Bởi thế, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phải tìm kiếm những nguồn tài chính mới, từ tống tiền, bắt cóc hay thu hút các nguồn tài trợ từ nước ngoài, tương tự như tổ chức khủng bố al-Qaeda đã làm trước đây.
Sau khi càn quét và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria, IS đã nhanh chóng tận dụng các nguồn lực sẵn có, áp đặt một hệ thống thuế và quản lý để thu lời và giúp chúng kiểm soát chặt chẽ một khu vực có diện tích tương đương với lãnh thổ của Thụy Sỹ.
Sức ép tài chính
Theo ông Daniel Glaser - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trong khi liên quân đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm giành lại Mosul, thành trì lớn nhất của IS ở Iraq, nhiều nguồn thu từ dầu mỏ và dự trữ tiền mặt của IS từng được ước tính là lên tới hơn 1 tỷ USD vào năm 2014 đang dần bị cạn kiệt. Trong một cuộc thảo luận tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, ông Glaser cho rằng khi những nguồn thu bị chặn đứng, IS có thể sẽ quay trở lại sử dụng “các phương pháp như những gì al-Qaeda đã dùng, cho dù đó là từ các nhà tài trợ giàu có, các nguồn tiền quyên được, hay từ các hoạt động tội phạm”.
Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích tại khu vực Fardous, thành phố Aleppo, Syria ngày 12/10. (Nguồn: AFP) |
Ngoài tiền bán dầu mỏ và khí đốt, IS cũng kiếm thêm 30 triệu USD mỗi tháng từ việc thu thuế và tống tiền ở Iraq trong năm 2015. Hisham al-Hashimi, một chuyên gia nghiên cứu về IS cho biết, chỉ riêng tiền thuế đánh vào người dân ở Mosul cũng giúp đem về cho tổ chức cực đoan này 4 triệu USD mỗi tháng. Chúng áp mức thuế 4% đối với những người có thu nhập dưới 600 USD mỗi tháng, và 5% đối với những người có mức lương từ 600-1000 USD.
Nguồn thu lớn thứ 3 của IS chính là từ những vụ cướp ngân hàng, chủ yếu ở Mosul, nơi cất giữ hơn 500 triệu USD vào thời điểm IS chiếm được thành phố này tháng 6/2014. Tuy nhiên, IS đã nhanh chóng tiêu hết số tiền này.
Theo ông Glaser, IS đang chịu sức ép tài chính lớn. Chúng đã buộc phải cắt giảm tới một nửa số tiền trả cho các tay súng ở nhiều khu vực, trong đó có cả vùng Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria. Hơn thế nữa, ông Glaser cho rằng “bộ máy cầm quyền” của IS gồm nhiều kẻ tham nhũng, và đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn về tài chính này.
IS đã đẩy mạnh các vụ bắt cóc tống tiền để tăng nguồn thu và bù đắp thiệt hại. Trung tâm Phân tích Khủng bố, có trụ sở tại Paris cho biết, vào năm 2015, số tiền thu được từ hoạt động tống tiền chiếm tới 1/3 nguồn thu của IS, trong khi con số này trong năm 2014 chỉ là 12%.
Ông Ziad Awad, Tổng Biên tập trang báo mạng “The Eye of the City” tại vùng Deir el-Zour cho rằng các hoạt động kiếm tiền của IS đang bị thu hẹp và tổ chức này buộc phải trả lương cho các tay súng bằng đồng Bảng Syria thay vì bằng đồng USD như trước đây. Ông cho biết chiến dịch không kích của liên quân đã khiến hoạt động bán và vận chuyển dầu mỏ của IS từ Deir el-Zour gặp nhiều khó khăn. Các mỏ dầu ở đây mỗi ngày đem về cho IS tới khoảng 2 triệu USD. Ông nói: “Nguồn thu này đã sụt giảm khi chúng mất các thị trường ở Syria và Iraq”.
Chật vật tồn tại
Chính phủ Iraq đã bắt đầu ngừng cấp phát lương cho các công chức sống ở các khu vực do IS kiểm soát từ năm ngoái nhằm mục đích làm giảm nguồn thu từ thuế của tổ chức này. Ông Glaser cho rằng đây là đòn tấn công mạnh mẽ đối với IS, bởi mỗi năm Chính phủ Iraq tiêu tốn tới hơn 2 tỷ USD cho các vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho rằng các tay súng của IS đã buộc một số công chức phải rời khỏi các vùng đất do IS kiểm soát để họ nhận được lương từ chính phủ, thu giữ tài sản của họ như tài sản thế chấp và bắt họ nộp thuế sau khi quay trở về.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở thành tổ chức khủng bố khét tiếng chỉ trong một năm. (Nguồn: BBC) |
Từ một lực lượng kiểm soát và cai trị, IS đang phải chật vật duy trì sự tồn tại của mình. Ông Yaya J. Fanusie, từng là một nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho rằng "theo mô hình tài chính thông thường của các nhóm khủng bố, không có nhóm nào tập trung chi tiền cho việc tổ chức và quản lý các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Lấy ví dụ, al-Qaeda chỉ dành tiền để triển khai các cuộc tấn công và đào tạo các chiến binh”. Bên cạnh các hoạt động phi pháp, ông Fanusie cho rằng IS có thể sẽ tìm thêm các nguồn thu khác trong bối cảnh diện tích lãnh thổ kiểm soát bị thu hẹp, từ tiền tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, các mạnh thường quân giàu có.
Ông Fanusie nhận định: "Việc IS bị mất lãnh thổ là tín hiệu tích cực, song điều này có thể kích động chúng tiến hành các cuộc tấn công ở châu Âu hoặc ở Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần tiêu tốn quá nhiều chi phí… Nếu chúng bị dồn ép quá mức ở Syria và Iraq, chúng sẽ dồn các nguồn lực cho các cuộc tấn công ở các nước, thay vì tập trung cho việc mở rộng và củng cố lãnh thổ chiếm đóng".