Các nhà hoạt động xã hội là người Việt Nam và gốc Việt tiêu biểu trên khắp thế giới sẽ có mặt tại Paris, Pháp vào ngày 30-31/3 để tham dự VGLF 2024, do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức.
Với chủ đề “Việt Nam – Vươn mình trong biến động”, VGLF 2024 tiếp tục là nơi hội tụ tinh hoa, nguồn lực người Việt và gốc Việt xuất sắc từ khắp nơi để cùng nhau quyết tâm hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, vững bước trong sự biến động của thế giới.
Người tiếp nối di sản của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Thầy Pháp Hữu không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng quốc tế của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà còn được biết đến như một nhà hoạt động xã hội tích cực.
Thầy Pháp Hữu. (Nguồn: AVSE Global) |
Hiện thầy đang là trụ trì cộng đồng tăng sĩ tại Làng Mai (trung tâm tu tập do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thành lập ở Tây Nam nước Pháp).
Sinh ra ở Việt Nam, thầy di cư sang Canada khi còn nhỏ. Khi vừa mới vào tu viện để trở thành tu sĩ ở tuổi 13, thầy bắt đầu tu tập với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Pháp danh Chân Pháp Hữu nghĩa là “Người bạn Pháp chân chính” của thầy cũng được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt.
Trong hơn mười năm, Thầy đã đồng hành cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các chuyến giảng dạy quốc tế với tư cách là thị giả và trợ lý.
Ngày nay, Làng Mai, dưới sự lãnh đạo của thầy Pháp Hữu, thường xuyên tổ chức các khóa tu, hội thảo và các sự kiện với mục tiêu nâng cao ý thức sống chánh niệm, yêu thương và chăm sóc môi trường, cũng như thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng và tôn giáo.
Thầy cam kết xây dựng cộng đồng và tiếp nối di sản của Thiền sư, mang những lời dạy về sống chánh niệm và tỉnh thức đến mọi tầng lớp xã hội.
Thầy Pháp Hữu là một tấm gương sáng trong việc thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau qua lăng kính giáo lý Phật giáo, qua đó góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Giáo sư tâm huyết với thế hệ trẻ Việt Nam
Được biết "bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học", GS. Lê Kim Ngọc đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới khoa học quốc tế.
GS. Lê Kim Ngọc. (Nguồn: AVSE Global) |
Những nghiên cứu của bà, đặc biệt là khái niệm "lát mỏng tế bào" và công trình về quá trình nở hoa của thực vật, đã mở ra những cánh cửa mới cho ngành sinh học thực vật, tạo tiền đề cho những phát triển vượt bậc trong công nghệ sinh học.
GS. Lê Kim Ngọc không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là một nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ tiếp theo trong việc cống hiến và phát triển.
Cùng với chồng là GS. Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc đã không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp giáo dục và bảo trợ trẻ em Việt Nam mồ côi và khuyết tật.
Cũng từ đó, Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp được thành lập và những dự án như Làng trẻ em SOS và các trung tâm bảo trợ trẻ em ở Việt Nam là minh chứng cho tình yêu thương mà họ dành cho xã hội.
Những nỗ lực này không chỉ mang lại hy vọng và hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn trẻ em mà còn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng trong và ngoài nước.
Được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương Hữu nghị là sự công nhận cho những đóng góp to lớn của bà trong khoa học và những hoạt động vì cộng đồng.
Hành trình của sự quan tâm và tử tế
Anh Hoàng Hoa Trung. (Nguồn: AVSE Global) |
Sáng lập dự án Nuôi Em, Hoàng Hoa Trung đã trở thành gương mặt trẻ tiêu biểu nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ hướng tới trẻ em dân tộc thiểu số khó khăn.
Anh chia sẻ: “Thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất.
Công tác thiện nguyện nhiều khi rất khó khăn, vất vả nhưng với Trung và các bạn, điều đó cũng cho mình nhận lại được niềm vui khi sống có ích”.
Bằng những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, anh đã được vinh danh với rất nhiều giải thưởng như Forbes 30Under30 Việt Nam (2020), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2019) (Bằng khen Thủ tướng Chính phủ), Giải thưởng Tình nguyện Quốc Gia 2017, Top 10 Nhân vật truyền cảm hứng Wechoice Awards, Giải thưởng NUÔI EM: Dự án xã hội tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương - Hội liên hiệp các tổ chức Unesco Việt Nam và Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao tặng 8/2023, Giải thưởng Thanh niên Tình nguyện Asean Plus 2022.
Với thành tích ấn tượng, Hoàng Hoa Trung không chỉ là minh chứng cho tấm lòng vàng mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ trẻ.
Nữ vận động viên truyền cảm hứng “Không gì là không thể”
Ngày 28/8/2022, cộng đồng chạy bộ và ba môn phối hợp Việt Nam đã vỡ òa hạnh phúc khi nữ vận động viên Thanh Vũ cán đích đầu tiên và vô địch cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới mang tên The Deca Ultra Triathlon diễn ra tại Thụy Sỹ.
Nữ vận động viên Thanh Vũ. (Nguồn: AVSE Global) |
Với thành tích xuất sắc, Thanh Vũ cũng là nữ vận động viên Châu Á đầu tiên vô địch giải thi này. Trước đó, cô từng gây tiếng vang khi chinh phục nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, đặc biệt phải kể đến thành tích người châu Á đầu tiên chạy bộ 1.000km qua 4 sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới; hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả 7 lục địa: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, châu Phi và châu Nam Cực.
Đến với các cuộc đua không phải để hành xác hay làm đau bản thân như nhiều người vẫn nghĩ, mà Thanh Vũ tham gia là để tìm hiểu xem mình làm được điều gì, vượt qua khó khăn, thử thách nào.
Từ đó, Thanh muốn truyền tải thông điệp "Không gì là không thể", để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm để bước tới và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Từ câu chuyện của mình, Thanh Vũ cũng đã truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam dám ước mơ, dám thực hiện, bay cao, bay xa để trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước.
Như vậy, sự góp mặt của những nhà hoạt động xã hội không chỉ là dịp để ghi nhận những thành tựu của họ mà còn là cơ hội để truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng, khích lệ mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam và cả thế giới.