Một trong những tàu ngầm của Nga đang hoạt động trên biển. (Nguồn: National Interest) |
Thông thường, trong thủy thủ đoàn của tàu ngầm hạt nhân có 70-100 thành viên. Nhưng, vào những năm 1970 - 1980, ở Liên Xô đã có cả một loạt tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với thủy thủ đoàn 32 thành viên: chỉ có các sĩ quan và hạ sĩ quan. Và chỉ có 8 thành viên trực ca trực chiến. Họ có đầy đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ nhờ mức độ tự động hóa cao nhất, mà ở thời điểm đó và thậm chí cả ngày nay không có tàu ngầm tương tự nào trên thế giới.
Động cơ chính của tàu ngầm là lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng hợp kim của chì (Pb) và bitmut (Bi), công suất 150 MW. Đây là một lò phản ứng nhỏ gọn, rất nhẹ, “tăng tốc” rất nhanh và có thể dừng lại một cách tự động trong tình huống khẩn cấp.
Đặc điểm chính của chiếc tàu ngầm có lượng choán nước 3.180 tấn này là thân tàu được làm hoàn toàn bằng hợp kim titan.
Tên gọi chính thức của chiếc tàu là tàu ngầm đa năng Project 705 / 705K Lira (mã NATO - Alfa). Trên thực tế, đây là một phương tiện chiến đấu có khả năng tiêu diệt các tàu ngầm và tàu nổi: tốc độ cao (41 hải lý), hoạt động ở vùng nước sâu, năng động, có thể thực hiện cơ động trên tốc độ cao ở góc 180 độ và sau 42 giây di chuyển theo hướng ngược lại, tương đối yên tĩnh, có khả năng ngay lập tức né tránh các đợt phản công bằng ngư lôi của đối phương.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình quân đội Nga Zvezda, người chỉ huy một tàu ngầm lớp Lira, Thuyền trưởng bậc I Gennady Baranov hồi tưởng lại:
"Khi tôi lần đầu tiên bước lên chiếc tàu ngầm này, đây là khoảnh khắc ấn tượng nhất, như thể tôi đang ở trên tàu Nautilus của Thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết của nhà văn Pháp Jules Verne, “cha đẻ” của thể loại văn học Khoa học viễn tưởng. Tôi chưa bao giờ thấy những siêu tàu như vậy, với nhiều thiết bị điện tử tự động hóa như vậy. Đó là vào đầu những năm 1970!"
Ông Gennady Baranov lưu ý rằng, các thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm đã trải qua một cuộc kiểm tra y tế nghiêm ngặt, như thể họ là ứng cử viên phi hành gia. Các thủy thủ đã được kiểm tra đặc biệt về khả năng chịu đựng stress.
Đáng tiếc, do cấu tạo phức tạp về mặt kỹ thuật chứa đựng nhiều phát minh, các tàu ngầm lớp Lira khá tốn kém khi vận hành. Sau khi Liên Xô sụp đổ, vào giữa những năm 1990, vì lý do kinh tế (nền kinh tế bị sụp đổ và nguồn tài chính bảo đảm cho quân đội gặp muôn vàn khó khăn), cũng như do những lý do kỹ thuật (các con tàu bị hao mòn về vật chất và trở nên lỗi thời) - Hải quân Nga đã loại các tàu ngầm này khỏi biên chế và đến năm 2010 chúng bị loại bỏ hoàn toàn.
Nhưng, điều này không có nghĩa là các nhà đóng tàu Nga từ chối dùng titan làm vật liệu kết cấu.
Titan là một kim loại đắt tiền, khó sản xuất và gia công, nhưng có trọng lượng nhẹ, mạnh mẽ, chống ăn mòn (kể cả trong nước biển), có tính chất phi từ tính và không bị nhiễm từ, nhiệt độ nóng chảy của kim loại này tương đối cao, trên 1.650 °C. Nhờ những đặc tính này, titan được dùng trong công nghiệp máy bay và tên lửa, trong ngành đóng tàu.
Hiện nay, Hải quân Nga là hạm đội quân sự duy nhất trên thế giới với các tàu ngầm có thân tàu làm bằng titan. Đó là các tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc dự án 945 Barracuda và 945A Kondor (tên mã NATO: Sierra-I và Sierra- II) đã được chế tạo dưới thời Liên Xô nhưng muộn hơn tàu lớp Lyra. Chúng lớn hơn gấp 3 lần so với tàu lớp Lyra về lượng rẽ nước, số lượng thành viên trong thủy thủ đoàn nhiều hơn, tốc độ thấp hơn một chút, nhưng, độ sâu và khả năng hoạt động độc lập lớn hơn nhiều. Vũ khí - ngư lôi cỡ 533mm và 650mm, tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình.
| NASA và ‘cú đâm’ ngừa hậu họa với Trái đất Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang thực hiện kế hoạch phóng một tàu vũ trụ đâm vào một tiểu hành ... |
| Nhật Bản phát hiện đột biến khiến biến thể Delta nguy hiểm hơn Theo nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, sự nguy hiểm của biến thể Delta có thể xuất phát từ đột biến P681R xảy ra ... |