📞

Những nhà khoa học nữ xuất sắc của Ấn Độ

08:54 | 17/04/2017
Ngày càng có nhiều phụ nữ Ấn Độ dám vượt qua những rào cản xã hội nhiều định kiến để được tiếp cận với nền giáo dục khoa học tiên tiến.

Phụ nữ Ấn Độ đã tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ trong hơn một thế kỷ nay. Kể từ năm 1885, khi người đầu tiên nhận được bằng bác sĩ y khoa, tới nay, những phụ nữ của đất nước sông Hằng đã có những bước tiến rất dài.

Dưới đây là những phụ nữ đã đi vào lịch sử của nền khoa học Ấn Độ.

Anandibai Joshi – bác sỹ (1865 – 1887)

Anandi Gopal Joshi cùng với Kadambini Ganguly là những người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên được cấp phép hành nghề Tây y.

Bác sĩ Anandibai Joshi.

Cuộc đời của Joshi không chỉ ngắn ngủi mà còn đầy đau khổ. Năm lên 9, bà bị gả cho một người đàn ông góa vợ hơn 20 tuổi. 5 năm sau, Joshi sinh hạ một bé trai, nhưng em bé qua đời không lâu sau đó do điều kiện y tế thiếu thốn. Không chỉ vậy, sức khỏe Joshi cũng rất kém, thường hay mệt mỏi và khó thở.

Người mẹ bất hạnh Anandibai Joshi quyết tâm trở thành thầy thuốc. Nhờ sự ủng hộ của chồng, Joshi đã đăng kí học tại Trường Nữ sinh Pennsylvania (Mỹ), nơi đào tạo y khoa dành cho phụ nữ đầu tiên trên thế giới.

Khi trở về Ấn Độ, Anandibai Joshi đã được hoan nghênh như một người hùng và được giao phụ trách khu bệnh nhân nữ tại Bệnh viện Albert Edward, thành phố Kolhapur (miền Trung Ấn Độ).

Tuy vậy, sức khỏe đã không ủng hộ ước mơ của Joshi. Ngày 26/2/1887, bà qua đời trước khi tròn 22 tuổi.

Janaki Ammal – nhà thực vật học (1897 – 1984)

Nhà thực vật học Janaki Ammal.

Trong khi hầu hết các cô gái cùng trang lứa chọn học nghệ thuật hay văn chương thì Janaki Ammal lại học chuyên ngành thực vật học. Ammal đã tiến hành một nghiên cứu khoa học về di truyền học tế bào và địa lý thực vật. Bà từng làm việc tại Anh quốc trong một thời gian ngắn, sau đó quay lại Ấn Độ vào năm 1951 để tái lập Cơ quan Khảo sát Thực vật Ấn Độ (BSI).

Janaki Ammal đã từng giữ chức Tổng giám đốc của Cơ quan Khảo sát Thực vật Ấn Độ. Bà có công thu thập nhiều thảo dược quý hiếm từ vùng rừng mưa nhiệt đới của bang Kerala (miền Nam Ấn Độ).

Kamala Sohonie – nhà sinh vật học (1912 – 1998)

Nhà sinh vật học Kamala Sohonie.

Kamala Sohonie là người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên nhận được bằng Tiến sĩ khoa học. Bà từng đăng kí tham gia nghiên cứu tại Học viện Khoa học Ấn Độ nhưng lại bị từ chối bởi vì là... phụ nữ. Giám đốc Học viện Khoa học Ấn Độ GS. CV Raman đã đặt ra nguyên tắc không nhận sinh viên nữ. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực thuyết phục và chứng minh bản thân, Sohonie đã trở thành sinh viên nữ đầu tiên của trường. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, bà đã được GS. Raman cho phép tiếp tục nghiên cứu.

Sau đó, Sohonie được mời học tại Đại học Cambridge danh tiếng của Vương quốc Anh. Tại đây, bà đã công bố nghiên cứu phát hiện  mỗi tế bào của mô thực vật đều chứa enzyme ‘cytochrome C’ – một loại enzyme liên quan đến quá trình oxy hóa của tế bào thực vật.

Anna Mani – nhà vật lý kiêm khí tượng học (1918 – 2001)

Nhà vật lý kiêm khí tượng học Anna Mani.

Là một nhà vật lý kiêm nhà khí tượng học độc lập, Anna Mani cũng làm việc dưới sự dẫn dắt của GS. CV Raman. Cuối cùng, bà trở thành Phó Tổng giám đốc của Cơ quan Khí tượng Ấn Độ.

