Ở đất nước Kenya, phong tục đám cưới của người Maasai có phần kỳ quặc nhưng là một phần không thể thiếu trong văn hóa nước này. Trong đám cưới, các tân nương phải cạo trọc đầu rồi bôi dầu ăn và mỡ cừu lên đầu. Cô dâu sẽ rời đi theo chồng và không được phép ngoái lại vì theo quan niệm, họ sẽ bị biến thành đá nếu làm như vậy. (Nguồn: Pinterest)
Theo phong tục của người Thổ Gia (Trung Quốc), cô dâu phải khóc trong lễ cưới để thể hiện sự hiếu thảo, lòng biết ơn và đức hạnh của mình. Ngoài ra, tiếng khóc còn được xem là lời chúc phúc cho cuộc sống hôn nhân của các nàng dâu. Tiếng khóc càng sầu thảm, hôn nhân càng hạnh phúc. Trước lễ cưới một tháng, cô dâu phải tập khóc mỗi ngày. 10 ngày đầu tiên, các cô gái sẽ phải tập khóc một tiếng. Sau 10 ngày, mẹ cô dâu sẽ tham gia khóc cùng và 10 ngày tiếp theo là đến bà ngoại. Nếu ai không khóc hoặc khóc ít sẽ bị trách mắng và chê bai. (Nguồn: China Daily)
Ở Ấn Độ, cô dâu theo đạo Hindu sẽ đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón chân thứ hai của mình thay vì ngón áp út như thông thường. Chiếc nhẫn này được làm bằng bạc và chú rể phải tận tay đeo nhẫn vào chân của cô dâu. Các đôi uyên ương phải tránh nhẫn vàng, vì vàng là biểu tượng của nữ thần Lakshmi. Việc đeo vàng vào ngón chân được xem là thiếu tôn trọng nữ thần. (Nguồn: Pinterest)
Tại Thụy Điển, trong lễ cưới, chú rể phải tạm lánh mặt để các chàng trai trẻ chưa vợ hôn cô dâu. Điều này cũng được áp dụng tương tự với chú rể và những cô gái còn độc thân. Nghi lễ này được diễn ra với sự bằng lòng đôi uyên ương và các khách mời. Ngoài ra, người Thụy Điển còn có phong tục đặt tiền xu vào giày của cô dâu. Người bố sẽ đặt một đồng xu bằng bạc vào giày trái của con gái, còn mẹ thì đặt đồng xu bằng vàng vào giày phải. (Nguồn: Jamie Dunn Photography)
Đám cưới của người Đức thường có một phần nghi thức nhỏ gọi là Polterabend khi các cô dâu, chú rể cùng khách mời đập vỡ đồ đạc vào buổi tối trước lễ cưới. Những thứ dùng để đập phá là đồ gốm sứ như bát, đĩa, chén nhưng tuyệt đối không được làm vỡ ly hay cốc thủy tinh. Phong tục này tuy kỳ lạ nhưng là một trong những nghi thức được mong chờ nhất trong các đám cưới tại Đức. Người Đức tin rằng việc này sẽ giúp đôi vợ chồng chào đón một cuộc sống mới tốt lành và mang đến may mắn cho họ. (Nguồn: Fodor's)
Ở Mauritania, phụ nữ trước khi lấy chồng phải ăn uống lên đến 16.000 calo mỗi ngày để cơ thể phát triển đến mức cao nhất. Phong tục này được gọi là "leblouh" (có nghĩa là ép ăn). Một người phụ nữ béo phì, eo to, cổ ngắn, ngực nở, vai rộng được xem là đẹp, quyến rũ và là dấu hiệu cho thấy sự giàu có và địa vị của người chồng trong xã hội. (Nguồn: Sina)
Khi những chàng trai ở đảo Fiji muốn lấy người họ yêu làm vợ, ngoài việc tới xin phép bố của cô gái, họ sẽ phải mang theo một chiếc răng cá voi (tabua) làm lễ vật cầu hôn. Nếu có điều kiện kinh tế, các chàng trai có thể dễ dàng mua được lễ vật này ở chợ đen. Nếu không, họ chỉ còn cách... lặn xuống biển, tìm cho được một con cá voi và nhổ răng nó. Mặc dù ngày nay, tục lệ này chỉ còn tồn tại ở các vùng nông thôn nhưng tabua có ý nghĩa là mang lại may mắn cho cuộc sống lứa đôi. (Nguồn: Tuzlanski.ba)
Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, đám cưới được coi là nghi lễ hết sức trang nghiêm. Vì vậy, tất cả mọi người, kể cả cô dâu, chú rể đều bị cấm được cười trong suốt buổi lễ. (Nguồn: Twitter)
Trong đám cưới ở Ireland, chân của cô dâu luôn luôn phải chạm đất khi nhảy cùng với chú rể. Người dân nơi đây cho rằng, ma quỷ yêu cái đẹp và cô dâu là người xinh đẹp nhất trong ngày cưới. Chừng nào chân cô dâu còn đặt trên sàn nhà, ma quỷ sẽ không thể đánh cắp được cô. (Nguồn: Dena Shearer Photography)