Cho người khác mượn bằng lái xe ô tô hay xe máy khi tham gia giao thông, sẽ bị thu hồi bằng lái và phải thi sát hạch lại. |
Những trường hợp bị thu hồi bằng lái xe ô tô, xe máy từ ngày 1/6
Thông tư 05/2024/TT-BGTVT bổ sung các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe (bằng lái xe), bao gồm cả việc mượn giấy phép lái cho người khác. Cụ thể, nếu vi phạm quy định này, cá nhân có thể phải đối diện với việc giấy phép lái xe bị thu hồi. Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024.
Thông tư này cũng chỉ rõ 4 trường hợp mà giấy phép lái xe sẽ bị thu hồi, bao gồm:
- Để người khác sử dụng giấy phép lái của mình.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho người không đủ điều kiện.
- Có sai sót trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký.
- Khám sức khỏe và phát hiện chất ma túy trong cơ thể của người lái xe.
Đối với trường hợp "Để người khác sử dụng giấy phép lái của mình", Thông tư 05 cũng đưa ra quy định mới về việc xử lý giấy phép lái xe sau khi bị thu hồi.
Theo đó, sau 01 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép lái xe có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe thì đăng ký với Sở Giao thông vận tải để sát hạch lại các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT), cụ thể:
- Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính (trừ sát hạch đối với hạng A1 tại các địa bàn thuộc các đô thị từ loại 3 trở lên có khoảng cách đến trung tâm đô thị loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy); phòng sát hạch lý thuyết có camera để giám sát quá trình sát hạch;
- Sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F; phòng sát hạch có camera để giám sát quá trình sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc cơ sở đào tạo lái xe có sân sát hạch đủ điều kiện, có thiết bị chấm điểm tự động (trừ các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp);
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F và có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.
(Điểm c khoản 14 và điểm b khoản 16 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)
Trình tự thu hồi giấy phép lái xe từ ngày 1/6/2024
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe thực hiện thu hồi theo trình tự sau:
- Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy phép lái xe. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi và hủy bỏ;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi giấy phép lái xe, người lái xe phải nộp giấy phép lái xe bị thu hồi đến cơ quan thu hồi giấy phép lái xe và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe có trách nhiệm thu hồi giấy phép lái xe đã cấp và hủy bỏ theo quy định;
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe đã sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy phép lái xe là cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp giấy phép lái xe.
(Khoản 15 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)
Bị CSGT tạm giữ bằng lái có được lái xe không?
Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Như vậy, trong khoảng thời gian bị tạm giữ bằng lái xe thì vẫn được phép lái xe. Chỉ trong trường hợp nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục lái xe thì mới bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Mức phạt lỗi không có bằng lái xe khi tham gia giao thông
Mức phạt lỗi không có bằng lái xe khi tham gia giao thông được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe môtô.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe môtô ba bánh.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.