📞

Những nghệ nhân giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer

PHƯƠNG NGHI 20:15 | 16/12/2023
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer.
Đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) được Nghệ nhân ưu tú Danh Sol truyền dạy, biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng chùa. (Ảnh: Phương Nghi)

Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 5 di sản là của đồng bào Khmer là lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù Kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm.

Các tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm, hay múa Rom vong… luôn tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, tham gia sinh hoạt trong các ngày lễ hội.

Bậc thầy dàn nhạc ngũ âm

Trong giới nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng, khi nhắc đến Nghệ nhân ưu tú Danh Sol (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên), ai cũng biết đến và đều gọi ông là bậc thầy dàn nhạc ngũ âm. Bởi ông không chỉ nổi tiếng là người chơi nhạc ngũ âm thuộc lớp lớn tuổi, mà còn là người thầy dạy cách gõ dàn ngũ âm giỏi nhất của các vùng đồng bào Khmer. Hầu như những nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng tuổi đời từ 60 trở xuống đa số là học trò của ông.

Mê nhạc, ham học hỏi, tìm hiểu nên khi mới 14 tuổi, Danh Sol đã trở thành người chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Năm nay, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng nghệ nhân ưu tú Danh Sol vẫn rất quan tâm đến đội nhạc của chùa, khi đi phục vụ đình đám trong xóm, đôi tai cứ nghe các học trò chơi một số đoạn nhạc ngũ âm xong là ông biết ngay dụng cụ nhạc có vấn đề ở đâu và đánh sai chỗ nào.

Nghệ nhân Danh Sol không chỉ nổi tiếng ở Sóc Trăng. Nhiều năm nay, ông đã được các chùa ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh… đến mời về dạy cho đội nhạc ngũ âm của chùa.

Ông tâm sự: “Được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ chính là niềm vui, hạnh phúc nhất của đời tôi, chứng tỏ nhạc ngũ âm vẫn được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Theo thời gian, những người lớn tuổi trong đội nhạc cũng già và mất đi nhưng vẫn còn con cháu nối gót và đội nhạc của chùa vẫn còn hoạt động phục vụ phum sóc.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương và chồng, ông Sơn Đel dành cả đời cho nghệ thuật truyền thống Rô băm. (Ảnh: Phương Nghi)

Dành cả đời cho nghệ thuật truyền thống

Ở Sóc Trăng, không chỉ có nghệ nhân ưu tú Danh Sol, mà còn nghệ nhân dành cả đời cho nghệ thuật truyền thống, đó là bà Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn nghệ thuật Rô băm Khmer Resmay Bưng Chông ở ấp Bưng Chông (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) dù nghèo nhưng cả 3 đời quyết giữ đoàn Rô băm của mình, để rồi mấy chục công đất phải bán dần.

Theo Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với loại hình Rô băm như cha ông ngày trước và đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Thời gian gần đây, đoàn đào tạo được hơn chục cháu, có độ tuổi từ 11-16 tuổi, đều là những em trong dòng họ và phum sóc. Sau thời gian luyện tập, các em đã sớm bộc lộ những năng khiếu phù hợp với nghệ thuật diễn xướng của Rô băm. Đây là những em có sự đam mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật Rô băm nên đã nhanh chóng tiếp thu được các điệu múa, lời thoại, diễn xuất…

“Để có được những truyền nhân này, bản thân tôi và các thành viên trong đoàn, cũng như chính quyền địa phương đã ra sức thuyết phục vận động các gia đình cho con em tham gia đoàn, vừa để thỏa mãn niềm đam mê của các em, vừa để loại hình nghệ thuật Rô băm không bị mai một”, bà Hương chia sẻ.

Ông Sơn Đel (chồng bà Hương), một thành viên đoàn nghệ thuật Rô băm Khmer Resmay Bưng Chông, cho biết: “Để có người biểu diễn Rô băm hay, phải đào tạo từ khi các diễn viên ở độ tuổi 10-12 chứ lớn rồi khó tập lắm. Vì vậy đối với việc học các loại hình nghệ thuật sân khấu Rô băm là đòi hỏi phải có lòng say mê, kiên trì và cần phải có sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, mới mong có thể tồn tại và phát triển”.

Năm 2019, nghệ thuật Rô băm của người Khmer Sóc Trăng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con đồng bào Khmer, góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy các giá trị truyền thống và để đáp lại sự tâm huyết bao năm qua của gia đình Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, Ủy ban nhân tỉnh Sóc Trăng công nhận nghệ thuật Rô băm của Đoàn nghệ thuật Ro băm Khmer Resmay Bưng Chông là sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho loại hình sân khấu Rô băm, một loại hình nghệ thuật sân khấu Khmer đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ.

Lòng bàn tay ngửa lên trên, dùng ngón tay cái và ngón trỏ áp xát vào nhau của động tác múa Rom vong nhanh và sôi động của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Phương Nghi)

Những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn"

Còn những nghệ sĩ “nông dân” của đoàn nghệ thuật Dù kê Sơn Nguyệt Quang (xã Viên An, huyện Trần Đề) ban ngày đi cấy, đi cày, nhưng vào mùa lễ hội biểu diễn phục vụ bà con ở các phum sóc. Do là không chuyên, mọi thành viên trong đoàn chỉ phục vụ theo tinh thần tự nguyện, vì đam mê, góp phần bảo tồn những bản sắc văn hóa là chính, nên mỗi khi có diễn, các thành viên trong đoàn mới được bồi dưỡng, thời gian còn lại đều “ăn cơm nhà”, nên phần nào cũng làm hạn chế trong việc tập hợp.

Ông Sơn Si Tha, Trưởng đoàn cho biết: Đoàn nghệ thuật Dù kê Sơn Nguyệt Quang được thành lập vào năm 2000, sau khi tiếp quản nhân sự từ một nhóm yêu thích văn nghệ đã giải thể, đoàn hiện có 29 nhân sự, trong đó người nhỏ tuổi nhất là 28, còn người cao tuổi nhất đến nay đã gần 60. Nhiều cảnh trí, đạo cụ và kể cả phục trang đều được sử dụng dưới hình thức “cây nhà lá vườn”. Trong đó, đa phần diễn viên, nhạc công hàng ngày phải kiếm sống bằng nghề chăn nuôi, trồng rẫy, thậm chí có trường hợp đi làm phụ hồ để mưu sinh.

“Người Khmer muốn lưu giữ nghệ thuật Dù kê cho con cháu nhưng rất khó. Ở đây, mỗi dịp lễ, Tết quan trọng của người Khmer, đoàn cố gắng tập trung những anh chị em có thể ca diễn, có khả năng nhớ tuồng, viết tuồng… để làm sao dựng được một vở Dù kê biểu diễn cho đồng bào Khmer xem. Vào những buổi tập, bà con kéo đến nhà tôi xem đông lắm. Nội dung vở diễn dù kê ít có sự đổi mới, cần người am hiểu các điển tích, các giai điệu… Nhưng tôi sợ sắp tới sẽ không còn người ca diễn hay viết tuồng, vì họ lớn tuổi rồi”, ông Tha nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Tỉnh đang tập trung thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Đây là cách để các giá trị văn hóa của người Khmer góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em”.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer. Với lịch sử lâu đời, người Khmer ở Sóc Trăng đã kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…