Theo quy định mới, từ 1/1/2022, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ. (Nguồn: Báo Đấu thầu) |
Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ 1/2/2022 chính thức tăng thời gian làm thêm cho người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.
Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ (trước đây là không quá 64 giờ), tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ (trước đây không quá 32 giờ). Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.
Hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.
Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020 của Chính phủ.
Thông tư 18 quy định, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác; việc rút ngắn giờ làm việc và đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định việc nghỉ không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.
4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2, Thông tư 21/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định tương đối chi tiết về mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường lao động.
Theo đó, có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:
- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).
- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).
- Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.
- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.
Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan (Trung Quốc) làm hộ lý và y tá tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng 0,7 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa không quá 2 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Nếu sang Đài Loan (Trung Quốc) làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình (khán hộ công gia đình), giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là 0,4 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa không quá một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Có hiệu lực từ ngày 21/2, Quyết định 40/2021 của Thủ tướng Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, đơn cử như:
- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.
- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
- Hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50 triệu đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc;
- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài 40 triệu đồng/trường hợp.
Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Có hiệu lực từ ngày 15/2, Nghị định 131/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 15/2), người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác
Thông tư 43/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2.
Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên và không so sánh học viên với nhau.
Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6
- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10
- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo
Thông tư số 31/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2, thay thế Thông tư số 49/2016.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân).
Ngoài ra, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện kết nối, chia sẻ thông tin về công dân cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông thì người khai không phải kê khai các thông tin về giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo vào ngày 1/1 và ngày 21/6 hằng năm. Kỳ hạn cấp thẻ nhà báo là 5 năm. Kỳ hạn của thẻ nhà báo hiện hành được tính từ ngày 1/1/2021.