📞

Những món quà ấm áp tình quê hương

07:19 | 01/01/2016
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã trao quà do Báo Thế giới & Việt Nam quyên góp được, đến lớp học tiếng Việt của cô giáo Sương.

Đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville trao quà cho cho cô giáo Sương.

Chiều 23/12, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville (Campuchia) đã phối hợp với Ban Chấp hành hội Việt kiều của tỉnh trao số quà, mà Báo Thế giới & Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã vận động quyên góp được, đến tay cô Sương và các em học sinh tại lớp học tiếng Việt miễn phí ở Sihanoukville.

Biết được hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Sương và các em học sinh Việt kiều nghèo tại tỉnh Sihanoukville từ khi phóng viên triển khai thực hiện bài báo “Nước mắt người giữ tiếng quê hương” (xem bài viết được đăng tải vào tháng 8/2015 tại đây), Báo Thế giới & Việt Nam đã tổ chức đợt quyên góp “Tiếp sức cho cô giáo Sương” nhằm giúp đỡ phần nào cho lớp học tiếng Việt miễn phí của cô.

Trong hơn 10 ngày diễn ra đợt quyên góp, Báo Thế giới & Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của các cá nhân, tập thể ở cả trong và ngoài nước. Kết thúc chương trình, Báo đã nhận được 50 bộ sách giáo khoa tiểu học (từ NXB Giáo dục), dụng cụ học tập, truyện thiếu nhi và 3,9 triệu đồng tiền mặt… từ các nhà hảo tâm.

Sau khi tham khảo ý kiến của ông Đỗ Sỹ Kiều - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville và cô giáo Nguyễn Thị Sương, Báo đã quyết định sử dụng số tiền này để mua 60 món quà (dụng cụ học tập) cho các em học sinh Việt kiều nghèo. Theo đó, mỗi em học sinh tại lớp học tiếng Việt miễn phí của cô giáo Sương sẽ nhận được món quà bao gồm: 1 chiếc cặp sách, 5 cuốn vở, bút chì, bút bi, thước kẻ, tẩy, bút màu, phấn, bảng đen.

Mỗi em học sinh tại lớp học của cô Sương sẽ nhận được: 1 chiếc cặp sách, 5 cuốn vở, bút chì, bút bi, thước kẻ, tẩy, bút màu, phấn, bảng đen.

Các vật phẩm và những phần quà của các nhà hảo tâm đã được Báo Thế giới & Việt Nam bàn giao cho Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville tại văn phòng đại diện của Báo ở TP. Hồ Chí Minh.

Dù công việc cuối năm rất bận rộn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville vẫn cố gắng phối hợp với Ban Chấp hành hội Việt kiều của tỉnh để trao những món quà trên đến tay cô Sương và các em học sinh tại lớp học tiếng Việt của cô tại Sihanoukville.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng quà, cô giáo Sương đã gửi lời cảm ơn tới Báo Thế giới & Việt Nam, Tổng Lãnh sự và Tỉnh hội đã giúp đỡ cho các em học sinh Việt kiều tại lớp học. Cô Sương cho biết: “Những món quà này tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, mang đậm tình cảm quê hương. Tôi không biết nói gì hơn khi nhìn thấy những món quà này. Tôi chỉ dám hứa rằng mình sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp các cháu hiểu biết được văn hóa của đất nước mình và luôn hướng về Tổ quốc”.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville Đỗ Sỹ Kiều cho biết: “Mặc dù quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh tới Sihanoukville gần 600km, nhưng những món quà Báo Thế giới & Việt Nam chuẩn bị đã được vận chuyển đến nơi an toàn tuyệt đối. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân viên của Tổng Lãnh sự quán rất cảm ơn Báo Thế giới & Việt Nam đã chủ động cùng các nhà hảo tâm chia sẻ với chúng tôi công việc hết sức gian nan này tại địa bàn. Đây là nguồn cổ vũ rất lớn để chúng tôi có thêm quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

“Đã vài chục năm nay, người phụ nữ ấy theo chồng về làm dâu trên đất Campuchia, mưu sinh bằng nghề làm thuê với thu nhập không quá 2 triệu đồng/tháng. Đến nay, ở tuổi 62, bà đã có 5 năm duy trì lớp học tiếng Việt miễn phí của mình ở Sihanoukville chỉ với một quyết tâm: Giữ tiếng Việt cho tụi nhỏ thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở đây (vì không đủ giấy tờ hợp pháp nên chẳng thể đến trường).

Hàng ngày, xen giữa quỹ thời gian ít ỏi vì mưu sinh, một mình nuôi hai đứa cháu nội mồ côi, bà lại đều đặn lóc cóc đạp xe tới lớp học để đem cái chữ đến cho khoảng 50 đứa nhỏ tội nghiệp. Bà là Nguyễn Thị Sương - người mà tụi nhỏ thường yêu mến gọi bằng cái tên “cô giáo Sương”.

Với mái tóc đã bạc quá nửa, với vốn sức khỏe “đã bước sang mùa Thu” và khoản thu nhập vô cùng khiếm tốn, bà vẫn tằn tiện để lớp học vẫn được duy trì. Khi được hỏi, vì sao khổ thế mà bà vẫn ở lại Pre Sihanouk chứ không về Việt Nam, bà đã khóc khi trả lời phóng viên bằng một câu hỏi: “Cô về thì lấy ai dạy tụi nhỏ?”

(Trích bài báo “Nước mắt người giữ tiếng quê hương”).