Các em học sinh hứng thú học tập là động lực cho thầy cô
Cách đây nửa năm, đội ngũ Khan Academy Vietnam (KAV) có cơ hội đồng hành cùng nhiều trường tại Mù Cang Chải - Yên Bái để hỗ trợ sử dụng nền tảng Khan Academy trong quản lý dạy và học. Trong buổi tập huấn, rất nhiều giáo viên ngồi lán lợp mái thô sơ, dùng chung máy tính để thực hiện thao tác, thậm chí phải đi “hứng sóng” mới có thể truy cập nền tảng và tham gia buổi đào tạo qua zoom…
Trong buổi phỏng vấn hôm nay cũng vậy, các giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông cũng liên tục phải thay đổi chỗ ngồi, chuyển đổi linh hoạt mọi thiết bị để có thể chia sẻ trọn vẹn câu chuyện với đội ngũ KAV.
Đa phần học sinh của trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông là dân tộc thiểu số, số ít là người Kinh. Chính vì vậy, để các em có thể học tập trực tuyến trên nền tảng Khan Academy là cả một quá trình nỗ lực khắc phục khó khăn của thầy cô và học trò.
Cô và trò phải ra ngoài trời để “hứng sóng” và học tập. |
Đang học thì mất “mạng”, đang học thì máy “đơ”, đang học thì hết giờ sử dụng vì mỗi lớp chỉ có tối đa 15 phút dùng máy tính…. Đó là những khó khăn điển hình mà thầy cô và học trò ở Púng Luông gặp khó khi học tập trên nền tảng.
Cô Huệ - giáo viên của lớp 3A2 chia sẻ: “Vì ở lớp 100% học sinh đều là dân tộc thiểu số nên các con không có thiết bị như điện thoại, laptop để tự học. Hằng tuần, các con có 1 buổi tầm 15 phút để dùng máy tính chung của nhà trường. Cả trường có 20 máy tính thôi nên phải chia theo khung giờ và theo tuần để đảm bảo lớp nào cũng được học. Có hôm suôn sẻ, các con truy cập học và làm bài tập được, nhưng có hôm mạng yếu, các con chưa được học đã phải rời máy để nhường cho lớp khác. Nhìn các con mếu máo, phụng phịu vì chưa được học rất thương nhưng không còn cách nào khác, đành hẹn buổi sau”.
Cũng như lớp cô Huệ, học sinh của cô Nga lớp 1A3 rất háo hức đến giờ học toán trên nền tảng. Các con thích thú với video bài giảng có hình con cá heo nhảy nhót, có con số đầy màu sắc, có phép tính thật thú vị chứ không hề khô khan... trở thành “đặc sản” mà bạn nào cũng mong muốn được xem, được đọc theo. Thế nhưng không phải bạn nào cũng có máy tính, điện thoại để học. Chính vì vậy, cô Nga thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để hướng dẫn các con học thông qua điện thoại, laptop của cô. Hoặc buổi tối thì các bạn nhỏ sẽ đến nhà cô để học. Cô chia sẻ: “Nhìn các con vây quanh cô và hào hứng xem video bài giảng, hào hứng trả lời câu hỏi khiến cho cô có thêm động lực để khắc phục mọi khó khăn”.
Tranh thủ giờ nghỉ cô Minh Huệ hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến. |
Còn với cô Thắm - giáo viên phụ trách khối 4, cảm thấy động lực chính là các bậc phụ huynh. Khi giao bài tập để các con có thể tự học tại nhà, cô thường xuyên nhận được cuộc gọi từ phụ huynh về cách truy cập, cách làm bài tập, cách xem bài giảng… trên nền tảng. Có những buổi nghỉ trưa, những bữa cơm tối “gián đoạn” vì được phụ huynh hỏi thăm nhưng đó lại trở thành niềm vui, niềm may mắn của cô.
Khó khăn nhưng không có nghĩa là… bỏ cuộc
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tiến phụ trách chung tại Trường cho biết: “Ban đầu khi tiếp cận nền tảng Khan Academy, thầy cô cũng cảm thấy rất khó. Tuy nhiên, với mục tiêu để các em học sinh được tiếp cận chương trình học Toán sáng tạo, vui vẻ và tiếp cận các môn học tiếng Anh, thầy cô đã cố gắng tập huấn và sử dụng thành thạo để hướng dẫn các con. Thú thực nhiều video bài giảng Toán lớp 3 và lớp 4, thầy cô phải “họp” cùng nhau, cùng xem đi xem lại để hiểu kỹ và sau đó giảng lại cho các con”.
Cô Long giáo viên lớp 3A3 nhận thấy việc học tập trên nền tảng tạo ra niềm hứng khởi học tập cho các con. Vậy nên, cô thường xuyên tổ chức các cuộc thi đua học tập trong lớp, tạo động lực giúp các con chăm chỉ học tập. Mỗi lần đến “phiên” học thấy bạn nào cũng háo hức nên thầy cô cũng phần nào “giải tỏa” được những khó khăn ban đầu.
Cô Kiều Thị Hường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận thấy nền tảng có thể hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý và dạy học sinh một cách trực quan. Đồng thời hỗ trợ quá trình nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, góp phần chuyển đổi số giáo dục tại tiểu học Púng Luông nói riêng và Mù Cang Chải nói chung nên chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số cũng như đem đến cho học sinh trải nghiệm học tập tốt nhất. Chúng tôi hy vọng, học sinh Púng Luông sẽ phát huy được năng lực học tập để tự tin thi Toán và đạt giải nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh…”
Các em học sinh rất háo hức với mỗi giờ học. |
Mặc dù cơ sở vật chất tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông chưa ổn định, máy móc vẫn còn hạn chế nhưng đội ngũ giáo viên luôn tâm niệm khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ từng giờ nghỉ trưa, tranh thủ từng buổi tối, tận dụng mọi lúc để các con có thể học tập tốt nhất. Khó khăn đến đâu cũng tìm giải pháp, không phải khó là không làm….
Có lẽ chính vì sự quyết tâm cao độ như vậy, nên ngay từ đầu năm học 2023-2024 thầy cô và trò ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông đã đạt những “chỉ số” học tập rất tốt trên nền tảng. Hiện nay, hơn một nửa học sinh tại nhà trường đã tiếp cận và học tập hàng tuần đều đặn trên nền tảng Khan Academy. Mặc dù con đường đi còn dài, còn nhiều chông gai nhưng với tâm huyết và công sức mà thầy cô đang làm, chắc chắn đất cằn cũng sẽ nở hoa trên Púng Luông!
| Tuyên dương 140 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc năm 2022 Tối 10/12, Uỷ ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ... |
| T&T Group hỗ trợ 5 tỷ đồng, mở cánh cửa cho học sinh nghèo Hà Tĩnh vào đại học Số kinh phí do Tập đoàn T&T Group trao tặng sẽ được Quỹ sử dụng để hỗ trợ những em học sinh gặp hoàn cảnh ... |