📞

Những nhà khoa học nữ bị lãng quên

11:18 | 02/10/2015
Trong lịch sử khoa học thế giới, bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng như Marie Curie, Sofia Vasilyevna Kovalevskaya… còn rất nhiều nhà khoa học nữ có đóng góp to lớn cho khoa học nhưng lại không được ghi nhận xứng đáng.
Nhà vi sinh vật học người Mỹ Esther Lederberg.

Esther Lederberg (1922-2006)

Bà là nhà vi sinh vật học người Mỹ, tác giả của nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực di truyền học. Bà đã phát triển những kỹ thuật cơ bản giúp các nhà khoa học tìm hiểu cơ chế hoạt động của gene.

Công trình này đã giúp chồng bà là nhà sinh học phân tử Joshua Lederberg giành giải Nobel Y học năm 1958 song tên của bà lại hoàn toàn không được nhắc đến trong giải thưởng đó.

Mặc dù có nhiều khám phá quan trọng trong lĩnh vực sinh học và di truyền học, sự nghiệp của bà Lederberg hầu như không có sự công nhận từ phía đồng nghiệp mà đều vinh danh cho người chồng. Thậm chí, bà Lederberg còn bị giáng chức thành giáo sư phụ tá trong khi ông Lederberg được bổ nhiệm là người sáng lập và Chủ tịch của Sở Di truyền học Mỹ.

Ida Tacke (1896-1978)

Ida Tacke từng mang đến những bước tiến lớn trong cả lĩnh vực hóa học và vật lý nguyên tử. Nữ khoa học gia người Đức chính là người đã tìm ra hai nguyên tố hóa học mới là rhenium và masurium từng được Dmitri Mendeleev dự đoán trong bảng tuần hoàn. Tacke được công nhận là người phát hiện ra rhenium nhưng các bằng chứng của bà về sự tồn tại của masurium (hiện nay gọi là technetium) lại bị giới khoa học lúc bấy giờ hồ nghi và chối từ.

Rosalind Franklin (1920-1958)

Chính nhà lý sinh học kiêm nhà tinh thể học tia X người Anh đã tìm ra hình dạng của DNA gồm hai chuỗi bằng việc sử dụng tia X tân tiến. Đồng nghiệp của bà Franklin là Maurice Wilkins đã cung cấp công trình nghiên cứu và những bức ảnh chụp được đưa cho Watson và Crick, nhờ đó hai nhà khoa học này có thể xây dựng cấu trúc DNA vào năm 1962 và nhận được giải Nobel. Đáng buồn thay, tên của bà còn không được nhắc đến lần nào trong bài diễn văn khi nhận giải thưởng.

Lise Meitner (1878–1968)

Phản ứng phân hạch - cơ sở để chế tạo ra bom nguyên tử được đánh giá là một phát hiện lớn trong giới khoa học nhưng ít ai biết rằng người tìm ra nó lại là nữ khoa học gia người Australia có tên Lise Meitner.

Sau khi chuyển tới Berlin năm 1907, Meitner hợp tác với nhà hóa học Otto Hahn trong nhiều thập kỷ. Nhưng Hahn đã công bố rất nhiều phát hiện chung của hai người mà không hề đề cập việc Meitner là đồng tác giả. Năm 1944, Hahn được trao giải Nobel Hóa học vì đóng góp trong việc tách nhân nguyên tử.

Mặc dù không nhận được giải Nobel, tên của Meitner đã được đặt cho nguyên tố hoá học thứ 109, như một sự đền đáp cho một nữ khoa học gia chân chính.

Ngô Kiện Hùng (1912-1997)

Ngô Kiện Hùng được đánh giá một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ XX. Bà là một người Trung Quốc nhập cư sang Mỹ. Tại đây, bà bắt đầu tham gia dự án Manhattan và dự án phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, ngày nay rất ít người biết đến tên bà.

Vào thập niên 1950, nhận lời mời của hai nhà vật lý lý thuyết là Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh, bà đã thực hiện những thí nghiệm để bác bỏ thành công “quy luật bảo toàn chẵn - lẻ” – vốn được coi là một định luật “khuôn vàng thước ngọc” trong vật lý. Thành tựu này đã giúp Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh giành được giải Nobel Vật lý năm 1957, nhưng vai trò chủ đạo của Ngô Kiện Hùng đã không hề được nhắc đến.

Henrietta Leavitt (1868–1921)

Henrietta Leavitt là một trong những nhà khoa học người Mỹ có nhiều đóng góp quan trọng trong ngành thiên văn học. Bà bắt đầu từ công việc đo lường và biên mục các ngôi sao tại Đài quan sát Harvard, một công việc vốn được coi là không phù hợp với phụ nữ. Leavitt vẫn say mê công việc và tìm ra sự tương đồng giữa độ sáng của một ngôi sao và khoảng cách của nó đối với Trái đất. Từ đó, bà tiếp tục phát triển ý tưởng về mối quan hệ thời gian – độ sáng, cho phép các nhà khoa học tìm ra khoảng cách của một ngôi sao đến Trái Đất dựa trên độ sáng.

Các nhà thiên văn học nổi tiếng như Harlow Shapley và Edward Hubble sử dụng phát hiện của Leavitt làm nền tảng cho nghiên cứu của họ trong khi Leavitt bị Đại học Harvard từ chối công nhận khám phá cá nhân.

Năm 1926, Leavitt cuối cùng cũng được đề cử cho giải Nobel vật lý. Tuy nhiên bà đã qua đời nên không được nhận danh hiệu cao quý này.

Linh An (theo BBC)