📞

Những sự cố ngoại giao tích cực

10:15 | 17/05/2012
Trong cuốn Hồi ký với nhiều tình tiết lịch sử phức tạp của mình, Nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung đã chia sẻ những câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” trên con đường làm ngoại giao của mình. Trong câu chuyện của ông, những sự hiểu nhầm, những sự cố ngoại giao… đôi khi lại mang ý nghĩa tích cực, khắng định tình cảm tốt đẹp mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
Ông bà Đại sứ Võ Văn Sung tiếp ông Trần Văn Hữu – cựu Thủ tướng thời Bảo Đại, tại Đại sứ quán VN Dân chủ cộng hòa.

Sự cố ngoại giao ở Geneva

Tôi có một số kỷ niệm đáng nhớ, nó giúp cho ta thấy được tình cảm của chính phủ các nước đối với Chính phủ cách mạng lâm thời, có nhiều khi không như biểu hiện về mặt ngoại giao chính thức.

Tôi xin kể một ví dụ: tôi xin gặp Đại sứ trưởng phái đoàn của Hà Lan cạnh Liên Hiệp Quốc tại Geneva là ông Van Der Klaus (về sau ông này làm Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan) nhưng văn phòng của phái đoàn Hà Lan trả lời: “Đại sứ không tiếp” và giải thích lý do: “Hà Lan không thể ủng hộ lập trường của các ông được”.

Khi ta hỏi lại: “Các ông đã gặp chúng tôi lần nào đâu mà biết lập trường của chúng tôi?”, phía Hà Lan đã trả lời: “Chúng tôi đã gặp một người của các ông rồi, cách đây hai hôm”. Phía ta trả lời: “Chúng tôi chưa có ai gặp các ông cả. Ông Võ Văn Sung là Đại sứ của Hà Nội tại Paris kiêm nhiệm Đại sứ tại Hà Lan; đề nghị văn phòng báo cáo lại với Đại sứ Van Der Klaus”.

Chưa đầy 15 phút sau, phái đoàn Hà Lan gọi lại cho biết Đại sứ Hà Lan có thể tiếp tôi lúc nào tôi muốn. Tôi đã trả lời sẵn sàng đến và liền sau đó tôi đã gặp.

Khi tôi bước vào phòng khách, đại sứ Van Der Klaus đã vồn vã ra tận cửa đón tôi và nói: “Xin bạn đồng nghiệp miễn chấp vì tôi cứ tưởng người xin gặp tôi là Đại sứ của chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn”. Tôi nói: “Lời nói của bạn đồng nghiệp làm cho tôi hiểu được tình cảm thật sự của bạn đối với chúng tôi. Thế lập trường của Sài Gòn thế nào mà Hà Lan không thể ủng hộ được?”.

Đại sứ Hà Lan trả lời: “Họ đề nghị tôi chống việc Chính phủ cách mạng lâm thời tham gia hội nghị”. Tôi hỏi: “Thế Hà Lan sẽ ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời chứ?”. Đại sứ trả lời: “Đó là ý định của chúng tôi”. Tôi nói: “Thế thì tôi không có gì để nói thêm về vấn đề này nữa”.

Sau đó Đại sứ Van Der Klaus và tôi đã nói chuyện với nhau gần một giờ rưỡi đồng hồ về tình hình Việt Nam và về quan hệ giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) và Hà Lan.

Câu chuyện này đã mở đầu cho một thời kỳ quan hệ cá nhân rất tốt đẹp giữa Đại sứ Van Der Klaus với tôi, vì khoảng năm 1976 ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan và cứ mỗi lần chúng tôi gặp lại nhau tại Hà Lan hoặc mấy lần cùng đi họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, sau khi bàn bạc công việc chúng tôi đều ăn cơm với nhau và lại nhắc đến cái “sự cố ngoại giao ở Geneva”. Mối quan hệ cá nhân và “sự cố ngoại giao” nói trên cũng góp phần giúp cho việc giải quyết các vấn đề quan hệ song phương thêm thuận lợi.

...Và sự hiểu lầm của Ngoại trưởng Madagascar

Trong thời gian từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, tôi cũng có nhiều dịp vận động một số nước châu Phi đã có quan hệ ngoại giao với VNDCCH công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời. Trong thời gian này tôi cũng đã tiếp tục có nhiều cuộc gặp gỡ tại Paris hoặc đi sang nước sở tại để bàn việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VNDCCH với các nước đó, và trong mỗi dịp này tùy đối tượng tôi đều vận động họ công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Việc này đã có kết quả tốt đối với một số nước như Benin, Congo, Angola… ở châu Phi và Bồ Đào Nha ở Tây Âu (lúc đó phe tả “Cách mạng hoa hồng” đang sôi nổi). Đối với một số nước khác tuy chưa có kết quả ngay do hoàn cảnh của họ, nhưng hầu hết đều bày tỏ cảm tình với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời.

Riêng với Madagascar có câu chuyện khá thú vị như sau: Nhân dịp Ngoại trưởng nước này là ông Ratsiraca mà tôi được quen biết từ trước khi ông tham gia chính quyền (về sau là Tổng thống), đi công tác qua Paris, tôi đã xin gặp và nêu vấn đề Madagascar công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Với cách nói của người bạn, ông cho biết không bao giờ công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tôi hỏi lại lý do vì Madagascar đã có quan hệ ngoại giao với VNDCCH và không có quan hệ với chính quyền Sài Gòn.

Ông ngoại trưởng trả lời: “Đối với chúng tôi thì nước Việt Nam là một, chỉ có nước VNDCCH của Bác Hồ. Cho nên nếu công nhận bất kỳ chính phủ nào khác là trái với nguyên tắc mà chúng tôi tôn trọng: Nước Việt Nam là một! Chúng tôi đã từ chối việc công nhận bọn bù nhìn ở Sài Gòn”.

Tôi phải giải thích lại tình hình miền Nam và chính sách của ta, vai trò của Chính phủ cách mạng lâm thời, những điều khoản của Hiệp định Paris và những vấn đề thuộc về quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ miền Nam Việt Nam, ở đó có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát…

Thấy ông còn phân vân, tôi đã phải “nói riêng” rằng: “Chính phủ cách mạng lâm thời cũng là anh em chúng tôi cả” và “VNDCCH với Chính phủ cách mạng lâm thời tuy hai cũng như một, nhưng tuy một mà cho đến khi Việt Nam tái thống nhất thì vẫn phải là hai”.

Cuối cùng ông Ngoại trưởng hứa sẽ báo cáo về chính phủ và độ hơn một tuần sau thì Đại sứ quán Madagascar ở Paris báo cho tôi biết là Madagascar đồng ý công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

(Theo Hồi ký của Nhà ngoại giao Võ Văn Sung)