Mỗi hành trình, con đường đi của họ đều nói lên ý chí và nghị lực phi thường của những người mang trong mình di chứng của CĐDC cùng nỗi đau chiến tranh dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ…
Ông Phạm Thanh Xuân giới thiệu sản phẩm mật ong chất lượng cao. (Ảnh: NVCC) |
Tàn nhưng không phế
Ông Phạm Thanh Xuân (thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 77%, tỷ lệ nhiễm CĐDC 60%) hiện là hội viên Hội NNCĐDC/dioxin xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Từng nhập ngũ vào năm 1971 tại Đại đội 18, trung đoàn 141, Sư đoàn 2, chiến trường Tây Nguyên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1974, ông trở về cuộc sống đời thường, cùng gia đình phát triển kinh tế.
Khi ấy, cuộc sống rất khó khăn bởi ông chỉ còn một cánh tay và di chứng của CĐDC ngày đêm bào mòn cơ thể với những cơn đau tưởng chừng không chịu nổi.
Thế nhưng, phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông Xuân cùng vợ con bắt tay vào gieo ươm các loại giống cây trồng phục vụ nhân dân phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Mỗi năm, gia đình ông xuất từ 800 nghìn đến 1 triệu cây quế giống và cây lâm nghiệp khác kết hợp với nuôi ong lấy mật.
Năm 2009, ông quyết định thành lập Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân, đăng ký thương hiệu độc quyền trên toàn quốc.
Trong hơn chục năm, ông cùng lãnh đạo Công ty đưa những trại ong đi khai thác theo mùa vụ tại các tỉnh miền Bắc và vùng Tây Nguyên, mỗi năm thu về từ 15 đến 20 tấn mật ong, hàng tấn phấn hoa và hàng trăm kg sữa ong chúa.
Đến năm 2019, ông tiếp tục thành lập hợp tác xã (HTX) lấy tên là HTX nông nghiệp Thanh Phong, nuôi 100 con bò sinh sản. Đến nay, công ty và HTX do ông làm chủ ngày càng phát triển, kinh tế gia đình ổn định, nhà cửa xây dựng khang trang.
Ngoài công việc kinh doanh, ông Xuân luôn hưởng ứng và đi đầu trong mọi phong trào do xã, huyện, tỉnh phát động. Trong đó, phong trào được ông dành nhiều tâm huyết là tư vấn kỹ thuật nuôi ong cho các cựu chiến binh, NNCĐDC.
Gia đình ông luôn tích cực tham gia các phong trào khác như xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ, tạo việc làm cho các hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương, cựu chiến binh và con em cựu chiến binh là NNCĐDC.
Đặc biệt, trong nhiều năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ông đều tặng quà tới các cựu chiến binh, NNCĐDC trên địa bàn cư trú và quê hương.
Ông Xuân chia sẻ: “Những món quà tuy nhỏ bé, nhưng tôi rất phấn khởi khi được góp phần của mình vào phong trào đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc cả nước”.
Qua những năm vượt khó vươn lên phát triển kinh tế và tham gia các phong trào, ông Xuân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý: ba lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được tặng năm kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học-Công nghệ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.
Có thể nói, đó là những phần thưởng cao quý, ghi nhận sự nỗ lực của bản thân ông Xuân, là động lực giúp ông tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn gương mẫu và là tấm gương sáng cho các thế hệ sau.
Một bức tranh vẽ Bác Hồ của chị Lương Thị Hồng Yến. (Ảnh: NVCC) |
Ước mơ mang tên “Chuông gió”
NNCĐDC Lương Thị Hồng Yến sinh năm 1988 trong một gia đình nghèo tại phường Xuân Tân, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Cô gái này bị nhiễm chất độc da cam từ khi sinh ra với di chứng teo cơ, vẹo cột sống. Để có thể đi học như các bạn cùng trang lứa, mỗi ngày mẹ cô đều thức khuya dậy sớm sắp xếp công việc, dành thời gian cõng cô đến trường từ lớp 1 đến lớp 5. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, cô buộc phải nghỉ học ở nhà vì sức khỏe yếu dần.
Với suy nghĩ phải cố gắng vươn lên bằng những người bình thường trong xã hội, Yến tìm tòi, học hỏi sử dụng máy vi tính và các thiết bị thông minh.