Anna Mani đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khí tượng học. Bà cũng đã xuất bản một số công trình nghiên cứu về bức xạ Mặt trời, tầng ozone và phương pháp đo lường năng lượng gió.

Asima Chatterjee – nhà hóa học (1917–2006)

Asima Chatterjee là nhà hóa học nổi tiếng với những nghiên cứu về hóa học hữu cơ và hóa học thực vật. Công trình nghiên cứu về nhóm chất vinca alkaloids là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của bà. Nhóm chất vinca alkaloids được chiết xuất từ cây dừa cạn, được biết đến với khả năng chống ung thư, điều trị động kinh và bệnh sốt rét.

Asima Chatterjee còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thảo dược của Ấn Độ.

Rajeshwari Chatterjee – nữ kỹ sư đầu tiên của bang Karnataka (1922-2010)

Viện sỹ khoa học Rajeshwari Chatterjee.

Rajeshwari Chatterjee còn là một nhà khoa học kiêm viện sĩ khoa học. Vào năm 1946, bà được chính quyền thành phố Delhi cấp học bổng du học nước ngoài. Bà đã chọn Đại học Michigan (Mỹ) và nhận bằng Thạc sĩ về cơ khí tại đây.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, Chatterjee trở về Ấn Độ và công tác tại Học viện Khoa học Ấn Độ. Tại đây, bà cùng chồng thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu sóng cực ngắn.

Darshan Ranganathan – nhà hóa học hữu cơ (1941 – 2001)

Nhà hóa học hữu cơ Darshan Ranganathan.

Ranganathan là một nhà hóa học hữu cơ nổi tiếng với những công trình về hóa sinh hữu cơ, ví dụ như sự cuốn gấp của protein, quá trình lắp ráp siêu phân tử, thiết kế phân tử, mô phỏng những quá trình sinh học thiết yếu, quá trình tổng hợp các chuỗi acid amin lai và quá trình tổng hợp các ống nano…

Học viện Khoa học Ấn Độ có “luật bất thành văn” là hai vợ chồng không được cùng là giảng viên tại Học viện. Do đó, bà không thể trở thành một giảng viên chính thức mà chỉ là một phụ tá nghiên cứu.

Sau đó, Ranganathan chuyển sang công tác tại Học viện Kỹ thuật Hóa học Ấn Độ (bang Hyderabad) vào năm 1998 và qua đời vì ung thư vào năm 2001.

Maharani Chakravorty – nhà sinh vật học phân tử (1937 – 2015)

Nhà sinh vật học phân tử Chakravorty.

Nhà sinh vật học phân tử Chakravorty đã tổ chức khóa thực hành đầu tiên về kỹ thuật tái tổ hợp ADN tại châu Á và Viễn Đông vào năm 1981. Bà quay lại Viện nghiên cứu Bose Kolkata sau khi hoàn thành khóa học sau Tiến sỹ tại Mỹ.

Năm 2007, bà Chakravorty đã vinh dự nhận giải thưởng Professor Darshan Ranganathan Memorial.

Charusita Chakravarty – nhà hoá học (1964 – 2016)

Chakravarty là giáo sư hóa học tại Học viện Công nghệ Hóa học Ấn Độ, thành phố Delhi. Dù được sinh ra tại Mỹ nhưng bà đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và đến Ấn Độ định cư. Bà đã tiến hành một số nghiên cứu về hóa học lý thuyết, động lực học phân tử, quá trình cấu tạo hạt nhân…

Bà Chakravarty cũng từng giành được nhiều giải thưởng cao quý cho các công trình nghiên cứu của mình, trong đó nổi bật nhất là giải thưởng Shanti Swarup Bhatnagar vào năm 2009 cho những nghiên cứu về hóa học.

Charusita Chakravarty còn là thành viên dự khuyết của Trung tâm Khoa học Vật liệu Máy tính, bang Bangalore (Ấn Độ).

Mangala Narlikar – nhà toán học

Nhà toán học Mangala Narlikar.

Mangala Narlikar là một trong số ít các nhà toán học nữ tại Ấn Độ. Bà đã nhận được bằng Tiến sĩ Toán học 16 năm sau khi kết hôn vì bận chăm sóc gia đình.

Bà Narlikar hiện giảng dạy môn toán học nâng cao và số học căn bản tại Đại học Mumbai và Đại học Pune. Bà còn làm việc cho Viện nghiên cứu Căn bản Tata (TIFR).

Bà Narlikar đã xuất bản nhiều sách về toán học bằng tiếng Anh và tiếng Marathi (một ngôn ngữ phổ biến tại miền Tây và Trung Ấn Độ).

(theo India Today)