📞

Những mục tiêu mới đầy tham vọng của Liên hợp quốc

17:41 | 29/09/2015
Trong 15 năm qua, thế giới đã có những tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo, một phần vì đã nỗ lực thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc (LHQ) đã cam kết từ năm 2000.
Tổng thư ký Ban Ki-moon, giữa, trong một buổi lễ kỷ niệm 70 năm LHQ. (Nguồn: Getty Images).

Các mục tiêu đều có thời hạn thực hiện là năm 2015 nhưng trên thực tế, Mục tiêu cắt giảm 50% số người nghèo đói cùng cực (đo bằng tỷ lệ người dân sống dưới mức 1,25 USD/ngày), đã đạt được 5 năm trước thời hạn. Tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh đã không cắt giảm được 3/4 như mục tiêu LHQ đề ra nhưng đã giảm được gần ½ . Đây cũng là một thành tích không nhỏ.

Hiện LHQ lại tăng gấp đôi mức cắt giảm và thậm chí thiết lập các mục tiêu phát triển tham vọng hơn cho 15 năm tới. Tuy nhiên, lần này, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh phải đối mặt với một trở ngại lớn hơn là nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, đòi hỏi lãnh đạo của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, nơi nhiều người nghèo nhất thế giới sinh sống, phải có những thay đổi lớn về chính sách.

Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây đã được đưa ra trùng với thời điểm mà nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, giúp cho các nước này dễ dàng hơn trong việc tạo ra công ăn việc làm, đầu tư vào y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả những nước này đều đang tăng trưởng chậm lại, các nhà lãnh đạo dường như chưa đưa ra được những chiến lược đáng tin cậy để đối phó với các vấn đề của họ nhằm lèo lái nền kinh tế sao cho hiệu quả và toàn diện hơn.

Các mục tiêu mới được gọi là các Mục tiêu phát triển bền vững, đã được LHQ chính thức thông qua kể từ 25/9, bao gồm 17 mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, y tế công cộng, môi trường, giáo dục và công lý.

Theo các chuyên gia, đến nay, những mục tiêu này vẫn còn khá mơ hồ và thực sự không hề dễ dàng, dù đó là những nỗ lực rất giá trị và sâu sắc. Các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cần đóng những vai trò quan trọng bằng cách cung cấp thêm viện trợ, chuyên môn và đầu tư tư nhân cho các nước đang phát triển. Còn các nước công nghiệp cần “thức tỉnh” nền kinh tế của mình, giúp nâng tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới cần giúp đỡ nghiên cứu và tài trợ các dự án công trình công cộng. Các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates Foundation có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính và chỉ đạo nhằm đạt được các mục tiêu y tế công cộng như loại trừ bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác (mục tiêu số 3).

Trên thực tế, một số quốc gia có thể sẽ không được hỗ trợ vào thời điểm này vì họ sa lầy vào chiến tranh và các xung đột khác. Nếu không có hòa bình và hệ thống chính trị tốt hơn, rất khó để dự đoán được sự phát triển ở những nơi như Iraq, Libya, Somalia, Nam Sudan, Syria và Congo.

15 năm trước đây, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã giúp tập hợp các quan chức chính phủ, cá nhân và doanh nghiệp hướng vào một sự nghiệp chung. Còn lúc này, trước hết, các nhà lãnh đạo ở khắp nơi cần đưa ra các chính sách sáng tạo và tích cực, thúc đẩy nền kinh tế thế giới vốn đang mắc kẹt ở điểm trung hòa.

Lệ Chi (theo NYTimes)