Cô nghiên cứu đọc sách, tài liệu, truy cập Internet và bắt đầu vẽ tranh, chủ yếu vẽ bằng chì và lấy nghệ danh là “Chuông Gió” với mong ước gửi gắm sự vui tươi giống như âm thanh trong trẻo của chuông gió.
Sau khi tranh của Yến được đăng lên các trang mạng xã hội, có rất nhiều người đã đặt hàng cô vẽ, đặc biệt là dòng tranh vẽ chân dung truyền thần.
Với công việc yêu thích này, Yến đã tìm lại được niềm vui cũng như giá trị trong lao động. Bên cạnh đó, cô vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu các phương pháp vẽ tranh mới trên các trang mạng để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho mình.
Một tấm lòng vì cộng đồng
Cũng là NNCĐDC, anh Dương Văn Bình ở phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đã tự vươn lên làm giàu và giúp đỡ cộng đồng.
Bố anh Bình đi bộ đội năm 1968, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và bị nhiễm CĐDC. Khi hòa bình, ông về quê sinh sống và có bốn người con nhưng tất cả đều bị dị dạng, dị tật. Anh Bình sinh năm 1976 bị teo hai chân, lưng bị gù, cong vẹo cột sống.
Anh tâm sự: “Tôi khát khao tới trường để học chữ. Niềm mơ ước ấy được cha mẹ tôi ủng hộ và thay nhau đưa đón tôi đến lớp. Một số học sinh cùng lớp gọi tôi là “thằng gù”, “thằng quẹo chân” khiến tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến trường.
Tôi đã rất mặc cảm. Thêm vào đó, do sức khỏe yếu nên tôi tự bỏ học đến hai lần. Nhưng rồi được cô giáo, thầy giáo, bạn bè động viên, tôi lại quyết tâm đến lớp và vươn lên học giỏi. Sau này, bạn bè có nhiều cái nhìn thiện cảm với tôi hơn. Con đường đến trường của tôi là máu và những vết chai sạn trên hai bàn tay, đôi chân lê bò trên đá sỏi”.
Anh Dương Văn Bình ngoài giờ làm việc tại xưởng sửa chữa điện tử còn tận tâm săn sóc đàn bò của mình. (Nguồn: Hội NNCĐDC tỉnh Thái Nguyên) |
Được thầy cô và bạn bè giúp đỡ, anh Bình đã học hết cấp ba và sau này học xong trường Trung cấp nghề Trung ương I. Đến năm 2001, anh trở về quê hương Sông Công và xin bố mẹ cho vốn mở cửa hàng sửa chữa điện tử.
Với tay nghề ngày càng cao, ý thức phục vụ khách hàng chu đáo, số lượng khách hàng của anh ngày càng đông. Không dừng ở đó, anh đã tập hợp những anh em khuyết tật, những NNCĐDC trên địa bàn tới truyền dạy nghề miễn phí cho họ.
Khi xây dựng gia đình ổn định, anh tiếp tục đầu tư mua đất làm trang trại chăn nuôi. Năm 2014, gia đình anh còn mở thêm xưởng may mặc, tạo việc làm và có thu nhập cho nhiều người khuyết tật và NNCĐDC.
Năm 2012, Hội người khuyết tật thành phố Sông Công được thành lập theo đề xuất của anh Bình và anh đã được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đến nay, hơn 10 năm gắn bó với công tác xã hội, anh Bình như quên đi những khiếm khuyết của bản thân, ngược lại luôn quan tâm tới người khuyết tật và những người có nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tại Đại hội Hội NNCĐCD/dioxin tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ IV vừa qua, anh là Đại biểu chính thức được báo cáo điển hình tại Đại hội và được toàn Đại hội tán thưởng, khâm phục về nghị lực vượt khó trong cuộc sống.
| Những nỗi đau vẫn còn đeo đẳng các gia đình nạn nhân chất độc da cam Chiến tranh đã đi xa hơn một nửa thế kỷ, nhưng với những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn không thể kể hết ... |
| Chung tay xoa dịu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) vừa tổ chức phát ... |
| Những dấu chân về miền cát trắng Chuyến đi về miền Trung, nơi có “cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau” của các công đoàn viên Bộ Ngoại ... |
| Đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong tình hình mới Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được tổ chức vào ... |
| Tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân chất độc da cam Trong hai ngày 28-29/12, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn ... |