TIN LIÊN QUAN | |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm làm việc tại Nghị viện Châu Âu | |
Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai công tác đối ngoại 2020 |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Sự trưởng thành vượt bậc
Theo Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN hay Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên năm 2020 có dấu ấn đặc biệt quan trọng bởi chưa bao giờ trong một năm, Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm hai trọng trách như vậy.
“Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu, như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc, Không liên kết, G20, G7, Pháp ngữ… Thực tế cho thấy, mỗi lần đăng cai những hoạt động đa phương lớn đều đem lại nhiều lợi ích cho đất nước ta, trong đó có việc nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.
Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư tháng 6/2018 đã xác định Việt Nam cần chuyển từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, “tích cực đóng góp”, “xây dựng, định hình” các thể chế đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” phù hợp với khả năng và lợi ích của Việt Nam.
Những trọng trách trong năm 2020, theo Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn, “không những nói lên uy tín sẵn có của Việt Nam, mà chính là sự thể hiện kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với năng lực và đóng góp của nước ta trong những vấn đề chung của nhân loại, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và các khu vực đang diễn biến phức tạp, bất ổn và khó lường”.
Chia sẻ về tầm nhìn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, với chủ đề và những ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các bạn bè, đối tác củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
ASEAN là mái nhà chung của 10 nước Đông Nam Á; vì vậy ASEAN có “vững” thì Việt Nam mới “mạnh”. Kề vai sát cánh cùng các nước ASEAN và các đối tác, Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, hiệu quả của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Với vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là Chủ tịch luân phiên trong tháng 1/2020, Việt Nam sẽ gánh vác trách nhiệm bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia. Việt Nam có hai dịp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
“Theo dự kiến, chúng ta sẽ tham gia tích cực vào các phiên thảo luận mở bàn về việc đề cao Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới cũng như một số vấn đề khác, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp công bằng, thỏa đáng, đáp ứng quyền lợi chính đáng của tất cả các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Thường trực thông tin.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, hội nhập và phát triển, giải quyết hậu quả chiến tranh, bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ và trẻ em trong hòa bình, an ninh, thúc đẩy nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là những vấn đề Việt Nam đã có kinh nghiệm, đang tham gia tích cực và sẵn sàng chia sẻ với các nước.
Vị thế mới, khát vọng mới
Với nỗ lực không ngừng và những đóng góp đáng ghi nhận cho khu vực và thế giới, Việt Nam ngày càng chứng tỏ được vị thế đang lên trên trường quốc tế. Đây là cơ sở để Việt Nam nuôi dưỡng những khát vọng mới, sánh vai cùng bạn bè năm châu, tiến nhanh trên con đường phát triển thịnh vượng và bền vững.
Dẫn thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trở thành một “quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, với quyết tâm nắm bắt cơ hội và lợi thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nỗ lực vượt qua thách thức, tạo ra làn sóng đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ. Thông điệp của Thủ tướng đã nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của các bạn bè, đối tác và các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, trên bình diện hội nhập quốc tế, triển khai chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, năm 2018, Ban Bí thư đã thông qua Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
“Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương; đánh dấu cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại. Theo đó, Việt Nam phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.
Với kỳ vọng lớn của hội nhập và phát triển của đất nước trong những năm tới cùng phương châm chủ động, sáng tạo trong cách làm và hiệu quả trong hành động, đối ngoại Việt Nam đang nỗ lực cùng với các ngành, lĩnh vực khác để hiện thực hóa những khát vọng đó.
Ngoại giao Việt Nam thời 4.0
Nhận định về định hướng của ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho rằng, ngoại giao Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình nhanh chóng, tập trung vào các nhiệm vụ chủ chốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, ngoại giao kinh tế - văn hóa – nhân dân, bảo hộ công dân, quyền và lợi ích doanh nghiệp. Đây cũng là các trụ cột của ngoại giao Việt Nam sẽ được triển khai đồng bộ trong những năm tới để đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.
Sau gần 35 năm Đổi mới, trong đối ngoại đa phương, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào các thiết chế đa phương, đồng thời chuyển từ “tham gia” sang chủ động đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế hợp tác. Ngoại giao Việt Nam tích cực tham gia vào thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, xóa bỏ các rào cản thương mại và đầu tư thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Theo Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn, một điều không thể thiếu và là trọng tâm trong công tác xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao là xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên nghiệp, có trình độ áp dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ - đội ngũ “quản lý tri thức”, đưa công nghệ thông tin vào trong ngành ngoại giao nhằm hiện đại hóa Ngoại giao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhiệm vụ chính trị và đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang triển khai hợp tác cụ thể với Bộ Ngoại giao các nước qua hình thức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. “Từ kinh nghiệm của các nước phát triển đã hiện đại hóa mạnh mẽ Bộ Ngoại giao như Đức, Pháp, Mỹ…, chúng tôi tiến hành tham khảo, học tập kinh nghiệm và với điều kiện cụ thể của Việt Nam, có thể nói rằng chúng ta đã có những bước tiến nhanh trong hiện đại hóa ngành ngoại giao Việt Nam đáp ứng yêu cẩu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Thường trực chia sẻ.
| Gặp gỡ, kết nối, hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ TGVN. Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức “Gặp gỡ Ấn Độ ... |
| Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn tiếp Giám đốc DFC Hoa Kỳ TGVN. Ngày 8/1, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn tiếp ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan ... |
| Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trao quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ TGVN. Chiều 8/1, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trao quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ. |