📞

Những “núi” rác thải điện tử - mối nguy hại với môi trường

18:26 | 29/10/2016
Theo ước tính, chỉ riêng năm nay, thế giới có đến 30 triệu tấn rác thải điện tử.

Rác thải điện tử và những tác hại của nó đối với môi trường đang trở thành vấn đề đau đầu với nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc có mục 12.5 là: “Đến năm 2030, giảm đáng kể sự sản sinh chất thải thông qua phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng”. Nhưng với một hành tinh ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, liệu mục tiêu này có thể thực hiện được?

Báo The Guardian đăng tải bộ ảnh của Kai Loeffelbein, ghi lại những công việc xử lý và tái chế rác thải điện tử tại thị trấn Quý Tự, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

Theo Tổ chức thống kê thế giới (The World Counts), trong 10 tháng năm 2016, toàn cầu đã thải ra môi trường hơn 30 triệu tấn chất thải điện tử. Hầu hết những chất thải điện tử này được chuyển đến các bãi rác chôn lấp ở châu Á và châu Phi. Ở đây, người ta tái chế rác thủ công bằng tay mà không có biện pháp bảo hộ lao động nào.
Thị trấn Quý Tự, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã từng được gọi là “thủ đô rác thải điện tử” của thế giới, trước khi nó được giải tỏa vào năm ngoái. Một nghiên cứu y tế về sức khỏe trẻ em ở Quý Tự thấy các em đã bị nhiễm một lượng lớn chì trong máu.
Các báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về chất thải điện tử toàn cầu chỉ ra rằng, lượng chất thải điện tử đã đạt mức kỷ lục vào năm 2014. Với tốc độ phát triển công nghệ hiện tại, lượng rác thải có thể sẽ tiếp tục tăng. Báo cáo cũng dự đoán rằng, đến năm 2018, thế giới sẽ thải ra gần 50 triệu tấn rác điện tử mỗi năm.
Rác thải điện tử là một trong những chủng loại rác tăng nhanh nhất
Kể từ năm 2015, sau khi Chính phủ Trung Quốc quy hoạch việc xử lý rác thải điện tử vào một khu công nghiệp, ở trấn Quế Tự không còn việc tái chế rác thải nữa. Jim Puckett, Giám đốc điều hành Mạng lưới hành động Basel (Basel Action Network) cho biết, “hiện nay, hầu hết các chất thải điện tử xuất khẩu của Mỹ được chuyển sang một bãi đỗ xe tại Hong Kong (Trung Quốc)”. Cũng theo ông Puckett, một số linh kiện vẫn sử dụng được nên việc tái chế các linh kiện của máy móc vẫn diễn ra.
Ở Quý Tự, những người phụ nữ sẽ nấu cho tan chảy các mạch điện tử trên bếp than, trực tiếp tiếp xúc với khói độc hại. Tại khu công nghiệp xử lý rác điện tử mới có một hệ xử lý trung tâm, giảm bớt độc hại với con người và môi trường.
Tổ chức Step với chức năng giải quyết các vấn đề chất thải điện tử của Đại học Liên hợp quốc (United Nations University) cho rằng, có khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử biến mất mỗi năm mà họ không biết được chúng được vận chuyển tới đâu.

(theo The Guardian)