe dọa “gần nhất và nguy hiểm nhất” cho an ninh thế giới. Bảy năm sau, Hội nghị An ninh Hạt nhân lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh bi thảm, chỉ 10 ngày sau loạt đánh bom khủng bố kinh hoàng tại Brussels, cướp đi sinh mạng của 34 người và làm hàng trăm người khác bị thương, và thủ phạm là IS. Hội nghị lần này bị phủ bóng đen bởi nỗi lo sợ trước một số thông tin cho rằng một nhóm của IS ở Brussels dự kiến chế tạo “bom bẩn”, pha chất phóng xạ với chất nổ để gây thiệt hại nhiều hơn với hậu quả lâu dài hơn.

Hai ngày sau vụ khủng bố ở Brussels, điều phối viên Liên minh châu Âu chống khủng bố, Gilles de Kerchove, cảnh báo trên nhật báo “La Libre Belgique” (Bỉ) rằng một vụ tấn công bằng tin tặc, khống chế cơ quan vận hành một lò hạt nhân “có thể xảy ra trong vài năm tới đây”. Không che giấu về mối lo ngại này, Nhà Trắng đã đề nghị giúp Brussels bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân, trong khi quân đội Bỉ đã được bố trí phòng ngừa các điểm trọng yếu. Hội nghị lần này là cơ hội để các quốc gia trong liên minh quốc tế chống khủng bố xem xét tình hình mới và biện pháp đối phó.

Bài toán mang tên Triều Tiên

Dự kiến trong buổi nhóm họp bên lề Hội nghị tại Washington ngày 31/3, các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn Quốc sẽ thảo luận về việc Trung Quốc sẽ chấp hành lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) với Triều Tiên như thế nào. Cuộc họp ba bên này cũng là lần gặp gỡ đầu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc kể từ khi LHQ quốc áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Triều Tiên sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1/2016.

Mỹ và các nước đồng minh muốn áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc để gây sức ép đòi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng một số người vẫn còn hoài nghi về mức độ cam kết của Trung Quốc đối với đường lối này. Vấn đề Bắc Kinh có chấp hành những biện pháp chế tài quốc tế này hay không được xem là hết sức quan trọng, bởi 90% hoạt động mậu dịch của Triều Tiên là với Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói: “Trung Quốc và Triều Tiên có một mối quan hệ đặc thù về mặt kinh tế. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ thật sự đặt vấn đề này làm trọng tâm và chúng tôi hy vọng sự hợp tác đó của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên sẽ tiếp tục”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết ủng hộ các chế tài quốc tế, nhưng họ cũng nêu lên mối lo ngại là một số chế tài của LHQ có thể gây ra những tổn hại không cần thiết cho người dân Triều Tiên và tạo ra bất ổn cho khu vực. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề nghị áp dụng một đường lối song hành, theo đó cuộc đàm phán với Triều Tiên về một hòa ước sẽ diễn ra cùng lúc với các các cuộc thương thuyết về vấn đề phi hạt nhân hoá. Đề nghị này đi ngược với chủ trương của Mỹ và các nước đồng minh là Chính quyền Kim Jong-un phải ngừng chương trình hạt nhân trước khi tiến hành bất kỳ một cuộc đàm phán chính thức nào.

Cần hợp tác và phân công quốc tế

Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2010, 14 quốc gia đã loại bỏ các kho dự trữ chất liệu phóng xạ, trong khi một số quốc gia khác đã đẩy nhanh việc giảm dự trữ chất liệu này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù đã có một số tiến bộ trên mặt an ninh, nhưng nỗ lực chống mối đe dọa hạt nhân của các chính phủ đã giảm đi và vẫn còn nhiều kẽ hở về mặt an ninh tại nhiều cơ sở hạt nhân trên thế giới. Các số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong vòng 20 năm qua, đã có tới 2.800 vụ buôn lậu, đánh cắp hay thất thoát vật liệu hạt nhân.

Hãng tin AFP trích dẫn lời của chuyên gia James Levis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS cho rằng một trong những giải pháp chống khủng bố hạt nhân là “phải có sự hợp tác và phân công quốc tế”. Tuy nhiên, ngay trong hội nghị quan trọng lần này cũng thiếu vắng các đại diện của nhiều quốc gia quan trọng trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân như Nga, Iran, Triều Tiên.

N.K